Bảo tồn đa dạng sinh học ở các vườn quốc gia: Một ngày xuyên rừng Bạch Mã
(QNO) - Dãy Trường Sơn sở hữu 2 vườn quốc gia (Bạch Mã – Huế và Sông Thanh – Quảng Nam) thuộc vào top đầu về đa dạng sinh học hiện nay của Việt Nam. Sự kiến tạo độc đáo của tự nhiên, quần tụ nhiều động, thực vật quý hiếm nên chính quyền mỗi nơi đã tận dụng khai thác hiệu quả những cơ chế bảo tồn, quản lý nghiêm ngặt kết hợp phát triển du lịch sinh thái.
Bài 1: Một ngày xuyên rừng Bạch Mã
Một ngày cuối tháng 5/2023, theo chân lực lượng kiểm lâm, chúng tôi vào lâm phận Vườn quốc gia Bạch Mã (Huế) tận mắt nhìn thấy “ma trận” các loại bẫy thú tự chế đặt rải rác trong rừng – vũ khí tàn sát nhiều động vật hoang dã quý hiếm.
Tuyên chiến với bẫy thú rừng
Hơn 9 giờ sáng, cánh nhà báo môi trường các tỉnh miền Trung và trung ương đã dừng lại ở lưng chừng núi, thuộc trạm dừng chân số 13, nếu tính trạm số 19 là đỉnh cao nhất ở Vườn quốc gia Bạch Mã. Hành trang ngoài chiếc máy ảnh, máy quay phim, điện thoại tác nghiệp, mỗi người được phát mang theo một hộp cơm, nước uống… cho bữa ăn trưa trong rừng.
Chuyến đi rừng khoảng hơn 20 nhà báo, kiểm lâm, cán bộ của Trung tâm Thiên nhiên và con người, có phóng viên trẻ mới tập tò vào nghề, nhưng cũng có “nhà báo già” ngoài 60 tuổi. Tất cả dường như không có ranh giới của tuổi tác, song chuyến xuyên rừng như muốn thử sức chịu đựng của mỗi người.
Vừa bước vào lối mòn độc đạo trong vườn quốc gia, đã nghe tiếng chim kêu thú rừng hú, khí hậu đã trở nên mát mẻ hơn so với bên ngoài. Cuốc bộ chừng 5-7km, anh Trần Huế - kiểm lâm viên của Trạm Kiểm lâm Khe Dớn (Hạt Kiểm lâm Bạch Mã) phát hiện một cái bẫy dây đặt dưới một cây cổ thụ. Huế cẩn thận gỡ dây thép quấn chặt, đồng thời giải thích về cơ chế hoạt động của bẫy dây, bẫy cột. Khi thú dính bẫy sẽ khó chạy thoát thân.
“Dấu hiệu nhận biết bẫy là xung quanh được cắm cành cây chắn hai bên chừa lại lối đi nhỏ để ép thú rừng phải đi vào lối đi này và sập bẫy. Mùa này, anh em kiểm lâm đỡ vất vả hơn chứ vào thời điểm cận Tết Nguyên đán là lúc anh em mệt nhoài vì gỡ bẫy liên tục” – Huế chia sẻ.
Tuy nhiên, anh Huế cũng lưu ý, với những bẫy nguy hiểm như bẫy kẹp thì phải cẩn trọng trong quá trình tháo gỡ vì những loại bẫy này được che đậy bằng những lá, cây khô phủ lên trên nên khó phát hiện.
Theo Quỹ Bảo tồn thiên nhiên quốc tế tại Việt Nam - WWF, riêng giai đoạn 2011 - 2022, có 146.700 bẫy dây động vật và 1.600 lán trại đã bị tịch thu, phá hủy trong phạm vi 31.000ha rừng của 2 Khu bảo tồn Sao la Quảng Nam và Thừa Thiên Huế, Vườn quốc gia Bạch Mã.
Theo cán bộ kiểm lâm Vườn quốc gia Bạch Mã, có 2 loại bẫy thú rừng chủ yếu được đặt là bẫy mặt đất, để bắt heo rừng, động vật bò sát; còn bẫy đặt trên thân cây chuyên bắt chồn, sóc…
Cán bộ Hạt Kiểm lâm Bạch Mã kể, thời gian qua, một số đối tượng săn bắt động vật hoang dã trong lâm phận đã bị khởi tố hình sự. Điển hình gần nhất vào cuối tháng 3/2023, TAND huyện Nam Đông (Thừa Thiên Huế) đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 4 bị cáo gồm Trần Đình Ty, Trần Ninh, Phạm Văn Nam và Nguyễn Bản trú cùng huyện về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” trong lâm phận Vườn quốc gia Bạch Mã.
[VIDEO] - Kiểm lâm viên Trần Huế nói về cơ chế hoạt động của loại bẫy dây thép tự chế:
Trước đó, lực lượng kiểm lâm trong lúc đang tuần tra bảo vệ rừng tại khoảnh 10, tiểu khu 417 thuộc lâm phận Vườn quốc gia Bạch Mã quản lý thì phát hiện 4 đối tượng đang ngồi dưới suối với tang vật là 4 bao cùi chứa dụng cụ giết bẫy thú rừng, bao cùi chứa phần đầu, chân, thịt động vật rừng. Động vật trên là sơn dương thuộc loài nguy cấp, quý hiếm, được ưu tiên bảo vệ theo quy định pháp luật.
