Tỷ phú A Xan

TRẦN HỮU 08/01/2013 08:48

 Câu chuyện thoát nghèo vươn lên thành tỷ phú của một chàng trai Cơ Tu giữa điệp trùng mây trắng chẳng khác gì truyện cổ tích thời hiện đại…

Giấc mơ thoát nghèo

Đó là Alăng Rứih (SN 1983, tại thôn K’noonh 3, xã A Xan, huyện Tây Giang). Sinh ra, lớn lên trên vùng đất quanh năm mây phủ, như phần đông người dân khác ở vùng biên, Alăng Rứih chịu nhiều thiệt thòi vì cảnh đói nghèo, thất học. Làng K’noonh 3 nằm chênh vênh trên đỉnh núi, phóng mắt thấy lồ lộ bản Tà Vàng, thuộc huyện Kà Lùm của nước bạn Lào. Chúng tôi tìm đến làng K’noonh 3 khi mưa rừng trút xuống xối xả. Cả bản lẩn khuất trong màn mưa u tịch, lờ mờ. Alăng Rứih kể, anh bỏ học vào năm lớp 3, do cuộc sống gia đình đói nghèo liên miên. Anh nhớ lại: “Ngày bố buộc phải nghỉ học để cùng ông mở cái rẫy trồng mì, bắp… mình khóc suốt mấy ngày liền. Thấy chúng bạn đi học, ưng lắm. Nhưng ngày ấy, trường xã cách nhà mình xa lắm, đi bộ gần nửa ngày, muốn học phải ở lại mà cái bụng thì đói dữ lắm”. Ông Alăng Din - bố của anh, kể: “Nó (Alăng Rứih – PV) là thằng con trai đầu, tao phải quyết định cho nó nghỉ học lên rừng mở rẫy trồng khoai, sắn kiếm tiền nuôi các em. Ngày đó, tao làm thế vì chỉ nghĩ đơn giản, lo cho cái bụng của gia đình không đói”.

Heo rừng trong trang trại của Rứih. Ảnh: T.H
Heo rừng trong trang trại của Rứih. Ảnh: T.H

 Năm 2004, Rứih nhập ngũ, được biên chế về Đồn Biên phòng 649, đóng chân trên địa bàn xã A Xan. Đây là “ngôi trường” đã dạy cho anh nhiều phẩm chất cao quý của người lính, cả bổ sung kiến thức phổ thông. Sau khi rời quân ngũ, Rứih trở lại làng cùng gia đình phát triển kinh tế. Và cũng thời gian này, anh cưới vợ, nhưng bồ thóc trong nhà nhiều lúc cạn kiệt. Đợt cứu trợ nào cho người nghèo của xã, gia đình Rứih cũng được ưu tiên. “Trong bữa ăn, mình luôn dành phần cơm trắng, cá mắm cho vợ, còn mình thì chỉ dám ăn sắn cho cái bụng khỏi đói. Nhìn cảnh túng thiếu, lòng mình quặn đau, nhiều đêm mất ngủ. Thế là mình quyết tâm vào rừng săn heo, nuôi dê, đào ao xua đuổi “con ma nghèo”. Giấc mơ có của của ăn của để trong nhà cứ chập chờn trong đầu nhiều đêm”, Rứih nhớ lại.   

Khát vọng làm giàu

Từ đôi bàn tay trắng, Rứih lao vào làm việc quần quật cả ngày. Không được hỗ trợ về tiền bạc, kỹ thuật; ngay cả họ hàng trong thôn, trong tộc cũng không có gì để giúp đỡ, Rứih bắt đầu nghĩ đến việc làm giàu từ rừng. Không phải thành “lâm tặc” đi triệt hạ rừng, mà phải nuôi bò, trâu và heo rừng. Từ một con bò cái trong nhà, Rứih kiên trì chăm sóc, nhân giống, đến cuối năm 2011, anh sở hữu đàn bò 60 con. Cạnh đó, đàn trâu, dê, heo rừng cũng lên đến gần 1.000 con. Theo tiết lộ của  Rứih, trước đây anh đã đi bẫy heo rừng, đem về nhân giống chứ không ăn thịt. Bên cạnh kỹ thuật chăn nuôi học từ cán bộ thú y, Rứih làm chuồng nuôi heo một thời gian. Sau khi vật nuôi “quen chủ”, anh thả rông toàn bộ đàn heo, dê trong rừng, đến bữa là đánh kẻng “gọi” về cho ăn rồi lại thả ra rừng.

UBND huyện Tây Giang nhiều lần khen thưởng, Hội Nông dân tỉnh cấp chứng nhận về hộ nông dân lao động, sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh đối với Alăng Rứih.

Đầu năm 2011, một cơn sốt rét rừng hành hạ Rứih đến mức tưởng như không thể vượt qua. Sau khi chữa bệnh được hai tháng, anh xuất viện. Tuy nhiên, bi kịch một lần nữa lại đến với anh. Hơn 500 con vật nuôi của gia đình bỏ vào rừng vì không ai cho ăn. Những tiếng kẻng “gọi” heo rừng về vọng giữa rừng xanh không còn tác dụng nữa. Rứih bảo: “Lúc mình về, đánh kẻng mãi không thấy con nào về. Mình buồn quá bỏ ăn mấy ngày trời. Bao nhiêu tài sản của mình thế là bỏ đi hết theo trận ốm thập tử nhất sinh”.

Thế nhưng, ý chí thoát nghèo luôn thôi thúc Rứih. Anh vào rừng tìm lại đàn heo, bò của mình. Hơn 500 con heo rừng nuôi, anh chỉ tìm được đúng 2 con và gầy giống lại từ đầu. Bây giờ, Rứih đã sở hữu gần 100 con heo rừng, 63 con trâu, 50 con dê cùng nhiều héc ta cỏ. “Mình muốn đầu tư trang trại nên mua thêm con giống từ bên nước bạn Lào về. Mỗi ngày có 9 lao động tham gia cho vật nuôi ăn, đảm bảo không thất bại nữa”, anh cho biết.

Sau nhiều năm khai hoang, đến nay Rứih còn sở hữu 4 ao cá với tổng diện tích gần 1,2ha. Xung quanh ao cá được tận dụng trồng rau xanh cải thiện bữa ăn hằng ngày. Nghị lực và khát khao làm giàu đã giúp Rứih đứng vững. Hiện, gia đình có 4 căn nhà gỗ 2 tầng, 3 tiệm tạp hóa nhỏ nằm rải rác khắp xã phục vụ nhu yếu phẩm cho bà con. Tôi hỏi tổng tải sản ước khoảng bao nhiêu? “Các cán bộ xã bảo, nếu năm ngoái không để mất hơn 500 con vật ấy thì mình có hơn 5 tỷ. Còn bây giờ nhẩm tính hơn một tỷ thôi. Mình muốn làm nhiều hơn nữa, như thế cũng chưa đúng ý mình đâu!”, anh bảo. Năm qua, có nhiều đoàn cán bộ của các địa phương khác đến xã A Xan để tham quan, học hỏi kinh nghiệm mô hình phát triển kinh tế trang trại của Rứih.

TRẦN HỮU

TRẦN HỮU