Nâng thu nhập cho người trực tiếp bảo vệ rừng
Sở NN&PTNT đang dự thảo đề án quy định mức chi hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ rừng (BVR) tự nhiên trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025, nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong triển khai thực hiện Nghị quyết 38 của HĐND tỉnh về quy định mức chi hỗ trợ công tác quản lý, BVR tự nhiên trong các lưu vực thủy điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022 - 2025, sau một năm đi vào thực tế.
Với mục tiêu hỗ trợ kinh phí quản lý BVR tự nhiên trên địa bàn tỉnh nhằm bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên hiện có, nâng cao chất lượng rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm thiểu tác động của con người vào rừng tự nhiên... đề án này sau khi được HĐND tỉnh thông qua và ban hành nghị quyết mới sẽ thay thế Nghị quyết 38, giúp nâng cao hiệu quả BVR, giải quyết việc làm cho lao động miền núi, góp phần xóa đói giảm nghèo, giữ vững quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.
Nhiều vướng mắc
Ngày 8/12/2021, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 38 quy định mức chi hỗ trợ công tác quản lý BVR tự nhiên trong các lưu vực thủy điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022 - 2025. Nghị quyết này quy định hỗ trợ BVR từ ngân sách tỉnh để đạt mức 500 nghìn đồng/ha/năm đối với hình thức chủ rừng hợp đồng lực lượng chuyên trách BVR.
Theo đề án mới, sau khi đã trừ tất cả nguồn trích nộp mà người lao động phải đóng theo quy định mức, chi lương cho hợp đồng BVR tối thiểu thực nhận 5,5 triệu đồng/người/tháng; hỗ trợ xăng xe 300 nghìn đồng/người/tháng; hỗ trợ bảo hộ lao động trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng 1,5 triệu đồng/người/năm. Ngoài ra, tiền ăn uống (hậu cần) trong thời gian đi tuần tra của hợp đồng BVR, với mức 100 nghìn đồng/người/ngày theo số ngày thực tế tuần tra nhưng không quá 15 ngày/tháng; tổng kinh phí hỗ trợ thực hiện quản lý BVR tự nhiên trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025 dự kiến hơn 165 tỷ đồng…
Qua thời gian triển khai, công tác quản lý, điều hành mặc dù có nhiều chuyển biến tích cực, song qua đánh giá thực tế vẫn gặp phải một số vướng mắc trong hỗ trợ, lập kế hoạch, thanh quyết toán và đặc biệt ảnh hưởng đến quyền lợi của người trực tiếp làm nhiệm vụ BVR.
Với mức lương thực nhận và hỗ trợ công tác tuần tra BVR còn thấp (khoảng 4 triệu đồng/người), điều này chưa đáp ứng nhu cầu của người lao động nên nhiều hợp đồng BVR bỏ việc giữa chừng, các chủ rừng tuyển mới phải đào tạo lại gây lãng phí về kinh phí và thời gian.
Một số đơn vị không giải ngân kinh phí 20% cho cộng đồng dân cư thôn do cộng đồng không lập được thủ tục thanh quyết toán, phần lớn phụ thuộc vào đơn giá dịch vụ môi trường rừng vào cuối năm; phạm vi điều chỉnh của nghị quyết chỉ áp dụng đối với diện tích trong lưu vực thủy điện nên không khuyến khích được người dân tham gia BVR đối với diện tích không thuộc lưu vực chi trả dịch vụ môi trường rừng do mức hỗ trợ quá thấp. Thực trạng này đã tạo ra sự chênh lệch giữa các thành phần tham gia bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh.
Ông Hà Phước Phú - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, năm 2022, kế hoạch triển khai thực hiện quản lý BVR theo Nghị quyết 38 hơn 328.953ha, với tổng kính phí hơn 69 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, các địa phương, đơn vị không sử dụng kinh phí hỗ trợ này vì đơn giá chi trả dịch vụ môi trường rừng tại các lưu vực tăng vượt mức 500 nghìn đồng/ha/năm so với kế hoạch ban đầu.
Để thực hiện công tác quản lý BVR, thời gian qua, các địa phương, đơn vị chỉ sử dụng kinh phí từ nguồn dịch vụ môi trường rừng để chi cho hợp đồng BVR; trong năm 2022, một số đơn vị có đơn giá dịch vụ môi trường rừng thấp (đơn giá kế hoạch chưa điều tiết từ các lưu vực có đơn giá cao), không đảm bảo được kinh phí nên nhiều thời điểm trong năm chậm chi trả lương cho hợp đồng BVR.
“So với giai đoạn trước, Nghị quyết 38 mặc dù khắc phục được hạn chế trong công tác BVR nhưng đơn giá bảo vệ rừng cũng chỉ ở mức 500 nghìn đồng/ha/năm; mức lương hợp đồng BVR so với mặt bằng chung khoảng 4 triệu đồng/người/tháng.
Đơn giá và mức lương này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đối với công việc đặc thù thường xuyên đi tuần tra trong rừng, qua đó hiệu quả trong công tác quản lý BVR bị tác động mạnh, cần xem xét điều chỉnh phù hợp với yêu cầu thực tế” - ông Phú nói.
Nâng chất lượng Bảo vệ rừng
Để toàn bộ diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh được tổ chức bảo vệ thường xuyên, liên tục và đạt hiệu quả cao trong giai đoạn tiếp theo, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, Chi cục Kiểm lâm tỉnh tham mưu Sở NN&PTNT xây dựng dự thảo đề án quy định mức chi hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025. Với nhiều nội dung được bổ sung, điều chỉnh, đề án được kỳ vọng sẽ khắc phục được những hạn chế còn tồn tại trong công tác quản lý, điều hành BVR thời gian qua.
Trên cơ sở nâng cao giải pháp tổ chức quản lý BVR phù hợp với từng địa phương để bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên hiện có, đề án hướng đến nhiệm vụ quan trọng là ngăn chặn tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật.
Đồng thời đặt mục tiêu nâng cao chất lượng rừng và bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần tích cực giải quyết việc làm cho lao động miền núi, gắn với tăng cường an ninh chính trị, trật tự xã hội tại địa phương.
Theo ông Hà Phước Phú, đề án nhằm hỗ trợ công tác bảo vệ rừng đối với toàn bộ diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh (bao gồm diện tích rừng tự nhiên nằm trong lưu vực thủy điện và diện tích rừng tự nhiên ngoài lưu vực thủy điện) được chủ rừng tổ chức quản lý BVR; nâng mức khoán BVR nhưng có đơn giá BVR từ dưới 700 nghìn đồng/ha/năm đạt mức 700 nghìn đồng/ha/năm để triển khai thực hiện theo hình thức hợp đồng BVR.
“Toàn bộ diện tích rừng tự nhiên có sử dụng kinh phí từ nguồn hỗ trợ của tỉnh đều tổ chức BVR theo hình thức hợp đồng BVR. Trường hợp những diện tích thực hiện theo hình thức giao khoán BVR cho cộng đồng, nhóm hộ từ các nguồn đã có thì tổ chức song song 2 mô hình hợp đồng BVR từ nguồn ngân sách tỉnh và khoán BVR theo nguồn đã có từ các chương trình, dự án nhằm tạo nguồn thu cho cộng đồng được nhận khoán và vừa tổ chức BVR được hiệu quả” - ông Phú nói.