Bông lúa vàng

NGUYỄN VĂN SỰ 13/02/2013 11:09

Băng qua những đồng lúa non xanh mơn mởn, tôi tìm về xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn. Nơi ấy, cách đây hơn 3 năm, có những nông dân đã làm nên kỳ tích: lai tạo thành công giống lúa mới với ký hiệu CT2. Sau khi chuyển giao bản quyền cho một doanh nghiệp, giống lúa này mang tên là Q.Nam 1. Gần cuối năm Nhâm Thìn, “đứa con” do các “nhà khoa học chân đất” ở xứ Quảng tạo ra đã nhận được Giải thưởng Bông lúa vàng Việt Nam... 

Kỳ tích

Chuyện rằng, trước tình trạng nhiều loại giống lúa bị thoái hóa nghiêm trọng, cuối năm 2003, Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất – kinh doanh tổng hợp Điện Thọ 1 phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật Quảng Nam thành lập Câu lạc bộ Bucap nhằm hỗ trợ nhà nông thực hiện các cuộc nghiên cứu trên đồng ruộng bằng phương pháp chọn dòng phân ly, so sánh, phục tráng, lai tạo giống để nâng cao năng suất, chất lượng cây lúa. Lúc đầu, tham gia chương trình có 30 học viên. Tuy nhiên, theo thời gian, lớp học thưa dần. Trong số không quá 10 người còn lại thì bà Phan Thị Tuyến ở thôn Nam Thuận Tây và ông Lê Quốc Cường ở thôn La Trung quyết tâm bám trụ đến cùng.

Giống lúa mới do nông dân đất Quảng lai tạo. Ảnh: VĂN SỰ
Giống lúa mới do nông dân đất Quảng lai tạo. Ảnh: VĂN SỰ

Ông Nguyễn Văn Luận – Trưởng lớp Bucap cho biết, từ thực tế sản xuất, nông dân nơi đây nhận thấy giống lúa Khang Dân 18 cho năng suất rất cao nhưng cơm lại không ngon. Trong khi đó, giống lúa Việt Đài 20 thì vụ nào sản lượng cũng thấp nhưng hạt cơm rất dẻo, mềm, thơm. Để có loại giống mới cho năng suất và chất lượng cao, các học viên chọn cặp giống lúa vừa nêu lai tạo với nhau. Theo đó, Khang Dân 18 được chọn làm giống lúa mẹ, còn Việt Đài 20 là giống lúa bố.

Đông xuân 2003 – 2004, nông dân tham gia khóa học chính thức bắt tay vào việc lai tạo. Những hạt giống chất lượng nhất chọn từ cặp lai Khang Dân 18 – Việt Đài 20 được đặt trên 2 chiếc đĩa, lót giấy mềm rồi tưới nước ngâm ủ ngay trong nhà. Khi hạt giống nẩy mầm dài khoảng 3cm thì cấy mạ vào 10 cái xô nhựa đã đựng sẵn đất. Cần mẫn chăm sóc, đến lúc cây lúa trổ đòng thì tiến hành thụ phấn nhân tạo. Bà Phan Thị Tuyến kể: “Khi cây lúa mẹ Khang Dân 18 làm đòng thì lập tức khử đực bằng cách dùng kéo cắt một phần ba các hạt lúa trên bông đòng. Mỗi hạt có tất cả 6 nhị đực, khèo hết ra, chỉ để lại nhị cái. Sáng hôm sau, khoảng hơn 9 giờ, trời nắng ấm, nhiệt độ tăng lên thì tung phấn từ bông đòng của cây lúa bố Việt Đài 20 sang”.

Theo bà Tuyến, lần thụ phấn nhân tạo đầu tiên ấy thu được 7 hạt giống thế hệ F1. Hè thu 2004, tiếp tục bắt mộng cấy 7 hạt giống vừa nêu thành 5 bụi lúa. Vụ đó, mỗi bụi thu được 30 bông lúa. Bước sang đông xuân 2004-2005, lấy hạt trên mỗi bông ngâm ủ rồi cấy thành từng hàng. Mấy mùa sau, nông dân cứ thế nhân giống và chọn lọc những hạt chất lượng trên ruộng lúa của mình. Đến đông xuân 2008-2009, 10 người còn lại của lớp học đưa toàn bộ lượng hạt giống lai tạo được ra gieo sạ trên 40 sào đất công ích do chính quyền xã Điện Thọ cho mượn. Vụ ấy, tất cả chân ruộng lúa khảo nghiệm đều sinh trưởng tốt, không bị sâu bệnh gây hại, cho năng suất rất cao. Giống lúa mới lai tạo thành công này được đặt ký hiệu CT2. Sở dĩ nó mang ký hiệu đó là vì nhóm hộ nhất trí chọn chữ cái đầu tiên của tên ông Cường và bà Tuyến – 2 người có công rất lớn làm nên chuyện... xưa nay hiếm ấy.

