Trồng sâm Ngọc Linh trên Núi Chúa: Kết quả bước đầu
Từ giữa năm 2022, Phòng NN&PTNT huyện Núi Thành di thực, trồng thử nghiệm cây sâm Ngọc Linh dưới tán rừng và trong rổ nhựa tại khu vực Núi Chúa (xã Tam Trà). Sau hơn 1 năm trồng, tổ công tác của tỉnh đã kiểm tra, đánh giá và đề xuất tiếp tục theo dõi sự phát triển của cây sâm trên vùng đất này.
Điều kiện thổ nhưỡng phù hợp
Với độ cao 1.388m so với mực nước biển, đỉnh Núi Chúa (xã Tam Trà) có nhiều suối lớn, nguồn nước dồi dào, có thể dẫn dòng nước tự chảy đến độ cao 1.100m. Đất thuộc loại đất thịt pha cát, thoát nước tốt, lớp thảm mục thực vật dày từ 15 - 20cm.
Loại đất này thích hợp cho cây dược liệu phát triển phần rễ, củ nhanh. Nhiệt độ trung bình ở đỉnh Núi Chúa ban ngày khoảng 22 – 24 độ C, ban đêm 20 – 21 độ C. Ở độ cao 1.300m trở lên nhiệt độ ban đêm khoảng 17 độ C.
Độ ẩm trung bình đạt 90 – 91%. Độ che phủ rừng đạt trên 80%. Lượng mưa trung bình 4.000 - 6.000/mm/năm. Loài cây dược liệu phân bố phổ biến hiện có là sâm rễ (sâm cao cẳng), chè dây.
Địa hình Núi Chúa có khả năng phát triển cây dược liệu từ độ cao 600 - 1.200m. Một số loại cây dược liệu thích hợp trồng dưới tán rừng như giảo cổ lam, đảng sâm, sâm Ngọc Linh…
Riêng đối với sâm Ngọc Linh có khả năng phát triển được ở khu vực có độ cao 1.200 – 1.300m, có khả năng dẫn dòng nước để tưới tạo ẩm, tạo mùn bằng biện pháp tập trung thảm mục thực vật tại chỗ.
Năm 2022, Phòng NN&PTNT Núi Thành thực hiện mô hình trồng di thực sâm Ngọc Linh tại Núi Chúa thuộc khu vực khoảnh 2, tiểu khu 612 với số lượng 1.000 cây, ở độ cao 1.220m, độ PH trung bình 4,5 – 5,8...
Ông Lương Văn Lợi - chuyên viên Phòng NN&PTNT Núi Thành cho biết, 1.000 cây sâm Ngọc Linh 1 năm tuổi được bố trí trồng thí điểm ở 2 khu vực: 500 cây trồng trong rổ nhựa có mái che và 500 cây trồng dưới tán rừng tự nhiên. Các luống trồng được định dạng bằng thân gỗ mục, độ dày luống trồng từ 15 đến 20cm, trồng theo hàng và có cắm que theo dõi.
Công tác quản lý, bảo vệ và chăm sóc cây sâm Ngọc Linh được thực hiện thường xuyên. UBND huyện Núi Thành thành lập Tổ quản lý và bảo vệ mô hình gồm 6 người dân Tam Trà phân công trực thường xuyên 24/24h. Cán bộ kỹ thuật Phòng NN&PTNT liên tục theo dõi, hướng dẫn quy trình chăm sóc cây sâm.
Kết quả bước đầu và những đề xuất
Qua 1 năm trồng thử nghiệm di thực sâm Ngọc Linh trên Núi Chúa, vào đầu tháng 8/2023, Sở NN&PTNT thành lập tổ công tác gồm đại diện Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam, Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh, Phòng NN&PTNT Núi Thành tiến hành kiểm tra thực tế mô hình.
Qua kiểm tra, có 8 cây sâm bị bệnh đốm lá do nấm bệnh gây ra, chiếm tỷ lệ 5,6%. Đối với 500 cây sâm Ngọc Linh trồng trong rổ nhựa, phủ mái che thì có 105 cây phát triển thân, lá (tỷ lệ 21%), trong đó có 1 cây phát triển 2 lá kép, số còn lại phát triển 1 lá kép. Đối với 500 cây trồng dưới tán rừng tự nhiên, có 36 cây phát triển thân, lá (tỷ lệ 7,2%), số cây còn lại phát triển 1 lá kép.
Tổng cộng có 141 cây trong mô hình phát triển thân, lá (đạt tỷ lệ 14,1%), có bộ rễ phát triển ổn định, có ra rễ mới; chiều cao cây dao động từ 5 đến 15cm, đường kính tán lá dao động từ 9 đến 18cm.
Cây chưa hình thành thân, lá (còn ngủ đông) có tổng cộng 859 cây, chiếm tỷ lệ 85,9%. Qua kiểm tra ngẫu nhiên của tổ công tác, ở 10 củ sâm giống đều có bộ rễ phát triển rất yếu và chưa hình thành rễ mới.
Theo ông Nguyễn Ngọc Linh - Phó Trưởng phòng NN&PTNT Núi Thành, qua kiểm tra, đánh giá thực tế mô hình, tổ công tác đề nghị cơ quan chuyên môn thường xuyên theo dõi, đánh giá tình hình sinh trưởng của cây sâm, xem xét các chỉ tiêu khác theo hướng dẫn tại Công văn số 2401/2022 của Sở NN&PTNT; lưu ý theo dõi thêm một số yếu tố về thời tiết, khí hậu (nhiệt độ, ẩm độ, không khí…).
Bên cạnh đó, tăng cường công tác chăm sóc, nhổ cỏ, tủ lá cây khô trên mặt luống, phòng trừ sâu bệnh kịp thời. Đối với cây sâm bị nhiễm bệnh cần trồng cách ly, bố trí khu vực riêng để hạn chế lây bệnh qua các cây khác.
Việc trồng thử nghiệm sâm Ngọc Linh trên Núi Chúa nhằm phát triển kinh tế gắn với công tác bảo vệ rừng, tạo đột phá trong sản xuất nông nghiệp ở miền núi Tam Trà, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư phát triển loài cây dược liệu có giá trị dưới tán rừng.
Nếu mô hình thành công sẽ giúp nhân dân bản địa, nhất là đồng bào dân tộc Co ở miền núi phía tây huyện Núi Thành phát triển sản xuất trên cơ sở sử dụng bền vững đất đai để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.