Hỗ trợ sinh kế cho người dân vùng đệm rừng đặc dụng và phòng hộ: Thiếu nguồn lực triển khai

ĐĂNG NGUYÊN 31/03/2023 09:06

Sau gần một năm kể từ khi UBND tỉnh ban hành các quyết định về chương trình sinh kế cho người dân lưu vực hồ thủy điện, vùng đệm các khu rừng đặc dụng và rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh, việc triển khai vẫn đang dừng lại ở mức xác định nhu cầu.

Thiếu vốn, việc triển khai mô hình sinh kế hỗ trợ người dân vùng đệm còn khá nhỏ lẻ, chưa đáp ứng nhu cầu cuộc sống. Ảnh: Đ.N
Thiếu vốn, việc triển khai mô hình sinh kế hỗ trợ người dân vùng đệm còn khá nhỏ lẻ, chưa đáp ứng nhu cầu cuộc sống. Ảnh: Đ.N

Chia sẻ về thông tin này, tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ NN&PTNT mới đây, ông Trần Văn Thu - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, tháng 4/2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 978 về Chương trình sinh kế cho người dân lưu vực các hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, trong đó mục tiêu năm 2022 hoàn thành tối thiểu một mô hình phát triển sinh kế cho người dân lưu vực hồ chứa thủy điện trên địa bàn tỉnh.

Tháng 6/2022, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Quyết định số 1558 về Chương trình đầu tư, phát triển vùng đệm tại các khu rừng đặc dụng và sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp tại cộng đồng giáp các khu rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.

Theo đó, mục tiêu trong năm 2022 mỗi địa phương, ban quản lý rừng xây dựng và triển khai tối thiểu một mô hình, dự án phát triển sinh kế cho mỗi xã tại vùng đệm các khu rừng đặc dụng, phòng hộ trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên đến nay, các đơn vị chủ rừng, địa phương vẫn đang dừng lại ở mức xác định nhu cầu mô hình sinh kế tại địa phương và đang triển khai xây dựng các hoạt động, dự toán chi tiết để triển khai thời gian tới. Một số địa phương, đơn vị có triển khai nhưng còn khá nhỏ lẻ, chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, theo ông Thu, ngoài thiếu nguồn kinh phí để xây dựng và thực hiện các mô hình đầu tư, việc phối hợp giữa các ban quản lý rừng phòng hộ với các công ty thủy điện trong việc khảo sát, đầu tư xây dựng mô hình tại các lưu vực thủy điện chưa được quan tâm. Ngoài ra, chưa có chính sách đầu tư cho vùng đệm các khu rừng đặc dụng để hỗ trợ người dân, cộng đồng đảm bảo đầu tư phát triển sinh kế ổn định, lâu dài.

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ NN&PTNT, Quảng Nam đề nghị Trung ương bổ sung nguồn kinh phí giúp bố trí xây dựng và thực hiện các mô hình nhằm thúc đẩy triển khai chương trình.

Đồng thời tăng nguồn cho vùng đệm các khu rừng đặc dụng để hỗ trợ người dân, cộng đồng đảm bảo đầu tư phát triển sinh kế ổn định, lâu dài; tổ chức hội nghị cấp quốc gia về phát triển sinh kế gắn với quản lý bảo vệ rừng để học hỏi kinh nghiệm và đề xuất giải pháp hiệu quả thời gian tới.

ĐĂNG NGUYÊN