Phòng trừ bệnh hại trên cây sâm Ngọc Linh

HOÀNG LIÊN 12/09/2023 07:21

Việc nghiên cứu, sử dụng chế phẩm nấm Trichoderma phân lập tại vùng trồng sâm Ngọc Linh và ứng dụng phân hữu cơ vi sinh vật chức năng FBP để phòng trừ bệnh hại, bổ sung dinh dưỡng có nguồn gốc hữu cơ và các chủng vi sinh vật có ích trong quá trình trồng sâm được xem là giải pháp phát triển bền vững cây sâm Ngọc Linh.

Nhiều giải pháp phòng trừ dịch hại, bổ sung dinh dưỡng hữu cơ tự nhiên cho cây sâm từ việc ứng dụng các chế phẩm vi sinh được triển khai. Ảnh: H.L
Nhiều giải pháp phòng trừ dịch hại, bổ sung dinh dưỡng hữu cơ tự nhiên cho cây sâm từ việc ứng dụng các chế phẩm vi sinh được triển khai. Ảnh: H.L

Hướng canh tác bền vững

Kỹ sư Huỳnh Hữu Thắng (Trung tâm Khoa học công nghệ & đổi mới sáng tạo Quảng Nam) và cộng sự đã có hơn 4 năm triển khai đề tài “Nghiên cứu hiệu quả sử dụng chế phẩm nấm Trichoderma phân lập tại vùng trồng sâm Ngọc Linh và vi sinh vật chức năng FBP đến sinh trưởng - phát triển và phòng trừ bệnh hại sâm Ngọc Linh ở huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam”.

Theo Kỹ sư Thắng, cây sâm Ngọc Linh được người dân trồng chủ yếu sử dụng nguồn hữu cơ của thảm thực vật mục tự nhiên, nhưng lượng mùn phân bố trong đất không đồng đều, ngày càng bị cạn kiệt do cạnh tranh dinh dưỡng của nhiều loại thảm thực vật rừng và việc rửa trôi, xói mòn tầng đất mặt.

Việc bổ sung dinh dưỡng có nguồn gốc hữu cơ và các chủng vi sinh vật có ích trong quá trình trồng sâm là cần thiết để cây có đầy đủ dinh dưỡng sinh trưởng và phát triển.

Chưa kể, tại vùng trồng sâm Ngọc Linh gần đây xuất hiện một số loại bệnh hại như: bệnh lở cổ rễ, chết cây con, đốm lá, thối củ, thối thân, héo rủ lá… Do vậy, việc ngăn ngừa và phòng trừ bệnh hại cho cây sâm bằng biện pháp sinh học rất thiết thực đối với vùng trồng sâm của tỉnh.

Qua 4 năm nghiên cứu, kỹ sư Thắng và cộng sự đã sử dụng chế phẩm Trichoderma và phân hữu cơ vi sinh chức năng FBP vào mục đích phòng trừ nấm bệnh hại cho cây trồng, kích thích cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao, sản phẩm chất lượng, sạch và an toàn.

“Chế phẩm Trichoderma là loại chế phẩm sinh học chứa nấm đối kháng Trichoderma có khả năng tiêu diệt, khống chế và phòng trừ một số loại nấm bệnh hại cây trồng (bệnh khô vằn, bệnh thối gốc, bệnh thối gốc chảy mủ...); tạo điều kiện tốt cho vi sinh vật cố định đạm trong đất phát triển; phân giải các chất hữu cơ khó tan trong đất thành các chất hữu cơ dễ tan giúp cây trồng hấp thu dễ dàng.

Việc sử dụng kết hợp với phân hữu cơ sẽ có tác dụng cải tạo đất, làm tơi xốp, tăng quá trình hình thành mùn, giữ được độ phì của đất. Việc sử dụng phân hữu cơ vi sinh chức năng FBP đồng thời phân lập được chủng Trichoderma tại vùng trồng sâm Ngọc Linh để sản xuất chế phẩm vi sinh chuyên dùng cho việc phòng trừ bệnh hại cây sâm được chúng tôi chú trọng” - kỹ sư Thắng nói.

