Cựu chiến binh làm kinh tế
Vượt qua khó khăn, hội viên cựu chiến binh (CCB) toàn tỉnh đã phát huy tốt bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, giúp đỡ nhau thoát nghèo bèn vững.
Cựu chiến binh tham gia làm đường giao thông nông thôn.Ảnh: VINH ANH |
Nỗ lực vượt khó
Ông Nguyễn Xuân An - Chủ tịch Hội CCB tỉnh cho biết, năm 2007, cả tỉnh có hơn 27 nghìn hội viên. Trong đó, có gần 16.400 hội viên sống ở khu vực nông thôn, miền núi, hơn 55% hội viên không có lương hưu và các khoản trợ cấp xã hội khác... nên đời sống hết sức khó khăn. Hơn 10% hội viên thiếu đất sản xuất, 40% thiếu vốn và 13,5% hội viên không có việc làm...
Trước tình hình đó, các cấp hội trong tỉnh xác định rõ việc tập trung phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống hội viên CCB là nhiệm vụ quan trọng, là chất keo gắn kết giữa hội viên với tổ chức hội. Thực hiện phong trào “CCB giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, làm giàu hợp pháp” do Trung ương Hội CCB phát động, các cấp hội đã động viên CCB giữ vững và phát huy bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, nêu cao ý chí tự lực tự cường, đoàn kết giúp nhau vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế, làm giàu hợp pháp.
Tổng kết phong trào CCB tỉnh giúp nhau xóa đói giảm nghèo, làm kinh tế giỏi lần thứ III, giai đoạn 2007 - 2011, toàn tỉnh có 36 tập thể và cá nhân được các cấp khen thưởng, trong đó có 1 hội viên CCB được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; 4 hội viên được Ban Chấp hành Trung ương Hội CCB Việt Nam tặng Bằng khen. |
Để thực hiện phong trào, Hội CCB tỉnh tiến hành bước đi đầu tiên là thành lập “Ban vận động xóa đói giảm nghèo” ở các cấp hội gồm các CCB có uy tín, tâm huyết, có năng lực làm kinh tế, từ đó phân công trách nhiệm cụ thể, giao nhiệm vụ tìm các nguồn vốn, nhất là nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Đồng thời xây dựng kế hoạch hoạt động, phối hợp với các ban, ngành chức năng như khuyến nông, khuyến ngư, liên minh hợp tác xã, tài nguyên môi trường... tổ chức tập huấn cho cán bộ hội viên. Ban vận động các cấp hội xác định những việc làm cụ thể để vận động CCB chuyển đổi ngành nghề, dồn điền đổi thửa, cải tạo vườn tạp, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, tham gia vào các chương trình, dự án phát triển kinh tế ở địa phương, tiếp nhận và sử dụng nguồn vốn vay có hiệu quả, ứng dụng chuyển giao kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt.
Nhiều mô hình hiệu quả
Ông Nguyễn Xuân An cho biết, 5 năm qua, Hội CCB tỉnh đã tổ chức 785 lớp tập huấn cho 40.651 lượt hội viên về nghiệp vụ vốn vay ủy thác, chuyển đổi phát triển ngành nghề sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, đóng mới tàu thuyền đánh bắt hải sản… Toàn hội đã huy động tổng nguồn vốn hơn 352 tỷ đồng (trong đó vốn vay và dư nợ Ngân hàng Chính sách xã hội hơn 326 tỷ đồng) giúp hội viên có điều kiện phát triển kinh tế. Cả tỉnh cũng đã hình thành hơn 600 sổ tiết kiệm vay vốn và có gần 19 nghìn lượt hộ CCB được vay.
Có dịp về thôn Bàu Tròn (xã Đại An, huyện Đại Lộc), chứng kiến những cánh đồng rau xanh mướt bạt ngàn, ít ai biết rằng xuất phát từ mô hình “thuê đất để khởi nghiệp” của Chi hội CCB thôn mà giờ đây thương hiệu rau Bàu Tròn đã trở nên nổi tiếng. Ông Phan Tấn Vỹ - Chi hội trưởng CCB thôn Bàu Tròn cho biết, những ngày đầu thành lập, chi hội có 12 hội viên thì có tới 5 trường hợp thuộc hộ nghèo, 3 hộ cận nghèo. Để giải quyết khó khăn, nhất là khâu thiếu đất sản xuất, CCB trong thôn đã mạnh dạn thuê đất trồng rau sạch. Sau 5 năm thực hiện, đến nay 12 hội viên trong chi hội đều vươn lên khá và giàu. “Ở cánh đồng rau sạch, hiện nay mỗi gia đình hội viên CCB trong thôn đều canh tác ít nhất 3.500m2, nhiều nhất 6.000m2. Hàng năm, mỗi hộ thu về hơn 50 triệu đồng. Nhiều hội viên gần như trở thành chuyên gia trồng rau khi luôn tích cực truyền đạt kinh nghiệm, phương thức sản xuất rau sạch cho bà con trong vùng” - ông Vỹ phấn khởi nói.
Hay như Chi hội CCB thôn An Khuông (xã Tam Xuân 2, Núi Thành), sống ở vùng đất chua mặn nên trước đây có 15 hội viên thì hết 8 hộ nghèo và 3 hộ cận nghèo. Ban đầu chi hội bàn bạc và quyết định góp vốn được 2,7 triệu đồng mua 1 trâu giống cho hội viên nghèo nhất nhận nuôi, sau đó vay vốn mua đủ 10 con trâu cho 10 hộ nghèo còn lại. Ngoài ra, chi hội còn vận động những hộ khá và giàu trong xã, thôn cho mượn hồ và hỗ trợ giống để chi hội nuôi tôm nước lợ. Sau những tháng năm khó khăn vất vả, những hộ nghèo và cận nghèo của chi hội nay đã thoát nghèo và đã có đến 11 hộ CCB trở thành hộ khá, giàu.
VINH ANH