Bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh: "Vừa chạy vừa xếp hàng" - Bài 2: Bài toán kiểm định sâm
Được xác định là cây quốc bảo, đưa vào chiến lược quốc gia, nhưng việc kiểm định sâm Ngọc Linh lâu nay chủ yếu bằng kinh nghiệm nên khó thuyết phục; trong khi đó việc đầu tư mua sắm máy móc kiểm định gặp khó khăn.
Kiểm định bằng... kinh nghiệm
Lâu nay, tại các phiên chợ sâm ở Nam Trà My, việc xác định đúng sâm Ngọc Linh hay không khi đưa vào giới thiệu, bán buôn là do tổ thẩm định sâm gồm vài cá nhân có kinh nghiệm trong việc này đảm nhận. Rất nhiều trường hợp, tổ kiểm định nghi ngờ không phải sâm có nguồn gốc tại đây và không chấp nhận, chuyển cơ quan chức năng xử lý.
Mới đây, tại phiên chợ sâm Ngọc Linh, anh Hồ Văn Dang (thành viên tổ kiểm) định phát hiện 2kg sâm có dấu hiệu không đúng là sâm Ngọc Linh, đã yêu cầu chuyển cơ quan chức năng kiểm tra, và đến bây giờ, địa phương vẫn chưa nhận được kết quả kiểm định tại Bộ NN&PTNT.
Việc dùng kinh nghiệm cá nhân để xác định, về lý lẽ khoa học và pháp lý, là không có cơ sở, dù rằng thực tế có thể 80% tổ kiểm định xác định đúng, từ hình thế đến màu, mùi, vị củ sâm.
Để nói chuyện liên quan đến chế tài khi xảy ra nạn lừa đảo, thì chắc chắn cơ quan công an không thể căn cứ rằng ông A bà B nói đó là sâm giả. Chưa nói, nếu bán đi nước ngoài, họ đòi khẳng định khoa học giấy tờ hẳn hoi, lấy đâu ra?
Theo một cán bộ tại huyện Nam Trà My, ngay đến chuyện sâm Ngọc Linh thật hay giả liên quan đến máy móc xét nghiệm, cũng phải xem xét cho cụ thể mấy việc. Thứ nhất, sâm Ngọc Linh có hoạt chất dinh dưỡng, hàm lượng cụ thể trong từng chu kỳ phát triển của cây (1 năm, 2 năm,... 5 năm) là bao nhiêu. Đồng thời các đặc điểm này phải được cấp thẩm quyền công nhận.
Huyện nhận việc mua sắm máy xét nghiệm, mà không biết thông số cụ thể từng loại sâm căn cứ vào tuổi bao nhiêu, thì sao dám nhận? Nói gọn, cho tôi biết sâm thật là gì, tôi sẽ nói sâm giả!
Thứ hai, hiện nay trên thế giới và ngay cả Việt Nam có nhiều dòng sâm khác nhau, điều kiện sinh trưởng của các dòng sâm này cũng tương tự nhau. Ví dụ sâm Lai Châu, tam thất cũng đều trồng được ở Ngọc Linh, do vậy chỉ dựa vào chỉ dẫn địa lý không thôi thì khó mà phân biệt.
Trên thực tế một số hộ trồng sâm lâu năm cũng có thể phân biệt, nhưng đó là dựa vào kinh nghiệm chứ không có cơ sở khoa học. Mà đã không phân biệt được thì việc bảo tồn, gìn giữ nguồn giống gốc là không khả thi.
Việc này tưởng chừng không liên quan nhưng thực ra rất quan trọng với việc xác định đúng sâm Ngọc Linh, khi theo di truyền học, hai cây tương tự trồng gần nhau, sẽ ảnh hưởng đến nhau rất mạnh, từ đó yếu tố thuần chủng không còn nữa, bởi nó sẽ làm biến đổi hệ gen vì thụ phấn tự nhiên.
Bao giờ có máy xét nghiệm?
Theo một lãnh đạo Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam, trung tâm thực hiện chưa được việc truy xuất nguồn gốc từ quét mã QR, từ doanh nghiệp đến hộ cá thể.
Lâu nay, để khẳng định cây giống đó có tại Ngọc Linh thì chính quyền địa phương phải xác nhận rằng đúng tại địa phương mình; người dân và doanh nghiệp phải chứng minh giống này mua ở địa phương. Đó là nói chuyện nguồn giống, còn chuyện giả thật từ việc dùng máy xét nghiệm sâm, là chuyện dài.
Ông Trần Duy Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho rằng, máy xét nghiệm sâm tại sao đến giờ chưa có, thì câu trả lời nằm ở Sở NN&PTNT.
Ông Trần Út - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Trước đây Nam Trà My nhận, nhưng rồi huyện không đảm đương nổi, nên giao về cho sở. Về dùng kinh nghiệm cá nhân để xác định nguồn gốc sâm, lâu nay là tương đối chính xác, nhưng như đã nói, vấn đề đụng tới chứng cứ khoa học, thì phải khoa học. Muốn đủ cơ sở khoa học thì phải kiểm định, kiểm nghiệm.
Về máy, tại sao đến bây giờ chưa có, thì nó liên quan đến vấn đề xây dựng cơ sở kiểm định kiểm nghiệm sâm Ngọc Linh, từ máy móc đến con người, nằm trong hợp phần 2 của một dự án do sở thực hiện.
Nhưng ở đây lại nổi lên mấy vấn đề: Máy móc, con người do Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu tỉnh đảm nhận, nhưng muốn có thì phải đảm bảo cơ sở hạ tầng. Mua máy về để đâu, khi phòng làm việc chưa ổn định?
Trước đây, trung tâm này theo chỉ đạo của tỉnh là xây dựng ở Trà Mai, nhưng thiếu mặt bằng cần thiết, nên trung tâm phải cải tạo lại phòng ốc tại sở, đến nay vẫn chưa xong hạ tầng.
Về con người, phải tìm người có chuyên môn về công nghệ sinh học và hóa phân tích, nhưng kiếm không ra người. Giả sử, nếu tìm ra, thử hỏi họ có lên Trà Mai ở không, khi cán bộ ở đó lần lượt xin về xuôi? Nếu ở tại đây, lương khởi điểm từ ngân sách, họ làm không? Nhưng để đảm bảo được thương hiệu sâm Ngọc Linh, không ảnh hưởng đế sản xuất, tiêu dùng, sở sẽ triển khai nhanh việc này…”.
Xem ra không biết bao giờ, khi khó khăn được nêu ra như thế, sẽ được giải quyết. Được xác định là cây quốc bảo, đưa vào chiến lược quốc gia, mà máy xét nghiệm không có thì khó mà nói đến chuyện chuyên nghiệp được.
Có doanh nghiệp nói rằng nhiều đối tác nước ngoài đặt vấn đề mua sâm trồng ở Ngọc Linh, nhưng do kinh tế khó khăn, họ dừng lại. Không biết khi họ mua (nếu có mua), đem về nước họ hoặc đưa đi nước khác, giấy tờ khoa học đâu để chứng minh là sâm Ngọc Linh?
------------------------
Bài cuối: Nhập vào đường đua, không thể bỏ cuộc