Ì ạch việc quy chủ đất rừng - Bài 2: Vỡ dự toán, khó dự tính
Khối lượng thi công thực tế tại các xã đã triển khai có sự chênh lệch lớn so với thiết kế kỹ thuật - dự toán được phê duyệt khiến các huyện miền núi rơi vào nỗi lo đảm bảo kinh phí thanh quyết toán. Vậy nên, không tránh khỏi lúng túng, thiếu quyết liệt, kể cả kiến nghị tạm dừng thực hiện Nghị quyết 07 của HĐND tỉnh đối với các xã còn lại.
Biến động lớn
Theo nhu cầu khối lượng thực hiện đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) lâm nghiệp được phê duyệt tại Nghị quyết 07 của HĐND tỉnh, huyện Hiệp Đức tiến hành đo mới 812ha. Tuy nhiên, theo khảo sát của UBND huyện Hiệp Đức, có 14.594ha cần phải đo đạc, lập hồ sơ địa chính so với thiết kế kỹ thuật - dự toán được duyệt.
Giải trình đối với con số biến động rất lớn này, ông Nguyễn Thanh Hùng - Trưởng phòng TN-MT huyện Hiệp Đức cho hay, ngày 21/6/2023, UBND tỉnh có Công văn 3910 đề nghị UBND các huyện khảo sát lại, lập hồ sơ điều chỉnh thiết kế kỹ thuật - dự toán đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp các xã.
Trước đó, Sở TN-MT có chỉ đạo các địa phương làm trước một bước. Qua khảo sát có con số biến động này và theo tính toán sơ bộ số tiền tăng so với dự toán ban đầu khoảng 12 tỷ đồng.
Theo ông Hà Đức Tiến - Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh, các ngành, địa phương khảo sát không kỹ nên thiết kế dự toán không sát thực tế, dẫn đến thực trạng khi đo đạc số thửa và diện tích tăng rất cao so với quyết định phê duyệt thẩm định.
Mặc dù sau này HĐND tỉnh sẽ xem xét việc điều chỉnh, bổ sung nghị quyết nhằm cân đối nguồn lực cho địa phương thực hiện, nhưng trách nhiệm trong việc lập, thẩm định phê duyệt thiết kế kỹ thuật - dự toán phải được tách bạch, làm rõ.
Từ đó, rút kinh nghiệm để việc xây dựng các nghị quyết của HĐND tỉnh thời gian đến có chất lượng cao hơn, không để nghị quyết được ban hành rồi lại tiếp tục xem xét điều chỉnh, bổ sung.
Về con số 14.594ha cần phải đo đạc, theo ông Nguyễn Ngọc Hoàng Việt - Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức, khi khảo sát số liệu phục vụ cho việc xây dựng đề án, huyện lấy số liệu từ quy hoạch 3 loại rừng trừ cho số liệu đã được cấp GCNQSDĐ của các dự án từ năm 1994 đến nay.
Diện tích 812ha như đăng ký với tỉnh chưa được cấp GCNQSDĐ lần đầu. Còn qua khảo sát thực tế, con số tăng lên này đã được cấp GCNQSDĐ qua các dự án nhưng bị sai lệch nhiều nên phải đo đạc, điều chỉnh cấp đổi.
Đối chiếu với đối tượng của Nghị quyết 07 thì bắt buộc phải đo đạc lại. Sai sót nhiều trong GCNQSDĐ lâm nghiệp đã cấp cho người dân là bài toán đau đầu của huyện.
“Huyện cũng muốn nhân cơ hội thực hiện Nghị quyết 07 rà soát để giải quyết sai sót, chuẩn hóa số liệu hồ sơ đất lâm nghiệp trên địa bàn.
Con số khảo sát lại cơ bản chính xác, có phối hợp với đơn vị tư vấn và các địa phương để thực hiện. Huyện biết đây là cái sai, làm lại từ đầu, giải quyết xong một lần, chứ vì thấy khó mà để đó thì không biết đến bao giờ mới sửa được sai sót này” - ông Việt nói.
