Bảo tồn đa dạng sinh học ở các vườn quốc gia: Tiếng gọi… Sông Thanh
(QNO) - Dãy Trường Sơn đang sở hữu 2 vườn quốc gia (Bạch Mã – Huế và Sông Thanh – Quảng Nam) thuộc vào top đầu về đa dạng sinh học hiện nay của Việt Nam. Sự kiến tạo độc đáo của tự nhiên, quần tụ nhiều động, thực vật quý hiếm nên chính quyền mỗi nơi đã tận dụng thực thi hiệu quả những cơ chế bảo tồn, quản lý nghiêm ngặt kết hợp phát triển du lịch sinh thái.
Bài 2: Tiếng gọi… Sông Thanh
Khi chuyển hạng từ khu bảo tồn lên vườn quốc gia, Sông Thanh có đủ hành lang pháp lý, cơ chế quản lý rừng nguyên sinh hiệu quả hơn. Đây đâu chỉ riêng là câu chuyện giữ rừng, Vườn quốc gia Sông Thanh còn phải tính toán giải quyết sinh kế lâu dài cho cộng đồng vùng đệm và khai phóng tiềm năng du lịch đã “ngủ quên” quá lâu.
Lo từ vùng đệm
Tháng 8/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh ký quyết định thành lập Vườn quốc gia Sông Thanh, sau đề nghị của Quảng Nam về việc chuyển hạng Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh thành vườn quốc gia.
Nằm tiếp giáp với các khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh (Kon Tum) và Ngọc Linh - Nam Trà My (Quảng Nam), Vườn quốc gia Sông Thanh có khả năng liên kết để tạo thành vùng rừng tập trung rộng lớn trên dãy Trường Sơn và xuyên biên giới quốc tế.
Sau khi đã đánh sập các hầm vàng trong vùng lõi khu vực bảo tồn nghiêm ngặt, từ nhiều năm nay, chủ rừng và các cấp chính quyền tập trung ổn định sinh kế, giúp đồng bào 40 thôn của 13 xã giáp ranh thuộc 2 huyện Nam Giang và Phước Sơn phát triển sản xuất nông nghiệp, hạn chế tác động vào rừng tự nhiên.
Cụ thể là ban hành chính sách “Hỗ trợ phát triển cộng đồng vùng đệm thuộc Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững trong lâm phận Vườn quốc gia Sông Thanh năm 2022”; giải quyết quyền lợi người dân 2 xã Đắc Pring (Nam Giang) và Phước Mỹ (Phước Sơn) có diện tích nương rẫy được quy hoạch vào lâm phận vườn quốc gia.
Tại các xã Đắc Pring, Đắc Pre, Đắc Tôi, La Dêê, Tà Pơơ, Chà Val, Tà Bhing, Cà Dy (Nam Giang), đã hình thành các mô hình kinh tế như: trồng dược liệu tại vườn nhà, chăn nuôi heo bản địa, dệt thổ cẩm, nuôi ong, nuôi trâu bán lấy thịt chứ không còn làm sức kéo gỗ lậu như trước đây.
Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang Nguyễn Đăng Chương nói, đề án trồng rừng gỗ lớn, hỗ trợ mô hình chăn nuôi heo cỏ, trồng dược liệu dưới tán rừng tự nhiên… là những giải pháp ngăn chặn hiệu quả việc người dân tác động vào rừng Sông Thanh.
Năm 2022, Vườn quốc gia Sông Thanh hỗ trợ 24 cộng đồng thôn vùng đệm với mức 40 triệu đồng/1 cộng đồng, chủ yếu là hỗ trợ giống cây ăn quả bản địa; cây lấy gỗ như keo tai tượng Úc, xoan ta, gáo vàng…; giống heo cỏ.
Những cánh rừng ở vùng lõi của Vườn quốc gia Sông Thanh sẽ chẳng bình yên nếu như không thiết lập hành lang bảo vệ từ bên ngoài. Sống ven rừng, đồng bào không dựa vào rừng để đổi cái ăn hằng ngày, biết có sự lựa chọn nào khác!
Tại cuộc họp gần đây bàn giải pháp phát triển sinh kế cho người dân vùng đệm tại các ban quản lý rừng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu lưu ý rằng, chủ rừng cần phối hợp với các công ty thủy điện, các dự án, doanh nghiệp… để hỗ trợ và lên kế hoạch, chương trình làm việc cụ thể.
