Mời gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển kinh tế rừng
Cùng với phát huy vai trò quản lý, tăng cường công tác bảo vệ rừng, Quảng Nam cần xây dựng cơ chế chính sách phù hợp, tạo hướng mở thu hút doanh nghiệp vào đầu tư phát triển, giúp nâng cao chuỗi giá trị nông - lâm sản từ rừng. Đó là một trong các nội dung chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Quốc Trị tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Thúc đẩy phát triển lâm nghiệp
Báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho thấy, thời gian qua, cùng với Trung ương, Quảng Nam ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển lâm nghiệp bền vững, tạo việc làm và ổn định cuộc sống cho người dân sống dựa vào rừng.
Năm 2022, giá trị sản xuất lâm nghiệp của tỉnh ước đạt 1.731 tỷ đồng, tăng 5,5% so với năm 2021. Quảng Nam thành lập các ban quản lý rừng phòng hộ cấp huyện theo ranh giới hành chính của huyện, giúp nâng cao công tác bảo vệ và phát triển rừng, tránh sự chồng chéo trong quản lý như trước đây.
Hiện Quảng Nam có diện tích rừng tự nhiên khoảng 463.530ha, với độ che phủ hơn 58,7% vào năm 2022. Từ diện tích trồng rừng hằng năm giúp tăng độ che phủ rừng, hình thành nguồn cung ứng nguyên liệu rừng trồng cho thị trường.
Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giúp Quảng Nam có nguồn lực và điều kiện để tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, giữ ổn định diện tích rừng tự nhiên hiện có, phục hồi và nâng cao chất lượng rừng; gia tăng giá trị kinh tế rừng và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ông Trần Văn Thu - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, bên cạnh những mặt thuận lợi, công tác quản lý, bảo vệ rừng của địa phương còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Cụ thể, diện tích đất có rừng nằm ngoài quy hoạch lâm nghiệp khá lớn; trong đó có cả diện tích đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chủ yếu là rừng phục hồi sau nương rẫy không ổn định dẫn tới nhiều bất cập trong công tác quản lý rừng và quản lý đất đai.
Trong khi đó, suất đầu tư hỗ trợ từ nguồn ngân sách trung ương cho trồng rừng phòng hộ (30 triệu đồng/ha) còn thấp so với thực tế, vì vậy công tác trồng rừng phòng hộ trong thời gian qua của tỉnh đạt tỷ lệ rất thấp. Ngoài ra, diện tích đất trống quy hoạch phòng hộ manh mún, nhỏ lẻ, xa khu dân cư nên khó khăn trong việc triển khai trồng rừng.
Riêng đối với lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của chủ rừng, theo ông Thu, mặc dù ngày càng được tăng cường về số lượng nhưng phần lớn người được hợp đồng là người đồng bào dân tộc thiểu số, chưa được đào tạo, tập huấn về kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ bảo vệ rừng. Khi lực lượng này để xảy ra vi phạm trong diện tích được giao quản lý thì chưa có quy định, chế tài ràng buộc để xử lý trách nhiệm…
“Thời gian trồng rừng gỗ lớn dài, cộng thêm áp lực về nhu cầu kinh tế, nhất là rủi ro về thiên tai do chưa có bảo hiểm rừng trồng, thị trường không ổn định; sống ở miền núi khó khăn, thiếu vốn nên nhiều hộ gia đình chưa mạnh dạn trồng rừng gỗ lớn và chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn” - ông Thu nói.
Nâng giá trị kinh tế từ rừng
Để nâng cao hơn nữa công tác quản lý rừng, Quảng Nam đề xuất cần hỗ trợ nguồn kinh phí đầu tư phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy rừng; cho phép chuyển từ hình thức giao khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư sang hình thức chủ rừng tự bảo vệ để hợp đồng với lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng gắn với chính sách hỗ trợ bảo vệ rừng phòng hộ, đặc dụng để đảm bảo nguồn kinh phí chi trả cho lực lượng này.
Đồng thời tỉnh kiến nghị chủ trương quy định mức và nguồn kinh phí sử dụng lập hồ sơ thiết kế ban đầu đối với hạng mục hỗ trợ trồng rừng phòng hộ, hỗ trợ trồng rừng sản xuất bằng cây lấy gỗ, lâm sản ngoài gỗ; tăng nguồn đầu tư cho vùng đệm các khu rừng đặc dụng để hỗ trợ người dân, cộng đồng đảm bảo đầu tư phát triển sinh kế ổn định, lâu dài...
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Quốc Trị, những năm qua, hoạt động lâm nghiệp của Quảng Nam đã có nhiều khởi sắc từ bảo vệ rừng, trồng rừng cho đến khai thác các tiềm năng của rừng.
Bằng rất nhiều nghị quyết được ban hành, khẳng định Quảng Nam đặc biệt quan tâm đến công tác quản lý, bảo vệ rừng, nhất là trong hoạt động nâng cao giá trị khai thác kinh tế từ rừng một cách bền vững.
Theo ông Trị, tất cả chủ trương, chính sách được triển khai đều phải dựa trên quy định của pháp luật nhưng không cứng nhắc. Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục ủng hộ cũng như hỗ trợ Quảng Nam trong công tác điều hành, xây dựng cơ chế nhằm tạo thuận lợi, giúp triển khai các chính sách phù hợp và hiệu quả.
Đồng thời Quảng Nam cần đăng ký nhãn hiệu, tạo vùng sản xuất và ứng dụng công nghệ cao cho các sản phẩm OCOP, giúp món hàng này trở thành sản phẩm đặc hữu mang lại giá trị kinh tế cao trong tương lai.
“Tôi đề nghị tỉnh phát huy hơn nữa hiệu quả quỹ bảo vệ phát triển rừng. Thời gian tới, cần phân định rõ ràng các trường hợp cho thuê dịch vụ môi trường rừng. Đồng thời sớm công bố hiện trạng rừng, triển khai ứng dụng công nghệ trong công tác kiểm kê, giúp nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Quảng Nam có diện tích rừng khá lớn nhưng thực tế hiệu quả mang lại cho người dân từ giá trị kinh tế rừng vẫn chưa cao, đặc biệt đối với cây keo. Trong khi đó, Quảng Nam có điều kiện thuận lợi về giao thông, cảng biển để hình thành khu chế biến công nghệ cao. Muốn làm được như vậy thì tỉnh cần phải có cơ chế chính sách, tạo điều kiện mở để mời gọi, thu hút doanh nghiệp vào đầu tư phát triển” - Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị nói.