Tăng cường quản lý đất rừng, đất lâm nghiệp
Để tăng cường hiệu quả quản lý đất rừng, đất lâm nghiệp, tại các cuộc tiếp xúc của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh trước kỳ họp thứ 5 (Quốc hội khóa XV) cử tri đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo rà soát tổng thể và có phương án xử lý, thu hồi đất từ các chương trình, dự án để giao đất cho người dân sản xuất.
Được biết, tại các huyện miền núi, Chương trình phủ xanh đất trống đồi trọc (Chương trình 327), Dự án trồng 5 triệu héc ta rừng (Dự án 661) và các dự án trồng rừng cao su chiếm diện tích đất lâm nghiệp rất lớn nhưng đến nay nhiều khu vực không được quản lý, sử dụng hiệu quả, thậm chí gây lãng phí tài nguyên đất; trong khi đó, nhu cầu sử dụng đất lâm nghiệp rất cao, nhiều người không có đất sản xuất.
Trả lời ý kiến cử tri, UBND tỉnh cho rằng đối với Chương trình 327, Dự án 661, để giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc liên quan trên cơ sở kết quả làm việc trực tiếp với các địa phương, đơn vị, Sở NN&PTNT tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Công văn số 6951 ngày 5/10/2021 chỉ đạo các sở, ngành và UBND huyện tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc liên quan đến rừng và đất rừng Chương trình 327, Dự án 661 trong thời gian qua.
Theo đó, chỉ đạo UBND các huyện, các ban quản lý rừng tổ chức thống kê, rà soát toàn bộ diện tích đất của các hộ gia đình, cá nhân đã được giao khoán thực hiện theo hướng đảm bảo quyền lợi của hộ gia đình, cá nhân tham gia nhận khoán (đảm bảo điều kiện, quy định) cũng như giải quyết dứt điểm (thu hồi) đối với những diện tích đất trước đây để trồng rừng nhưng người nhận khoán không thực hiện phát triển rừng (vi phạm hợp đồng).
Hiện nay, Sở TN-MT đang phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện Nghị quyết số 07 ngày 13/1/2021 của HĐND tỉnh để đo đạc, lập hồ sơ địa chính làm cơ sở cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp giai đoạn 2021 - 2026 trên địa bàn 9 huyện miền núi; trong đó có nhiệm vụ rà soát toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp hợp pháp của nhân dân để thực hiện cấp giấy chứng nhận, làm cơ sở để nhân dân ổn định sản xuất theo hiện trạng sử dụng.
UBND tỉnh giao Sở TN-MT khẩn trương hướng dẫn các địa phương, đơn vị trình hồ sơ thủ tục liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất nhận khoán trồng rừng thuộc Chương trình 327, Dự án 661 sau xử lý nêu trên.
UBND tỉnh thực hiện Kế hoạch số 5899 ngày 9/10/2020 về giải quyết quyền lợi cho người dân đối với đất rừng sản xuất, đất trồng cây lâu năm, đất nông nghiệp, đất ở sử dụng hợp pháp của người dân nay thuộc quy hoạch rừng phòng hộ, rừng đặc dụng (bao gồm cả việc rà soát các diện tích giao khoán đất rừng theo các Chương trình 327, Dự án 611 trước đây).
Việc rà soát sẽ giúp xác định được chính xác diện tích rừng, đất rừng hợp pháp của nhân dân, từ đó giúp việc quản lý, sử dụng rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh phù hợp với thực tế sử dụng, không xảy ra tranh chấp và kiện tụng kéo dài như thời gian qua.
Đề nghị Sở NN&PTNT bên cạnh việc phối hợp với các địa phương rà soát, nắm bắt toàn bộ diện tích thực hiện các Dự án 327, 661 trên địa bàn tỉnh để tiếp tục đề xuất giải quyết phù hợp với quy định, làm cơ sở đề xuất cập nhật và điều chỉnh quy hoạch lâm nghiệp quốc gia.
Đối với diện tích đất trồng cao su chiếm diện tích đất lâm nghiệp rất lớn nhưng đến nay nhiều khu vực không được quản lý, sử dụng hiệu quả, thậm chí gây lãng phí tài nguyên đất, ngày 16/6/2021, UBND tỉnh ban hành Thông báo số 225 về Kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh tại cuộc họp trực tuyến với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam để bàn giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư và hiệu quả sử dụng đất trong phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, trong đó có nội dung: Đề nghị Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam chỉ đạo các Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam, TNHH MTV Cao su Nam Giang - Quảng Nam rà soát toàn bộ diện tích đất hiện nay do Công ty đang quản lý để bàn giao lại cho các địa phương, cụ thể: Những diện tích đất trước đây đã thực hiện cắm mốc, ngoài những diện tích các công ty tiếp tục sử dụng để trồng cao su, diện tích còn lại không sử dụng thì đề nghị các công ty sớm hoàn thành bàn giao về cho địa phương quản lý, sử dụng.
Đối với những khu vực đất khác ngoài diện tích trước đây đã thống nhất bàn giao, kể cả những diện tích trồng cao su bị gãy đổ do ảnh hưởng của mưa bão vừa qua mà các công ty nhận thấy sử dụng trồng cao su không hiệu quả thì bàn giao lại cho địa phương sử dụng vào mục đích khác hiệu quả hơn như xây dựng các khu dân cư để di dời, sắp xếp dân cư vùng thiên tai cho các địa phương hoặc giao đất cho dân để chuyển sang phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, trồng rừng gỗ lớn...