Phát triển các mô hình kinh tế ở miền núi: Nhiều vướng mắc
Nhiều năm qua, các chương trình, dự án đầu tư vào các địa bàn miền núi nhằm hỗ trợ giảm nghèo, thoát nghèo bền vững, hỗ trợ phát triển sản xuất và tìm sinh kế lâu bền cho đồng bào miền núi được triển khai, bước đầu phát huy hiệu quả, song bên cạnh đó cũng còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ.
Mô hình trồng chuối mốc ở Đông Giang là một trong những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp dân thoát nghèo. |
Vài tín hiệu vui
Mạnh dạn đưa vào thử nghiệm các mô hình kinh tế dựa trên thế mạnh về nông - lâm nghiệp, từ năm 2009 đến nay, huyện Đông Giang tiếp tục đầu tư hơn 7 tỷ đồng từ nguốn vốn 135, 134, vốn định canh định cư…, có 2.908 hộ dân trên địa bàn huyện được hưởng lợi từ các dự án, mô hình. Từ những thành công bước đầu, đến nay nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả, từng bước trở thành đòn bẩy thoát nghèo như mô hình trồng chuối mốc, trồng gừng, nuôi heo rừng, nuôi gà an toàn… Chỉ tính riêng mô hình trồng chuối mốc, huyện đã hỗ trợ gần 70.000 cây giống cho người dân, trở thành một trong những cây trồng chiến lược giúp dân thoát nghèo. Hiện tại, diện tích trồng chuối tại Đông Giang đã lên đến 350ha, huyện cũng xây dựng đề án phát triển cây chuối hàng hóa giai đoạn 2012-2015 với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 16 tỷ đồng.
Mô hình trồng chuối mốc ở Đông Giang chỉ là một trong nhiều mô hình được triển khai thành công ở miền núi, giải quyết bài toán “trồng cây gì, nuôi con gì” được đặt ra nhiều năm nay. Tại Phước Sơn, mô hình nuôi và nhân giống heo đen, heo rừng lai được triển khai thí điểm tại xã Phước Năng cũng bước đầu mang lại những tín hiệu đáng mừng. Từ nguồn giống được hỗ trợ, bà con đã gây nuôi, nhân giống đàn heo rừng, cung cấp giống cho nhiều hộ dân trong địa bàn xã, đạt hiệu quả kinh tế cao. “Từ chỗ trông chờ vào nguồn giống, vào sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, nhiều người dân đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng các mô hình, vươn lên thoát nghèo. Phát huy thế mạnh về nông - lâm nghiệp, tận dụng nhiều nguồn từ các chương trình giảm nghèo và giảm nghèo bền vững cho miền núi, nhiều mô hình đã được nhân rộng tạo cơ hội thoát nghèo cho đồng bào miền núi Phước Sơn” - ông Phạm Thế Quyền, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết.
Còn nhiều vướng mắc
Hiệu quả của các mô hình giảm nghèo ở miền núi mang lại trong công cuộc giảm nghèo và giảm nghèo bền vững là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, đã xuất hiện nhiều vướng mắc, bất cập cần tháo gỡ. Thực tế cho thấy, các mô hình triển khai ở địa bàn miền núi chủ yếu thuộc về lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp. Nhiều mô hình được triển khai từ trên xuống theo kiểu đại trà, cây, con giống cấp phát không phù hợp với điều kiện chăm sóc, thổ nhưỡng, khí hậu ở địa phương. Thêm vào đó, tập quán canh tác lạc hậu không được khắc phục triệt để, công tác tập huấn kỹ thuật, giám sát yếu kém dẫn đến thất bại trong việc triển khai nhiều mô hình. Ông Nguyễn Văn Bình - Chủ tịch UBND xã Tư (Đông Giang) kiến nghị: “Nhiều mô hình nông - lâm nghiệp triển khai xuống xã kém hoặc không đạt hiệu quả, dẫn đến lãng phí nguồn lực như trồng mây dưới tán rừng, trồng sâm ba kích. Nguyên nhân là giống cây trồng không phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ở địa phương, cây trồng không thể phát triển hoặc phát triển rất chậm...”.
Đối với các mô hình chăn nuôi, việc cấp phát giống không đúng thời điểm, công tác giám sát, tập huấn kỹ thuật chưa gần gũi, sâu sát, người dân thiếu kiến thức chăm sóc, xử lý khi có dịch bệnh, dẫn đến con giống bị dịch bệnh như mô hình nuôi gà thả vườn, gà H’mông ở Đông Giang, phát triển đàn gia súc ở Phước Sơn… Nhiều nơi người dân còn ỷ lại vào nguồn giống hỗ trợ, vào cán bộ kỹ thuật nên không có ý thức chăm sóc, bảo vệ. Ông Nguyễn Đức - Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh nhận xét: “Vai trò của cán bộ cơ sở, của các già làng, trưởng bản trong việc tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc thoát nghèo, vươn lên làm kinh tế còn nhiều hạn chế. Nhân tố con người là trung tâm, chừng nào người dân còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước thì vấn đề giảm nghèo, nhất là giảm nghèo bền vững còn kém hiệu quả”.
Để mô hình phát huy hiệu quả
Những kiến nghị từ chính những người dân được hưởng lợi, từ góc độ người quản lý và từ chính quyền cơ sở cho thấy từ việc xây dựng mô hình đến ứng dụng vào thực tiễn cần sớm có những điều chỉnh phù hợp để phát huy được hiệu quả. Để phát huy hiệu quả của mô hình, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Kim Hùng nhấn mạnh: “Cần xây dựng mô hình từ cơ sở, dựa trên những điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội, điều kiện sản xuất gắn với địa phương, các mô hình mới sâu sát, thực tiễn, khắc phục được nhiều bất cập. Cơ chế giám sát, hỗ trợ người dân trong việc phát triển, nhân rộng mô hình cũng cần phải được triển khai tích cực, thậm chí có điều kiện ràng buộc cụ thể để người dân ý thức, chủ động được vai trò của mình”. Theo ông Hùng, việc thất bại của nhiều mô hình kinh tế ở miền núi xuất phát từ sự đầu tư dàn trải, thiếu tính kết hợp, đối tượng hỗ trợ đầu tư là hộ nghèo không có khả năng phát triển, đẩy mạnh hiệu quả của mô hình gây thất thoát nguồn vốn. Từ đó nảy sinh tâm lý ỷ lại của người dân khi được nhận quá nhiều chương trình, dự án hỗ trợ mà lại thiếu giám sát, thiếu điều kiện ràng buộc, đầu ra cho mô hình còn là bài toán khó…
Theo ông Nguyễn Bằng - Bí thư Huyện ủy Đông Giang, để giải quyết bài toán nâng cao hiệu quả của các mô hình kinh tế ở miền núi, cần sớm xóa bỏ tình trạng manh mún, dàn trải ở các mô hình, linh hoạt trong cơ chế để người dân thực sự thoát nghèo từ việc phát triển các mô hình kinh tế chứ không từ sự hỗ trợ của Nhà nước. “Theo tôi, cần tập trung đầu tư chọn lọc cho một số hộ gia đình có năng lực, có khả năng mở rộng đầu tư, hoặc một nhóm hộ gia đình, sẽ phát huy tốt hơn hiệu quả của mô hình, không nên chỉ tập trung vào đối tượng hộ nghèo, dễ nảy sinh tâm lý ỷ lại, tâm lý không muốn thoát nghèo” - ông Bằng nói.
Phương Giang