Duy Xuyên chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng

MAI NHI – PHI THÀNH 11/05/2023 07:55

Trước tình hình thời tiết ngày càng nắng nóng gay gắt, chính quyền các cấp và ngành chức năng ở huyện Duy Xuyên chủ động triển khai những biện pháp ứng phó hiệu quả nhằm hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra cháy rừng.

Công tác tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy rừng được ngành liên quan và chính quyền các địa phương của huyện Duy Xuyên tập trung đẩy mạnh. Ảnh: N.T
Công tác tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy rừng được ngành liên quan và chính quyền các địa phương của huyện Duy Xuyên tập trung đẩy mạnh. Ảnh: N.T

Huyện Duy Xuyên có 12.733ha rừng trồng với độ che phủ đạt 41,24%. Đây cũng là địa phương nằm trong vùng trọng điểm cháy rừng của tỉnh với khoảng 561,7ha rừng có nguy cơ cao, chủ yếu là rừng thông, tập trung ở các xã Duy Hòa, Duy Châu, Duy Phú, Duy Trinh, Duy Trung.

Ông Nguyễn Trường Hải - Hạt phó Hạt Kiểm lâm Trung Quảng Nam cho biết, thời gian qua đơn vị chủ động tham mưu UBND huyện Duy Xuyên ban hành cụ thể phương án và thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sử dụng lửa trong rừng cũng như khu vực ven rừng, đồng thời tổ chức cho những chủ rừng ký cam kết thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR). Cạnh đó, tiến hành đóng 60 bảng cấm lửa, treo hàng trăm băng rôn tuyên truyền PCCCR.

“Để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do cháy rừng gây ra, các chủ rừng phải tuyệt đối không đốt, xử lý thực bì sau khai thác trong thời điểm nắng nóng hơn 37 độ C và khi có cảnh báo cháy rừng cấp 4, cấp 5.

Khi thời tiết thuận lợi, người dân phải thực hiện đúng kỹ thuật đốt xử lý thực bì và lửa hoàn toàn tắt hẳn mới ra về. Tại các nghĩa trang ven rừng, khi đến thắp hương và đốt giấy vàng mã, người dân phải chú ý canh phòng, tuyệt đối không chủ quan, lơ là” - ông Hải nhấn mạnh.

Theo ông Đặng Hữu Phúc - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên, để đảm bảo an toàn cho những cánh rừng trong mùa khô năm 2023, ngành chức năng của huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở, xe lưu động về diễn biến tình hình thời tiết và các biện pháp phòng cháy. Đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm của UBND cấp xã và các chủ rừng; niêm yết nội quy, cắm các biển báo, biển cấm lửa tại những khu vực dẫn vào rừng.

Lực lượng liên ngành tăng cường kiểm tra nghiêm ngặt các vùng trọng điểm về cháy rừng, hướng dẫn chủ rừng tạo đường băng cản lửa đúng quy trình kỹ thuật, nghiêm cấm việc sử dụng lửa trong rừng và ven rừng trong thời điểm dự báo nguy cơ cao xảy ra cháy rừng.

Ngoài ra, tiến hành khảo sát, đánh giá, xây dựng bản đồ số về các vùng trọng điểm, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy rừng lớn. Tăng cường công tác trực PCCCR 24/24 giờ; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện cần thiết phục vụ cho công tác chữa cháy rừng...

“PCCCR phải lấy hoạt động phòng ngừa là chính. Theo đó, cần chủ động phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời cháy rừng, chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, nguồn lực, phương tiện, trang thiết bị, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội tham gia hoạt động PCCCR.

Thông tin về dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng phải được thông báo kịp thời, thường xuyên cho chủ rừng, chính quyền địa phương và các cơ quan chịu trách nhiệm về PCCCR. Địa phương quán triệt thực hiện phương châm “4 tại chỗ” gồm chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và “5 sẵn sàng” là lực lượng, phương tiện, hậu cần, chỉ huy, thông tin” - ông Phúc nói thêm.

MAI NHI – PHI THÀNH