Những “bông lúa vàng” trên cánh đồng xứ Quảng.
Những “bông lúa vàng” trên cánh đồng xứ Quảng.

Thấy giống CT2 rất triển vọng, đầu năm 2010, Công ty cổ phần Giống nông – lâm nghiệp Quảng Nam tiến hành thương thảo với Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh và nhóm hộ dân trực tiếp lai tạo để mua lại bản quyền với số tiền 200 triệu đồng.

Những mùa bội thu

CT2 ra đời từ chính đôi bàn tay và khối óc của nông dân thực sự đem lại giá trị thương hiệu không nhỏ, dù rằng số tiền bán bản quyền chia ra người nhận cao nhất không quá 7 triệu đồng. Khẳng định điều ấy vì thực chứng hiệu quả của giống lúa này khi đưa vào đồng đất đã đem lại những mùa vàng cho nông dân và lợi nhuận lớn cho doanh nghiệp làm dịch vụ sản xuất cung ứng giống.

Ngay sau khi được chuyển giao bản quyền, Công ty cổ phần Giống nông – lâm nghiệp Quảng Nam đổi tên giống lúa thuần CT2 thành Q.Nam 1 và triển khai sản xuất trình diễn trên diện rộng. Qua 2 vụ khảo nghiệm, Q.Nam 1 được Bộ NN&PTNT công nhận là giống quốc gia.

Trước đây, bà Lê Thị Ngân ở thôn Thanh Vân (Đại Cường, Đại Lộc) thường sử dụng giống lúa thuần HT1 và N04-05 gieo sạ 6 sào lúa của mình. Thế nhưng, khi Q.Nam 1 xuất hiện thì bà liền chọn nó để canh tác. Theo bà Ngân, Q.Nam 1 là giống thuộc nhóm trung ngày, phù hợp với nhiều chân đất trong cả vụ đông xuân lẫn hè thu, thích ứng với thời tiết rét lạnh hay khô hạn, đẻ nhánh khỏe, trổ nhanh, thoát đòng, hạt chắc. Đặc biệt, nó rất ít bị các loại sâu bệnh nguy hiểm gây hại, như: rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, lùn sọc đen. Không chỉ vậy, nhờ cứng cây nên Q.Nam 1 ít bị đổ ngã. Năng suất bình quân chung mỗi sào đạt 320 - 350 kg khô, cao hơn các giống đối chứng lâu nay sản xuất 50 - 70 kg. Khi làm gạo nấu, hạt cơm của Q.Nam 1 trắng ngà, có mùi thơm nhẹ, mềm, dẻo.

Đâu riêng bà Ngân, gần đây, mỗi vụ nông dân xứ Quảng gieo sạ không dưới 5 nghìn héc ta đất bằng giống lúa Q.Nam 1. Và, nét cười rạng rỡ luôn hiện trên những khuôn mặt đen sạm vì nắng gió, bởi mùa vàng liên tục tìm đến với họ. Từ đó, vụ đông xuân 2010-2011, Sở NN&PTNT Quảng Nam đã đưa Q.Nam 1 vào cơ cấu giống bổ sung của tỉnh.

Không chỉ tạo được tiếng vang lớn trên đồng đất quê hương mà Q.Nam 1 còn khẳng định vị thế ở nhiều địa phương khác thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ & Tây Nguyên. Ông Trần Vinh Quang – Giám đốc Công ty cổ phần Giống nông – lâm nghiệp Quảng Nam cho hay, mỗi năm đơn vị cung ứng cho các tỉnh trong khu vực này ít nhất 200 tấn giống lúa Q.Nam 1. Với những đặc tính vượt trội vừa nêu, Q.Nam 1 cũng đã được ngành nông nghiệp Quảng Ngãi, Đắc Lắc, Kon Tum... đưa vào cơ cấu giống của tỉnh.

Đáng tự hào hơn, gần cuối năm 2012, giống lúa Q.Nam 1 – sản phẩm do chính những người nông dân chân đất ở vùng quê Điện Thọ lai tạo đã được Bộ NN&PTNT trao tặng Giải thưởng Bông lúa vàng Việt Nam. Nghe tin mừng, họ bật khóc. Giọt nước mắt của niềm hạnh phúc vô biên.

NGUYỄN VĂN SỰ

NGUYỄN VĂN SỰ