Phòng chống dịch tai xanh: Còn nhiều "lỗ hổng"

MAI NHI 04/03/2013 08:33

Mặc dù UBND tỉnh và ngành liên quan đã quyết liệt chỉ đạo nhưng công tác phòng chống dịch tai xanh trên đàn heo ở nhiều địa phương vẫn còn bộc lộ không ít bất cập...

  • Sự kiện: Dịch lợn tai xanh
Do chính quyền cơ sở  quản lý địa bàn kém nên dẫn đến tình trạng vận chuyển heo bệnh ra khỏi vùng dịch. Ảnh: V.SỰ
Do chính quyền cơ sở quản lý địa bàn kém nên dẫn đến tình trạng vận chuyển heo bệnh ra khỏi vùng dịch. Ảnh: V.SỰ

Giấu dịch và không tiêm phòng triệt để

Theo thống kê, tính đến trưa hôm qua 3.3, tại 161 thôn thuộc 37 xã, thị trấn của huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Quế Sơn, Thăng Bình, Điện Bàn, Nông Sơn, Tiên Phước đã có tổng cộng 4.428 con heo của 1.262 hộ dân bị dịch tai xanh gây hại, trong đó có 1.555 con chết, phải tiêu hủy bắt buộc. Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng sở dĩ đợt này đàn heo của Quảng Nam bị vi rút Lelystad tấn công nhiều và phân bố trên diện rộng là do chính quyền các địa phương vẫn còn tình trạng giấu dịch, để cho thú y cơ sở điều trị heo mắc dịch nhiều ngày làm mầm bệnh phát tán mạnh. Đơn cử như tại xã Bình Chánh, Bình Giang, Bình Minh (Thăng Bình) và Duy Trung, Duy Thành (Duy Xuyên) dịch xảy ra từ trước Tết Nguyên đán Quý Tỵ nhưng đợi đến ngày mùng 9 tháng giêng (tức 18.2.2013) khi UBND tỉnh chính thức công bố dịch trên phạm vi toàn tỉnh mới khai báo với cơ quan chuyên môn. Chính vì giấu dịch nên số ổ bệnh từ sau ngày tỉnh công bố dịch tăng lên đột biến khiến khâu tham mưu, chỉ đạo phòng chống dịch của các cấp gặp nhiều khó khăn, lúng túng.

Ông Nguyễn Thành Nam - Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết, dịch bùng phát chủ yếu từ các ổ dịch cũ trước đây, trên những đàn heo không được tiêm vắc xin phòng bệnh tai xanh. Ông Nam nói: “Thời gian qua, mặc dù lãnh đạo tỉnh và ngành nông nghiệp thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở nhưng công tác tiêm phòng vắc xin cho vật nuôi ở phần lớn các địa phương vẫn chưa được quan tâm đúng mức, thậm chí không ít nơi thả nổi”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong tổng số 560 nghìn con heo trên địa bàn tỉnh thì đến thời điểm dịch tai xanh bùng phát chỉ có khoảng 20 - 25% được tiêm phòng vắc xin; một số vùng chỉ đạt 7 - 10%. Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này không phải do khan hiếm vắc xin mà chủ yếu là ý thức trách nhiệm của người chăn nuôi thấp. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang nói: “Nuôi đàn heo trị giá hàng chục triệu đồng, nhưng bỏ ra vài trăm nghìn đồng để tiêm phòng thì người dân lại sợ tốn kém. Không lẽ Nhà nước cứ mãi bao cấp?”. Hiện nay một liều vắc xin tai xanh nhập khẩu từ Trung Quốc có giá 25 - 43 nghìn đồng. Do 2 năm trở lại đây Nhà nước không có chính sách hỗ trợ như trước nên muốn tiêm phòng cho đàn heo thì người chăn nuôi phải đăng ký với đội ngũ thú y cơ sở để mua vắc xin. Vì sợ tốn tiền mua vắc xin nên phần lớn người dân phớt lờ khâu tiêm phòng.