Đối với huyện Tiên Phước, dù chưa đưa ra được con số biến động cụ thể với Đoàn giám sát HĐND tỉnh, tuy nhiên theo ông Đoàn Văn Công - Trưởng phòng TN-MT huyện, số liệu trên thực tế cần đo đạc và số liệu theo dự toán được phê duyệt có sự chênh lệch lớn.
Nếu người dân có nhu cầu khối lượng đo đạc 10 phần để cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp thì mới khảo sát có 1 hoặc 2 phần. Lỗi này thuộc về Phòng TN-MT huyện khi được giao thẩm định báo cáo của UBND các xã để tham mưu UBND huyện trình tỉnh.
Để sửa lỗi, UBND huyện Tiên Phước kiến nghị tỉnh cho phép điều chỉnh khối lượng dự toán đã được duyệt cho phù hợp với khối lượng trên thực tế để giải quyết nhu cầu về cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp của người dân đối với 3 xã đã triển khai: Tiên Phong, Tiên Lộc, Tiên Hà. Đồng thời như một số địa phương, UBND huyện Tiên Phước cũng đưa ra kiến nghị cho tạm dừng thực hiện dự án đối với 12 xã còn lại trên địa bàn theo tinh thần Công văn 3910 ngày 21/6/2023 của UBND tỉnh.
Xem xét điều chỉnh
Qua các cuộc làm việc với địa phương, ngành chuyên môn của tỉnh, ông Đinh Văn Hươm - Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh cho rằng, sự phối hợp giữa địa phương và các sở ngành không nhịp nhàng, không chặt chẽ và thiếu kịp thời, dẫn đến việc lập thiết kế kỹ thuật - dự toán sai so với nhu cầu thực tế.
Cơ sở chủ yếu lấy số liệu cũ, cụ thể là số liệu từ đề án 1/10.000 và số liệu cấp GCNQSDĐ từ năm 2007 - 2009. Lấy số liệu đó, áp vô gửi lên cấp trên mà vẫn được duyệt thành thử sai hết. Con số biến động quá lớn so với dự toán, ngành chuyên môn cần có giải pháp giải quyết.
“Khối lượng đo đạc tăng, kinh phí tăng theo. Phải chăng thấy khó thực hiện nên một số địa phương “nại” vào Công văn 3910 ngày 21/6/2023 của UBND tỉnh để kiến nghị với đoàn giám sát HĐND tỉnh cho tạm dừng thực hiện dự án đối với các xã chưa hoàn thành việc lựa chọn đơn vị thi công, tư vấn đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp theo Nghị quyết 07.
Giả sử nếu được HĐND tỉnh cho dừng lại để chuyển sang thực hiện theo Dự án xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh (giai đoạn 2) theo Quyết định số 2235 ngày 6/8/2021 của UBND tỉnh thì các địa phương, ngành chuyên môn có đánh giá được tác động về kinh phí, tư tưởng, đối tượng và tiến độ thực hiện đo đạc, cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp cho người dân miền núi có đảm bảo theo mục tiêu của Nghị quyết 07?” - ông Hươm đặt vấn đề.
Giải trình với Đoàn giám sát HĐND tỉnh, lãnh đạo Sở TN-MT thừa nhận, việc lập thiết kế kỹ thuật - dự toán trình thẩm định, phê duyệt chưa phù hợp với tình hình thực tế sử dụng đất lâm nghiệp tại địa phương; dẫn đến tình trạng người dân đang sử dụng đất thực hiện đăng ký đo mới và đo đạc chỉnh lý tăng so với hồ sơ thiết kế kỹ thuật - dự toán được phê duyệt.
