Khảo sát, điều tra số liệu rừng lim xanh và mun tại Tây Giang
Trong 5 ngày (từ ngày 10/6 - 15/6), UBND huyện Tây Giang phối hợp với Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam tổ chức chuyến khảo sát, điều tra số liệu quần thể rừng lim xanh và mun tại địa bàn xã Lăng để có cơ sở thực tế trong việc lập thủ tục đề nghị công nhận “Cây di sản Việt Nam” trong thời gian tới.
Ông Bríu Hùng - Trưởng phòng VH-TT huyện Tây Giang cho biết, chuyến khảo sát nhằm xác định tổng thể diện tích, niên tuổi, giá trị khoa học, mỹ quan của quần thể cây lim xanh và mun; qua đó kịp thời quản lý, bảo vệ và vinh danh giá trị rừng cây quý hiếm.
Đồng thời góp phần nâng cao trách nhiệm trong công tác bảo vệ rừng và môi trường thiên nhiên; khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch thể thao và du lịch môi trường giúp tạo sinh kế bền vững cho người dân miền núi.
Với sự có mặt của các chuyên gia Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, ngoài khảo sát số liệu về quần thể rừng lim xanh, các chuyên gia còn tiến hành khoan lấy mẫu lõi cây nhằm xác định chính xác tuổi đời của cây rừng.
Kết quả nghiên cứu của Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam sẽ là một trong những căn cứ để huyện Tây Giang đề nghị công nhận rừng lim xanh và mun tại xã Lăng là quần thể “Cây di sản Việt Nam” thời gian tới.
Tây Giang có diện tích rừng tự nhiên khá lớn với độ che phủ của rừng chiếm hơn 75%. Nhiều loài gỗ quý hiếm như lim xanh, mun, ươi, giổi, sến, pơmu, đỗ quyên... còn được bảo vệ, gìn giữ trong cộng đồng. Trong đó, có 1.598 cây được công nhận là “Cây di sản Việt Nam”, chủ yếu là pơmu với 1.146 cây, giổi 1 cây, đa sộp 2 cây, đa búp 3 cây, đỗ quyên 435 cây và 11 cây đa cổ thụ.