Trồng rừng gỗ lớn ở miền núi: Nhìn từ Nam Giang

ALĂNG NGƯỚC 17/03/2023 09:37

Năm 2022, Nam Giang cơ bản vượt chỉ tiêu giao về trồng rừng gỗ lớn theo kế hoạch. Điều đó cho thấy, ngoài yếu tố thuận lợi về điều kiện tự nhiên và đất trồng, ở miền núi cần thêm sự vào cuộc từ cơ quan chức năng, nhất là công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận và hưởng ứng từ người dân.

Để nâng diện tích trồng rừng hiệu quả, công tác vận động, tuyên truyền người dân cần được chú trọng hơn. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Để nâng diện tích trồng rừng hiệu quả, công tác vận động, tuyên truyền người dân cần được chú trọng hơn. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Linh hoạt cách làm

Xác định trồng rừng gỗ lớn là mục tiêu chiến lược phát triển lâm nghiệp miền núi, những năm qua, Nam Giang triển khai linh hoạt nhiều dự án trồng rừng, trong đó chú trọng trồng rừng gỗ lớn. Để công tác phát triển rừng ngày càng hiệu quả cao, tháng 2/2022, UBND huyện Nam Giang ban hành kế hoạch hỗ trợ người dân trồng rừng gỗ lớn, đảm bảo theo chủ trương chung của tỉnh.

Ông Hồ Viết Căn - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nam Giang cho biết, năm 2022, ngoài cấp kinh phí hơn 4,5 tỷ đồng cho các xã, thị trấn (380 triệu đồng/xã), địa phương huy động nguồn vốn, lồng ghép triển khai hỗ trợ người dân trồng rừng gỗ lớn nhằm đa dạng mục tiêu và hiệu quả phát triển lâm nghiệp bền vững.

Qua đó, giúp nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Từ cách làm linh hoạt và triển khai đồng bộ, đến nay tổng diện tích trồng rừng gỗ lớn của Nam Giang đạt khoảng 669ha (trung bình 55,75ha/xã), vượt chỉ tiêu kế hoạch giao (276ha).

Theo ông Căn, Nam Giang chủ yếu trồng keo tại các vườn đồi theo lộ trình trồng rừng gỗ lớn. Bởi những năm qua, keo cho giá trị kinh tế cao, lại dễ chăm sóc, khi đưa vào diện trồng rừng gỗ lớn sẽ giúp người dân nâng hiệu quả kinh tế một cách rõ nét.

“Cùng với hỗ trợ kinh phí cho các địa phương, chúng tôi tập trung triển khai lập hồ sơ thiết kế trồng rừng gỗ lớn theo Quyết định số 14 của UBND tỉnh, thuộc dự án bảo vệ và phát triển triển rừng, với tổng diện tích thực hiện 12ha.

Đồng thời hỗ trợ cấp cây ươi giống để người dân trồng cây phân tán với mục đích mở rộng vùng phân bố, số lượng cây ươi và tăng độ che phủ rừng địa bàn bàn huyện với tổng diện tích khoảng 13,3ha” - ông Căn cho biết thêm.

Nam Giang gắn diện tích trồng rừng gỗ lớn với cây bản địa, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Nam Giang gắn diện tích trồng rừng gỗ lớn với cây bản địa, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Ngoài ra, từ nguồn kinh phí lồng ghép các chương trình, chính sách kết hợp nguồn lực tại chỗ, năm 2022 Nam Giang trồng được gần 2 triệu cây xanh (chỉ tiêu đặt ra chỉ có 741 nghìn cây), trong đó trồng phân tán gần 900 nghìn cây và trồng tập trung hơn 1 triệu cây.

Để người dân hưởng ứng

Ông Nguyễn Đăng Chương - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho rằng, bên cạnh hỗ trợ chính sách về cây giống của chính quyền địa phương, chính sự hưởng ứng tích cực từ người dân thời gian qua đã giúp công tác phát triển lâm nghiệp, đặc biệt là trồng rừng gỗ lớn tại Nam Giang đem lại hiệu quả đáng khích lệ. Bằng nhiều cơ chế chính sách gợi mở, địa phương tạo điều kiện khuyến khích người dân “vào cuộc” trồng rừng, bảo vệ rừng gắn với mô hình sinh kế dưới tán rừng.

Từ hiệu quả bước đầu khả quan, Nam Giang đặt mục tiêu trồng rừng năm 2023 cao hơn các năm trước, trong đó đề xuất trồng tập trung rừng nguyên liệu, bao gồm giổi và một số cây bản địa có giá trị kinh tế cao.

“Song hành với mục tiêu trồng rừng gỗ lớn, chúng tôi hướng đến hoạt động nâng cao sinh kế, tạo thu nhập ổn định cho người dân sinh sống dựa vào rừng. Đồng thời xây dựng chiến lược thu hút doanh nghiệp đầu tư trồng rừng, khai thác hiệu quả kinh tế từ rừng theo mục tiêu kép, đảm bảo tính khả thi phát triển rừng gắn với bảo vệ rừng trong cộng đồng dân cư miền núi” - ông Chương nói.

Những năm gần đây, kế hoạch trồng rừng gỗ lớn được chính quyền, người dân miền núi triển khai. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, cũng như hiệu quả bước đầu, nhiều địa phương đang vấp phải rào cản chưa thể giải quyết, tháo gỡ. Theo đó, ngoài khó khăn về kinh phí, còn có tình trạng thiếu đất trồng rừng hoặc không đủ diện tích đất để quy hoạch trồng rừng thay thế.

Vì thế, có địa phương đến nay vẫn chưa thể triển khai chủ trương trồng rừng gỗ lớn theo kế hoạch tỉnh giao. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về trồng rừng gỗ lớn chưa đem lại hiệu quả tối ưu khiến sự hưởng ứng từ cộng đồng chưa cao, chưa bền vững.

ALĂNG NGƯỚC