Lùng mua sâm nhung

19/12/2012 15:05

Sâm nhung, loại cây mọc khá nhiều ở vùng núi Ngọc Linh đang được mùa. Hơn 5 tháng nay, các thương lái tìm đến Trà Linh (Nam Trà My) lùng mua, nhờ vậy đồng bào Xê Đăng có thêm nguồn thu nhập khá cao…

Tại nóc Tắk Ngo thuộc thôn 2 xã Trà Linh, dân làng kéo nhau vào rừng nhổ sâm nhung về bán. Bình quân mỗi người có thể nhổ được 3 - 5 lạng/ngày, nếu “trúng mánh” thì được cả ký. Hiện các thương lái thu mua tại chỗ 700 nghìn/kg sâm nhung tươi. Chị Hồ Thị Lẻ (ở nóc Tắk Ngo 2) cho biết,  vợ chồng chị kiếm được gần 400 nghìn mỗi ngày - một khoảng thu nhập khá lớn ở vùng cao này. “Mùa này cây sâm Ngọc Linh nó “ngủ đông” rồi. Nhà mình cũng không có việc chi làm. Vào rừng vừa bảo vệ vườn sâm vừa đi nhổ cây sâm nhung về bán kiếm tiền mua mắm ăn cũng đỡ một phần” – chị Lẻ nói. 

Nhờ khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp nên sâm nhung mọc rất nhiều trên núi Ngọc Linh.
Nhờ khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp nên sâm nhung mọc rất nhiều trên núi Ngọc Linh.

Theo chân dân làng, chúng tôi phải vượt qua cả chục đoạn dốc đá cao dựng đứng mới đến nơi có sâm nhung. Theo quan sát, sâm nhung mọc ẩn mình dưới những tán rừng già, nơi ẩm ướt có nhiều thảm thực vật. Nhiệt độ ở đây khoảng dưới 16oC. Muốn tìm được sâm nhung, người dân phải bươi những tán cây bụi ra vì cây thấp, sát mặt đất; may nhờ lá cây vàng óng ánh nên cũng dễ phát hiện. Hơn nữa, mùa này sâm nhung đang ra hoa, thân cây bò ra những khu vực có ánh sáng để thụ phấn. Hầu hết khu vực có sâm nhung cũng là nơi người dân trồng cây sâm Ngọc Linh quý hiếm. Trưởng nóc Tắk Ngo 2, già Hồ Văn Điền cho biết: “Từ xa xưa dân làng chúng tôi vào rừng đã thấy cây sâm nhung này mọc đầy rẫy rồi nhưng không biết có tác dụng gì. Bây giờ, mấy người dưới xuôi lên tìm mua thì mình nhổ về bán lấy tiền”. 

Cây sâm nhung trưởng thành.                    Ảnh: HOÀNG THỌ
Cây sâm nhung trưởng thành. Ảnh: HOÀNG THỌ
Sâm nhung (còn có tên gọi kim cương, thạch tằm) thuộc họ địa lan. Cây cao khoảng 20cm, thân tròn, có nhiều đốt màu đỏ hay tím hồng. Lá trơn, hình bầu dục, mặt trên màu xanh đen, mặt dưới của lá màu tím đỏ. Gân lá nhỏ màu vàng kim rất đẹp, nên người dân Trà Linh gọi là “cây lá vàng”. Cây có vị ngọt, hơi chát, tính mát, có tác dụng tư âm nhuận phế, làm mát phổi, mát máu sinh tân dịch, tiêu viêm, lọc máu. Trong y học, sâm nhung được dùng để chữa lao phổi, khô phổi, ho, khạc ra máu, thần kinh suy nhược. Do có nhiều tác dụng đối với sức khỏe nên giá thu mua loại cây này cũng khá cao.

Khi nghe chúng tôi thông tin việc nghiêm cấm khai thác cây sâm nhung vì đây là thực vật quý hiếm thuộc nhóm IA đang có nguy cơ cạn kiệt, già Điền giải thích “nếu người dân không nhổ thì heo rừng nó cũng ăn hết”. Ông nói thêm: “Mình nhổ sâm nhung bán cho người dưới xuôi chữa bệnh khỏe mạnh, còn mình có thêm tiền, có thể xem đấy  là việc tốt chứ! Dân làng chỉ nhổ những cây trưởng thành thôi, cây con thì họ chừa lại để lớn mới nhổ”. Phạm Thị Tiếp, một người chuyên thu mua sâm nhung ở Trà Linh cho biết ngày nào chị cũng vào các làng để mua sâm nhung, bình quân mỗi ngày mua được hơn 5 kg, nhưng cũng có ngày gấp đôi. Mua xong, chị tập kết hàng để chồng chuyển xuống trung tâm huyện, sau đó lái buôn đưa sang Trung Quốc tiêu thụ. Mỗi ký sâm nhung mua được, chị Tiếp kiếm lời 350 nghìn đồng. “Nghe nói bên Trung Quốc họ mua về chữa bệnh dạ dày hay bệnh gì đó, mình cũng không biết rõ. Thấy họ cần thì mình đi buôn vậy thôi, chứ ở đây chưa ai sử dụng cây sâm nhung này cả” – chị giải thích thêm.

Từ việc nhổ cây sâm nhung trong rừng đem bán với mức thu nhập từ 300 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/ngày mà nhiều gia đình ở Trà Linh đã khá lên. Nhiều vật dụng sinh hoạt trong gia đình cũng được sắm mới từ tiền bán sâm nhung hoặc mua lương thực, thực phẩm hằng ngày. Nhiều hộ dân ở Trà Linh cho biết, nếu về lâu dài cây sâm nhung được thu mua ổn định thì họ sẽ thành lập vườn ươm, trồng hàng loạt để vừa bảo vệ nguồn gien vừa xóa đói giảm nghèo.

HOÀNG THỌ