Do đó, phần khối lượng tăng làm tăng kinh phí so với dự toán kinh phí được duyệt nên không có cơ sở triển khai thực hiện. Nguyên nhân chính là khâu khảo sát, điều tra ban đầu còn hạn chế, chưa thu thập đầy đủ thông tin, lồng ghép các loại bản đồ chuyên ngành.
Ông Võ Như Toàn - Phó Giám đốc Sở TN-MT nói: “Tinh thần chung là các địa phương phải tập trung thực hiện tốt Nghị quyết 07 của HĐND tỉnh. Lãnh đạo Sở TN-MT giao Chi cục Quản lý đất đai chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên môn có trách nhiệm rà soát, tổng hợp tình hình triển khai thực hiện dự án, những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị của các địa phương.
Trên cơ sở đó, tham mưu lãnh đạo sở báo cáo UBND tỉnh, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh để trình HĐND tỉnh cho phép điều chỉnh khối lượng, kinh phí thực hiện tại Nghị quyết 07 của HĐND tỉnh. Đồng thời trình HĐND tỉnh xem xét việc đề xuất của một số địa phương xin điều chỉnh, bổ sung thực hiện đề án đối với 60/85 xã còn lại để tiếp tục triển khai thực hiện”.
Không thiếu kinh phí thực hiện
Có thể thấy, trừ huyện Hiệp Đức, các địa phương chưa đưa ra được khối lượng thực tế tăng bao nhiêu so với dự toán đã được duyệt theo truy vấn của Đoàn giám sát HĐND tỉnh. Vậy nên, các địa phương “kêu” thiếu kinh phí cũng mới chỉ nằm trong… dự kiến.
Liên quan đến vấn đề này, theo ông Đặng Phong - Giám đốc Sở Tài chính, tại Nghị quyết 07 của HĐND tỉnh và Quyết định 380 ngày 3/2/2021 của UBND tỉnh đã nêu rõ ngân sách tỉnh sẽ xem xét hỗ trợ phần kinh phí còn thiếu cho các địa phương thực hiện.
Tại các cuộc họp của HĐND tỉnh, UBND tỉnh, các địa phương nói không có kinh phí để thực hiện đo đạc địa chính nói chung, trong đó có việc đo đạc, cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp ở 9 huyện miền núi. Nhưng trên thực tế kinh phí ở các huyện, thị, thành phố đều đủ và thừa chứ không thiếu.
Ông Phong dẫn chứng, tại Công văn 2202 ngày 20/7/2023 của Sở Tài chính có nêu, riêng 10% nguồn thu tiền sử dụng đất của tỉnh để gần chục năm nay không đụng đến, với hơn 254 tỷ đồng.
Ngân sách thực hiện Nghị quyết 07 có hai nguồn, thứ nhất là 10% tiền sử dụng đất trích lại 254 tỷ đồng của tỉnh chưa sử dụng; còn nguồn này của cấp huyện nằm “lan man” không được địa phương tổng hợp.
Số tiền này của 9 huyện năm 2021 là 5,4 tỷ đồng, năm 2022 là 8,4 tỷ đồng, tổng cộng gần 14 tỷ đồng. Còn nguồn 10% của sự nghiệp kinh tế, năm 2021 là 10,6 tỷ đồng và năm 2022 là 14 tỷ đồng. Như vậy tổng cộng hai nguồn đã thừa kinh phí thực hiện theo tiến độ.
“Qua cuộc giám sát, HĐND tỉnh yêu cầu cấp huyện xác định lại nguồn 10% tiền sử dụng đất và 10% sự nghiệp kinh tế. Làm đúng theo nghị quyết, sau khi sử dụng hai nguồn đó, nếu địa phương nào còn thiếu hụt thì thông tin để Sở Tài chính báo cáo UBND tỉnh trình ra HĐND tỉnh quyết định bố trí từ nguồn sử dụng đất 10% sử dụng đất của tỉnh” - ông Phong nói.
-----------------------------
Bài cuối: Cần cách làm hiệu quả hơn