Hiệp Đức: Cây keo lại chết hàng loạt do nhiễm bệnh nấm
(QNO) - Gần đây hàng nghìn héc ta keo trồng của người dân huyện Hiệp Đức đang xanh tốt bất ngờ nhiễm bệnh nấm và chết hàng loạt.
Hơn một tháng nay, nhiều hộ dân trồng keo ở các xã Phước Gia, Hiệp Thuận, Thăng Phước, Quế Lưu, Bình Sơn và thị trấn Tân Bình (Hiệp Đức) lo lắng trước hiện tượng cây keo bất ngờ bị héo úa và chết khô hàng loạt. Các chủ rẫy đã thực hiện một số biện pháp xử lý nhưng hầu như không đem lại tác dụng.
Ông Phạm Đình Kim (khối phố Phước Sơn, thị trấn Tân Bình) cho biết, gia đình ông trồng được khoảng 35ha keo giâm hom gần 2 năm tuổi. Năm 2022 mưa lớn kéo dài đến tháng 3 âm lịch năm 2023 khiến hàng chục héc ta keo của gia đình ông bị chết non, ước tính thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
“Hiện tại cây keo còn nhỏ không thể khai thác để bán cho các nhà máy. Tôi để ráng thêm vài năm, còn sót lại cây mô thì thu hoạch bán gỡ vốn, chứ không có lời. Giờ không thể chặt bỏ vì thân cây khi khô sẽ rất cứng, đốn hạ không biết làm gì, tốn kém chi phí thuê nhân công. Trước đây, cây keo giâm hom cũng từng bị nhiễm nấm nhưng số lượng thiệt hại không đáng kể” – ông Kim nói.
Ông Nguyễn Khánh Liêm – chủ doanh nghiệp vườn ươm trên địa bàn thị trấn Tân Bình cho hay, so với cây keo tượng thì keo giâm hom phát triển nhanh hơn, khoảng 3,5 - 4 năm là có thể thu hoạch.
Ông cho biết: "Những năm gần đây, lợi nhuận từ cây keo đem lại khá cao, nên người dân trồng keo với mật độ dày đặc. Khi cây keo bị nhiễm nấm tốc độ sẽ lây lan nhanh và khó kiểm soát. Hơn nữa, những năm qua mưa triền miên, khiến đất đai luôn ẩm ướt và sinh ra các bệnh về nấm ngang thân".
Trước năm 2020, phần lớn người dân Hiệp Đức chọn cây tai tượng, keo giâm hom để trồng bán gỗ nguyên liệu cho các nhà máy trên địa bàn và các tỉnh. Sau trận bão khiến cây keo tai tượng ngã đổ thiệt hại nặng nề. Trong khi đó, cây keo giâm hom chỉ bị nghiêng, không trốc gốc, gãy thân.
Năm 2021, người dân Hiệp Đức bắt đầu nhập keo giâm hom từ tỉnh Đồng Nai về để trồng đồng loạt trên đất rừng và gò đồi. Cũng vì thế mà giá keo giâm hom giống tăng đột biến từ 600 đồng/cây lên 1.200 đồng/cây.
Mặc khác, trồng keo tai tượng đến khi thu hoạch bán giả rẻ không ai thu mua, nên người dân không mặn mà. Hiện giá keo nguyên liệu trên thị trường 1,3 triệu đồng/tấn, trong khi năm ngoái giá keo khá cao 1,6 triệu đồng/tấn.
Ông Nguyễn Tấn Nghiệp - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hiệp Đức cho biết, toàn huyện có khoảng 1.820ha keo bị thiệt hại ở khắp các xã trên địa bàn. Thời gian qua, phòng đã phối hợp với UBND các xã và Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện tiến hành kiểm tra thực tế trên các cánh rừng keo và xác định cây keo chết do do nấm Ceratocytis manginecans gây nên.
"Sắp tới, Phòng NN&PTNT huyện tiếp tục phối hợp với chính quyền cơ sở và ngành liên quan tiếp tục tuyên truyền, tập huấn cho người dân các thôn; thường xuyên nắm bắt tình hình phát triển của bệnh để có giải pháp xử lý đạt hiệu quả" - ông Nghiệp cho hay.
[VIDEO] - Keo giâm hom ở huyện Hiệp Đức chết hàng loạt do nhiễm nấm: