Bảo vệ rừng, bảo vệ sinh kế nhân dân
HĐND huyện Bắc Trà My vừa thông qua Đề án phục hồi rừng, bảo vệ nguồn nước và bảo vệ môi trường huyện Bắc Trà My giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030. Cộng đồng dân cư cũng sẵn sàng vào cuộc, bởi trồng rừng, giữ rừng, bảo vệ môi trường cũng là bảo vệ sinh kế cho nhân dân.
Người Mường trồng cây lát hoa
Lát hoa là loại cây gỗ lớn có giá trị đã được người Mường (xã Trà Giang) trồng khôi phục để bảo vệ rừng. Ông Bùi Văn Tới (thôn 2, xã Trà Giang) đã trồng hơn 4.000 cây lát hoa từ năm 2001. Đến nay, vườn cây lát hoa của gia đình ông Tới đã đến kỳ thu hoạch. Mỗi cây lát hoa có giá bán khoảng 5 triệu đồng.
Cây lát hoa khi trưởng thành có bạnh khá lớn nên chịu được gió bão tốt, khá thích hợp với khu vực thường xuyên có gió bão vào mùa đông ở miền núi như Bắc Trà My.
Ông Tới nói: “Lát hoa cho gỗ đẹp, từ màu sắc đến thớ và vân gỗ, nên rất được ưa chuộng. Gỗ Lát hoa được dùng đóng đồ trang trí nội thất, đồ dùng gia dụng và cả đồ mộc mỹ nghệ. Người Mường chúng tôi đã mang cây gỗ này từ Hòa Bình vào đây trồng mấy chục năm nay”.
Để nhân rộng mô hình trồng cây lát hoa tại khu vực người Mường đang sinh sống, UBND xã Trà Giang đã thực hiện mô hình ươm giống để trồng cây hàng năm. Xã Trà Giang đã trồng hơn 700 cây lát hoa tại khu vực núi Bãi Kẽm của địa phương. Đây là khu vực rất cần được trồng rừng, bảo vệ nguồn khoáng sản trên địa bàn.
Đoàn Thanh niên xã Trà Giang cũng đã phối hợp triển khai mô hình vườn ươm cây giống gỗ lát hoa, với mục đích góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, giải quyết nhu cầu gỗ làm nhà cho người dân địa phương.
Đoàn viên thanh niên xã đã hưởng ứng tham gia làm nền, nhà giàn, ban đất, sàn đất, làm luống và vô đất ươm bầu, luân phiên nhau theo dõi và chăm sóc vườn ươm trên diện tích đất khoảng 100m2.
Ban đầu ươm chủ yếu là cây lát hoa, diện tích ươm cây được chia thành 7 rò, mỗi rò ươm khoảng 1.200 cây, quá trình ươm do diễn biến thời tiết xấu nên chỉ sống được khoảng 7.000 cây. Từ nguồn cây giống gỗ lát hoa Đoàn Thanh niên xã thông qua các ngày “Chủ nhật xanh”, “Thứ Bảy tình nguyện” phát động trồng cây khu vực đường vào thác Ông Thực và núi Bãi Kẽm.
Ông Lê Văn Bình - Chủ tịch UBND xã Trà Giang cho biết: “UBND xã đang tiếp tục triển khai trồng cây giống lát hoa tại Bãi Kẽm để phủ xanh đồi trọc và tổ chức trồng tại các địa điểm đất đai khô cằn trên địa bàn.
Đồng thời hỗ trợ đoàn viên thanh niên, hội viên trên địa bàn có nhu cầu trồng cây giống lát hoa và bán cho các đơn vị ngoài địa bàn xã nếu có nhu cầu mua hạt giống để ươm; duy trì ươm các loại cây, hoa để trồng trên các tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn, qua đó góp phần chung tay xây dựng nông thôn mới, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân tại địa phương’’.
Trồng rừng gỗ lớn trên diện rộng
Đề án phục hồi rừng, bảo vệ nguồn nước và bảo vệ môi trường huyện Bắc Trà My giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030 vừa được HĐND huyện Bắc Trà My (khóa XII) thông qua tại Kỳ họp thứ 12. Thực hiện chương trình tổng thể bảo vệ và phát triển rừng bền vững kết hợp phát triển kinh tế hiệu quả trên địa bản tỉnh Quảng Nam và Đề án 1 tỷ cây xanh, trong năm 2022 huyện Bắc Trà My đã triển khai trồng hơn 200ha rừng với 701.000 cây xanh. Huyện có tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 60,1%.
UBND huyện Bắc Trà My cũng triển khai thực hiện phương án trồng thí điểm rừng đầu nguồn tại hồ Dương Hòa, xã Trà Sơn. Đề án áp dụng đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn có tham gia các hoạt động quản lý, bảo vệ, phát triển rừng tại khu vực cần phục hồi rừng của đề án, phù hợp theo các cơ chế, chính sách hỗ trợ hiện hành của Nhà nước.
Khoảng 6.000ha rừng gỗ lớn sẽ được trồng tại các khu vực cần phục hồi nguồn nước, các đồi núi có công trình công cộng, khu dân cư sinh sống dưới chân đồi, các khu vực sạt lở, nguy cơ sạt lở trên địa bàn các xã, thị trấn ở huyện Bắc Trà My. Các loại cây gỗ lớn được trồng sẽ có lim xanh, giổi xanh, ươi, huỷnh, chò nâu... và các loài cây bản địa khác.
Theo ông Thái Hoàng Vũ - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, ngoài trồng rừng gỗ lớn thì quế Trà My và các loại dược liệu dưới tán rừng cũng được hỗ trợ để nhân dân trồng. Các loại cây ăn quả trồng thành vùng chuyên canh, nhằm đảm bảo cho mục tiêu bảo vệ môi trường khu vực đầu nguồn để điều tiết nguồn nước, cải thiện môi trường sống.
Sử dụng hiệu quả diện tích dưới tán rừng để phát triển dược liệu, các loài cây lâm sản ngoài gỗ theo định hướng lấy ngắn nuôi dài, cải thiện sinh kế cho người dân. Nhân dân sẽ được khuyến khích chuyển đổi từ trồng keo sang trồng rừng gỗ lớn và dược liệu để được hỗ trợ bằng chính sách của Nhà nước theo quy định.