Nhiều bất cập

Ngay khi dịch xuất hiện, UBND tỉnh quyết liệt chỉ đạo ngành liên quan và chính quyền các địa phương khẩn trương đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác phòng chống dịch nhưng ở không ít nơi vẫn còn tình trạng vứt xác heo chết xuống sông làm ô nhiễm môi trường, tạo điều kiện cho mầm bệnh lây lan ra diện rộng. Ông Trần Thanh Mai – một người tham gia chốt chặn trên tuyến giao thông huyết mạch từ xã Duy Thành đi Duy Vinh (Duy Xuyên) cho biết, những ngày sau tết đến nay, nhiều người dân bỏ xác heo chết vào bao tải lén vứt xuống sông Bà Rén. Theo ông Nguyễn Ngọc Tiến - chuyên viên Phòng Dịch tễ (Cục Thú y Trung ương - Bộ NN&PTNT) cho biết: “Qua kiểm tra thực tế, đoàn công tác chúng tôi phát hiện xác heo chết nổi trên một số đoạn sông Trường Giang, nhất là khu vực xã Bình Đào và Bình Triều của huyện Thăng Bình”.

Ông Tiến cho biết thêm, trong những ngày có mặt tại Quảng Nam để hỗ trợ phòng chống dịch tai xanh, đoàn công tác của Cục Thú y Trung ương nhận thấy mặc dù cấp tỉnh và huyện đã chỉ đạo rất quyết liệt nhưng sự vào cuộc từ phía chính quyền cơ sở vẫn chưa mạnh mẽ, lúng túng. Ở không ít nơi, lãnh đạo địa phương khoán trắng khâu chống dịch cho trưởng thú y xã và cán bộ thôn, khối phố. Theo ông Đàm Xuân Thành – Phó Cục trưởng Cục Thú y Trung ương, thực tế cho thấy nhiều xã không thiết lập các điểm chốt chặn, một số nơi nếu có chốt thì cũng không có phương tiện để tiêu độc, khử trùng, không có hố vôi hoặc có rải vôi nhưng không đủ rộng để sát trùng hết một vòng bánh xe. Việc quản lý ổ dịch, vùng dịch rất yếu, nên vẫn còn hiện tượng cố tình vận chuyển heo bệnh ra khỏi thôn, xã có dịch. Chẳng hạn, dù ngày 18.2 UBND tỉnh đã ban hành lệnh cấm vận chuyển, mua bán, giết mổ, tiêu thụ heo và các sản phẩm từ heo nhưng sáng 26.2 có một người đàn ông điều khiển xe máy vận chuyển 6 con heo bị mắc bệnh từ vùng rốn dịch xã Đại Thắng xuôi về thị trấn Ái Nghĩa (huyện Đại Lộc). Hay như sáng 27.2, trên tuyến quốc lộ 1 đoạn qua xã Bình An (huyện Thăng Bình) vẫn có người đưa heo đực đi phối giống. Không chỉ vậy, từ ngày 20 - 26.2, tại nhiều chợ lớn nhỏ ở Thăng Bình, Tam Kỳ, Duy Xuyên... vẫn còn bày bán thịt heo công khai.

Những ngày qua, kiểm tra khâu tiêm phòng, ông Đàm Xuân Thành nhận xét: “Công tác tiêm phòng bao vây dịch ở một số địa phương chưa đạt yêu cầu kỹ thuật, tiêm sai quy trình. Tiến độ tiêm phòng bao vây ổ dịch còn chậm, nguyên nhân chủ yếu là chính quyền xã phó mặc cho thú y triển khai tiêm, thậm chí có nơi UBND xã tổ chức thu tiền công tiêm phòng từ 2 - 8 nghìn đồng/con nên nhiều hộ dân không hợp tác, lấy lý do vắng nhà khiến thú y không tiêm vắc xin cho đàn heo được”. Ông Thành cho biết thêm, nhiều hộ chăn nuôi heo không đảm bảo vệ sinh thú y, không dọn vệ sinh chuồng nuôi và không sử dụng vôi bột để khử trùng. Cạnh đó, tỷ lệ tiêm phòng các bệnh nguy hiểm khác cho heo như dịch tả, tụ huyết trùng, phó thương hàn... cũng đạt tỷ lệ rất thấp.

MAI NHI

MAI NHI