Trong đó, đáp ứng nhu cầu của hộ gia đình, cộng đồng và điều kiện của địa phương để đầu tư hiệu quả; lựa chọn trong số cán bộ chuyên trách bảo vệ rừng là người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ đầu tư mô hình thực hiện.
Sự chuyển động trong bảo tồn rừng nguyên sinh có sự linh hoạt tận dụng lồng ghép các chương trình như xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Chương trình sinh kế cho người dân lưu vực các hồ thuỷ điện trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 của UBND tỉnh.
Và cũng nhờ nguồn tài chính dồi dào mỗi năm Vườn quốc gia Sông Thanh hưởng lợi bình quân 30 tỷ đồng từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường nên đã xây dựng được lực lượng bảo vệ rừng chuyên nghiệp và trách nhiệm hơn.
Đánh thức miền hoang dã
Vào Trung tâm giáo dục môi trường và dịch vụ (Vườn quốc gia Bạch Mã) để mua vé tham quan, ấn tượng đập ngay vào mắt khi nhìn thấy câu khẩu hiệu: “Mua vé là góp phần bảo vệ thiên nhiên Vườn quốc gia Bạch Mã”. Thế giới động thực vật Bạch Mã đã được thu nhỏ trong phòng trưng bày ảnh, ở đó du khách như bị lạc vào thế giới động vật, rồi bị lôi cuốn bởi “người chim” Trương Cảm có thể giả tiếng kêu của hàng trăm loài muông thú khác nhau.
Nhìn những đoàn khách khắp nơi nườm nượp đến Bạch Mã, tôi lại nghĩ về những rừng nguyên sinh, lòng hồ đẹp như tranh ở Sông Thanh. Hai năm trước, khi theo công tác của lãnh đạo tỉnh, thong dong đi thuyền trên lòng hồ, từ Khe Ru đến tháp Ba Tầng thuộc Vườn quốc gia Sông Thanh, tôi đã bị mê hoặc trước vẻ đẹp ban sơ của thiên nhiên nơi đây.
Nhiều doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành… đã đến Vườn quốc gia Sông Thanh khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư, kết nối tour tuyến. Tuy vậy, theo ông Đinh Văn Hồng – Phó Giám đốc phụ trách Vườn quốc gia Sông Thanh, đề án du lịch sinh thái trong lâm phận hiện đang trong giai đoạn lấy ý kiến từ các đơn vị, ngành liên quan.
[VIDEO] - Vườn quốc gia Sông Tranh rất giàu đa dạng sinh học, hội tụ mọi điều kiện để phát triển du lịch sinh thái:
Sông Thanh nằm trên hành lang đa dạng sinh học của khu vực Trường Sơn, dễ dàng kết nối với Khu bảo tồn loài Sao la và Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh – “nóc nhà” Đông Dương. Với sự đa đạng sinh học, sự kiến tạo độc đáo của thiên nhiên, Vườn quốc gia Sông Thanh có nhiều lợi thế phát triển loại hình du lịch sinh thái, có thể khai thác tuyến đi bộ xuyên rừng, trải nghiệm du lịch mạo hiểm, cắm trại qua đêm, tham quan ngắm nhìn thác Grăng, cầu Thác Nước…
Những bãi vàng ở Đắc Pre, Đắc Pring… trong vùng lõi khu bảo tồn tồn tại nhiều thập niên đã bị đánh sập, đang được bổ sung vào quy hoạch đất lâm nghiệp, có cơ hội sẽ phục hồi hệ sinh thái; chính quyền tỉnh dứt khoát không đề xuất quy hoạch các khu vực thăm dò, khai thác khoáng sản trong lâm phận Vườn quốc gia Sông Thanh. Trước khi phát triển du lịch sinh thái, rõ ràng những hành động cụ thể về công tác bảo tồn ở Vườn quốc gia Sông Thanh thời gian qua đã thật sự đem lại chuyển biến tích cực và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Theo thống kê, 3 tháng đầu năm 2023, các trạm quản lý bảo vệ rừng, Đội bảo vệ rừng cơ động của Vườn quốc gia Sông Thanh thực hiện 163 đợt tuần tra, kiểm tra rừng. Theo đó, phát hiện và tháo gỡ 648 sợi dây bẫy các loại, phá hủy 19 lán trại; đẩy đuổi 22 đối tượng vào rừng đặc dụng trái phép; phối hợp lực lượng Công an xã Đắc Pring xử lý 5 đối tượng có hành vi lập lán trại trái phép trong rừng đặc dụng.