Gần 12 giờ trưa. Một nhóm của đoàn công tác dừng nghỉ ở lán trại do kiểm lâm dựng tạm trong rừng và rải rác tụ tập ở dọc một cơn suối để ăn trưa. Trong cái nắng quay quắt, bất chợt một cơn mưa trắng trời trút xuống, khiến đại ngàn Trường Sơn trở nên ẩm ướt và ảm đạm. Một phóng viên trẻ la toáng lên khi gót chân bị một con vắt bám cắn no máu. Cán bộ kiểm lâm ở đây bảo, thường trời mưa thì vắt xuất hiện, rừng nhiều vắt, nghĩa là còn nhiều muông thú. Đó là chỉ dấu cho một khu rừng còn đa dạng sinh học.
Vườn quốc gia Bạch Mã được thành lập năm 1991. Đến năm 2008, chủ rừng này được điều chỉnh mở rộng với tổng diện tích từ 22.031ha lên 37.487ha, trải rộng trên 2 huyện Phú Lộc, Nam Đông (Thừa Thiên Huế) và Đông Giang (Quảng Nam). Tại Vườn quốc gia Bạch Mã có trên 1.700 loài động vật hoang dã, chiếm 7% tổng số loài động vật hoang dã trên cả nước. Trong số đó, có đến 69 loài động vật quý hiếm đưa vào Sách đỏ thế giới và Việt Nam, như sói lửa, cầy mực, báo hoa mai, sao la, gà lôi lam mào trắng…
Thiết lập trung tâm cứu hộ
Một khảo sát ghi nhận gần đây của WWF tại Việt Nam, Vườn quốc gia Bạch Mã đang có 15 đàn voọc chà vá chân nâu với hơn 170 cá thể. Trong khi đó, báo cáo của Vườn quốc gia Bạch Mã, giai đoạn 3 năm (2020 – 2022) và 6 tháng đầu năm 2023, chủ rừng này đã tiếp nhận, cứu hộ, chăm sóc và tái thả khoảng gần 400 cá thể, thuộc nhóm loài nguy cấp quý hiếm như sơn dương, voọc chà vá chân nâu, rùa hộp trắng vàng, tê tê, cầy vòi hương, khỉ đuôi lợn, khi mặt đỏ, khỉ đuôi dài, gà lôi trắng…
Năm 2022, Vườn quốc gia Bạch Mã đã tiến hành giao khoán bảo vệ rừng cho 103 hộ gia đình sống ở vùng đệm tại địa bàn các xã Lộc Trì, Lộc Hòa, thị trấn Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) và xã A Ting, Sông Kôn (Đông Giang, Quảng Nam) với tổng diện tích 3.037,47ha. Kết quả kiểm tra, giám sát hàng tháng cho thấy các hộ nhận khoán đều tổ chức công tác tuần tra bảo vệ rừng, chống chặt phá rừng theo đúng hợp đồng đã ký kết, không để mất rừng, suy thoái rừng do các tác nhân từ bên ngoài.
Ông Phan Vẽ, cán bộ Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật (Vườn quốc gia Bạch Mã) thông tin, hoạt động cứu hộ động vật hoang dã của trung tâm chủ yếu từ sự tiếp nhận, bàn giao của lực lượng chức năng, người dân. Hầu hết thú rừng đều được chăm sóc sống sót và thả lại về rừng.
Đặc biệt, trung tâm đã tham mưu cho Vườn quốc gia Bạch Mã lập hồ sơ đăng ký đề nghị cấp mã số trại nuôi các loại động vật rừng nguy cấp quý hiếm, động vật thực vật hoang dã nguy cấp thuộc phụ lục Cites (Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp).
Giữa tháng 7/2022, Cục Kiểm lâm Việt Nam cùng Tổ chức động vật châu Á và Vườn quốc gia Bạch Mã khởi động dự án Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam cơ sở 2, với năng lực nuôi cứu hộ hơn 300 cá thể gấu trong môi trường bán tự nhiên.
Với diện tích 12,7ha, do Tổ chức động vật châu Á tài trợ bằng kinh phí viện trợ không hoàn lại 10,5 triệu USD, dự kiến dự án trung tâm mới sẽ hoàn thành toàn bộ các hạng mục vào năm 2026 với 12 hạng mục nhà gấu và 12 khu bán hoang dã, khu hành chính và nghỉ dưỡng cho nhân viên, khu cách ly, khu bệnh viện thú y…
Ông Nguyễn Vũ Linh - Giám đốc Vườn Quốc gia Bạch Mã cho biết: "Với quy mô nuôi hơn 300 cá thể gấu tại Trung tâm Cứu hộ gấu ở Bạch Mã, chúng tôi đặt kỳ vọng các cá thể gấu đang bị nuôi nhốt bằng các hình thức khác nhau sẽ được thả về sống ở môi trường tự nhiên một cách tốt nhất”.
Hiện nay, trong phạm vi của Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật đang bảo tồn nguồn gen nhiều thực vật quý và cứu hộ thành công các loại gà lôi lam mào trắng, chim công… Trung tâm này trở thành một trong những điểm tham quan cho du khách khi đến Vườn quốc gia Bạch Mã.
Thuê dịch vụ môi trường rừng để phát triển du lịch sinh thái
Năm 2016, Bộ NN&PTNT phê duyệt Đề án phát triển du lịch sinh thái của Vườn quốc gia Bạch Mã giai đoạn 2016 – 2020 và Đề án cho thuê môi trường rừng ở khu vực Thác Trượt (99,4ha). Từ cơ sở này, Công ty TNHH Bạch Mã Village đã ký hợp đồng thuê môi trường rừng ở khu vực Thác Trượt để tổ chức kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái. Hiện nay, khu vực này phát triển mạnh các dịch vụ tắm suối, cắm trại, nghỉ dưỡng.
Bài cuối: Tiếng gọi... Sông Thanh