Kỹ sư Thắng và cộng sự phân lập được 5 dòng Trichoderma tại vùng núi Ngọc Linh. Qua đó, đã sản xuất được 150kg chế phẩm nấm Trichoderma được phân lập tại thôn 2, thôn 3, xã Trà Linh phục vụ cho nghiên cứu tiếp theo. Đề tài cũng sản xuất được 2 tấn phân hữu cơ vi sinh chức năng FBP từ lá, thân, cành cây khô mục tại vùng núi Ngọc Linh để phục vụ bón cho cây sâm.

Từ các thí nghiệm trên cây sâm Ngọc Linh được trồng sau 1 năm tuổi, nhóm tác giả cũng xác định được công thức sử dụng chế phẩm nấm Trichoderma và phân hữu cơ vi sinh chức năng FBP tốt nhất trong quá trình thí nghiệm trồng mới cây sâm Ngọc Linh. Đó là phân hữu cơ vi sinh chức năng: 1kg/m2, chế phẩm Trichoderma: 0,018 kg/m2.

Bên cạnh đó, xác định liều lượng sử dụng chế phẩm nấm đối kháng Trichoderma và phân hữu cơ vi sinh chức năng FBP tối ưu nhất trong giai đoạn canh tác cây sâm từ 3 - 4 tuổi.

Cụ thể, hàm lượng phân hữu cơ vi sinh chức năng: 1,6kg/m2, chế phẩm Trichoderma: 0,016 kg/m2. Nhóm nghiên cứu cũng đã xây dựng được quy trình kỹ thuật sử dụng chế phẩm nấm đối kháng Trichoderma và phân hữu cơ vi sinh chức năng FBP để gieo ươm cây con, trồng, chăm sóc và phòng trừ dịch hại cho cây sâm Ngọc Linh.

Áp dụng rộng rãi trong thực tiễn

Th.S.Nguyễn Đình Vương (Trung tâm Giống nông lâm nghiệp Quảng Nam) chia sẻ, đây là nghiên cứu đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đề ra, đó là việc phân lập được các chủng chế phẩm Trichoderma ngay tại vùng sâm Ngọc Linh, sản xuất chế phẩm vi sinh vật chức năng.

Nhóm nghiên cứu đã giải quyết được 2 nội dung lớn là phân lập được chế phẩm, tạo nguồn phân vi sinh bón cho cây sâm Ngọc Linh, từ giai đoạn cây con tới giai đoạn trồng nhân giống. Song yêu cầu đặt ra là cần làm rõ chế phẩm được sử dụng phổ biến ra sao và việc chuyển giao công nghệ sau khi đề tài kết thúc tới đâu.

Các hướng dẫn kỹ thuật cần tuân thủ đầy đủ, bao gồm hướng dẫn trồng và chăm sóc sâm Ngọc Linh dưới tán rừng, trong đó tập trung chủ yếu vào kỹ thuật sử dụng chế phẩm Trichoderma và hướng dẫn kỹ thuật sản xuất và sử dụng phân hữu cơ vi sinh, hướng tới phát triển bền vững vùng trồng sâm.

TS.Phan Thị Á Kim - Phó Giám đốc Sở KH-CN đánh giá cao kết quả nghiên cứu trên; đồng thời lưu ý tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thêm về quy trình sản xuất chế phẩm, phân vi sinh để làm cơ sở chuyển giao, nhân rộng các mô hình về sau.

Chế phẩm Trichoderma cần được bảo quản tốt chủng giống gốc, phục vụ cho những nghiên cứu, chuyển giao công nghệ về sau. Nhóm nghiên cứu cũng đã xây dựng được một số mô hình trồng mới cây sâm áp dụng các chế phẩm vi sinh từ kết quả nghiên cứu của đề tài.

Vấn đề xử lý tài sản, thành quả khoa học sau nghiên cứu cần làm rõ, nhóm nghiên cứu cần tham mưu, đề xuất Sở KH-CN xây dựng phương án theo dõi, quản lý, bảo vệ tốt tài sản Nhà nước. Sau khi đề tài kết thúc, tiếp tục duy trì việc sản xuất chế phẩm, phân vi sinh, đề xuất hướng nhân rộng kết quả nghiên cứu, mô hình từ việc đề xuất cơ chế hỗ trợ từ Nghị quyết 02 của HĐND tỉnh.

HOÀNG LIÊN