Phòng trừ bệnh tua mực gây hại cây quế
Việc tìm ra nguyên nhân cũng như giải pháp quản lý tổng hợp bệnh tua mực gây hại cho cây quế, xây dựng mô hình trồng, chăm sóc cây quế sạch bệnh tua mực là hướng đi góp phần bảo tồn và phát triển cây quế.
Đây là kết quả từ công trình nghiên cứu khoa học cấp bộ “Nghiên cứu giải pháp quản lý tổng hợp bệnh tua mực hại cây quế tại tỉnh Quảng Nam và vùng phụ cận”, do TS.Đào Ngọc Quang (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) triển khai.
Giải pháp phòng trừ dịch bệnh
Nhiều năm qua, bệnh tua mực gây hại cây quế ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất, sản lượng vùng quế. Triệu chứng điển hình của bệnh tua mực là trên thân, cành, cuống lá và gân cây quế xuất hiện các u bướu sần sùi, sau đó mọc các tua dài hoặc phát triển những cụm chồi mọc bất thường.
Cuối mùa mưa, các tua mực già và bị khô. Một số trường hợp xuất hiện cả tua mực và cụm chồi mọc bất thường trên cùng một cây, thậm chí trên cùng một vị trí. Bệnh gây hại ở trên cây con từ 3 tháng tuổi và xuất hiện rải rác ở nhiều nơi trồng quế. Cây quế bị bệnh thường mọc còi cọc, chậm phát triển, nếu bệnh nặng cây có thể chết.
“Nguyên nhân gây bệnh tua mực trên cây quế là do Cinnamomum cassia witches’s broom phytoplasma. Các mẫu phytoplasma từ các cây bị bệnh tua mực đều có tính gây bệnh từ trung bình đến rất mạnh trên cây quế ở giai đoạn 1 năm tuổi. Ba đối tượng côn trùng thuộc nhóm chích hút là các véc tơ gây bệnh tua mực gây hại cho cây quế gồm rệp sáp Icerya aegyptiaca, rệp sáp bông Icerya seychellarum và rệp sáp vảy Aulacaspis tubercularis”.
(TS. Đào Ngọc Quang - Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam)
Theo TS.Đào Ngọc Quang, nhóm nghiên cứu đã điều tra trên tuyến với tổng độ dài 45km tại 4 huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Tiên Phước, Phước Sơn và huyện Trà Bồng của tỉnh Quảng Ngãi.
Riêng tại Nam Trà My, bệnh tua mực gây hại nặng ở nhiều xã nhưng rừng trồng quế ở xã Trà Vân lại không bị hại hoặc bị hại rất nhẹ. Các rừng trồng quế ở độ cao trên 600m so với mực nước biển có xu hướng ít bị bệnh so với các rừng trồng ở độ cao thấp hơn và đặc biệt rừng trồng ở những nơi có độ cao dưới 300m, bệnh nặng hơn rõ rệt.
Nhóm nghiên cứu đề xuất các giải pháp quản lý tổng hợp (IPM) bệnh tua mực trên cây quế. Xây dựng các mô hình thử nghiệm và chuyển giao quy trình quản lý tổng hợp IPM bệnh tua mực ở rừng trồng quế hiện có; quy trình sản xuất giống cây quế sạch bệnh tua mực và quy trình trồng mới, chăm sóc và quản lý tổng hợp (IPM) cây quế sạch bệnh tua mực.
TS.Quang và cộng sự đã nghiên cứu, áp dụng ba giải pháp khoa học quản lý bệnh tua mực để đánh giá trong thực tiễn. Đó là biện pháp lâm sinh (như tỉa thưa, loại trừ nguồn bệnh, dọn thực bì, bón phân, xới vun gốc) áp dụng cho các rừng trồng với mật độ 1.000 - 2.000 cây/ha.
Biện pháp này có hiệu quả rõ rệt trong phòng trừ côn trùng là các véc tơ truyền bệnh tua mực và bệnh tua mực quế. Đặt bẫy dính màu vàng có hiệu quả cao nhất trong phòng trừ côn trùng là véc tơ truyền bệnh tua mực ở cả vườn ươm và rừng trồng. Sử dụng chế phẩm, thuốc hóa học có khả năng ức chế mạnh đối với phytoplasma gây bệnh tua mực...
Chuyển giao, nhân rộng
Theo TS.Đào Ngọc Quang, qua theo dõi trên 2 mô hình phòng trừ tổng hợp dịch bệnh tua mực trên cây quế trên rừng có sẵn, hiệu quả đạt trên 88% so với mô hình đối chứng, cây sinh trưởng và phát triển tốt; 100% cây con (50.000 cây) được tạo ra từ vườn ươm vốn là mô hình sản xuất cây giống quế hoàn toàn sạch bệnh tua mực đã phục vụ mô hình trồng mới cây quế sạch bệnh và cung cấp ra thị trường.
Các nhà khoa học còn tổ chức 3 lớp tập huấn (quy mô 100 người/lớp) cho cán bộ nông nghiệp, kiểm lâm và người dân trồng quế tại Nam Trà My, Bắc Trà My và Trà Bồng.
Qua các lớp tập huấn, cán bộ nông nghiệp và người dân địa phương được chuyển giao quy trình sản xuất giống cây quế sạch bệnh tua mực tại xã Trà Mai, Trà Bồng và quy trình trồng mới, chăm sóc và quản lý tổng hợp trên cây quế bị bệnh tua mực.
Theo ông Trịnh Minh Hải - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nam Trà My, bệnh tua mực là loại bệnh chưa có cách chữa trị, khắc chế, gây thiệt hại rất lớn về kinh tế cho người dân. Nguyên nhân gây bệnh là do nấm, ký sinh trùng là vật chủ trung gian.
Các nhà nghiên cứu đã cung cấp nhiều biện pháp phòng trừ bệnh tua mực, song cần làm rõ, chú trọng biện pháp nào hiệu quả nhất, tiện lợi nhất, phù hợp nhất với người trồng quế, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.
Việc xây dựng các mô hình trồng thử nghiệm có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đánh giá hiệu quả quy trình quản lý tổng hợp IPM bệnh tua mực hại cây quế, đồng thời là cơ sở nhân rộng mô hình tại Quảng Nam và vùng phụ cận.
Th.S Nguyễn Đình Vương - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Quảng Nam cho rằng, nghiên cứu trên đã góp phần vào việc triển khai, đưa ra các giải pháp, hướng điều trị bệnh tua mực trên cây quế, góp phần vào công tác bảo tồn và phát triển cây quế ở vùng Quảng Nam.
Tập quán của người dân trồng quế vùng núi Quảng Nam là trồng xen canh dưới tán rừng, vườn rừng, không trồng chuyên canh, nên việc triển khai các biện pháp phòng trừ dịch hại thời gian qua rất khó khăn so với các tỉnh phía Bắc.