Liên kết sản xuất, chế biến dược liệu

PHÚ THIỆN 31/01/2023 06:43

Sau thời gian triển khai xây dựng, huyện Nam Trà My đã đưa vào vận hành nhà máy chế biến nông sản và dược liệu quy mô lớn đầu tiên trên địa bàn huyện, hứa hẹn thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp đầy tiềm năng này của địa phương.

Nhà máy sản xuất, chế biến nông sản và dược liệu vừa được đưa vào vận hành. Ảnh: P.T
Nhà máy sản xuất, chế biến nông sản và dược liệu vừa được đưa vào vận hành. Ảnh: P.T

Nhà máy chế biến nông sản và dược liệu do Công ty CP Nông sản và Dược liệu Trà My đầu tư, quản lý. Tính đến cuối năm 2022, nhà máy đã hoàn thiện theo quy hoạch và đi vào hoạt động sản xuất rượu Đẳng Hồng Sâm, sản xuất măng nứa sấy khô, sâm Ngọc Linh ngâm mật và một số sản phẩm khác.

Ông Hoàng Đông Anh - Tổng Giám đốc Công ty CP Nông sản và Dược liệu Trà My cho biết, thời gian tới công ty tiếp tục thu mua nông sản, dược liệu hiện có tại địa phương để sơ chế, tinh chế, chiết xuất theo tiêu chuẩn GMP (tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt), tạo ra các dòng sản phẩm từ cao dược liệu, thực phẩm chăm sóc sức khỏe, thực phẩm chức năng…

“Chúng tôi sẽ triển khai hệ thống kiểm định chất lượng sản phẩm, xác nhận nguồn gốc sâm Ngọc Linh; nghiên cứu, sản xuất và buôn bán các loại chế phẩm sinh học để xử lý giá thể trồng sâm, cây dược liệu và các loại cây khác. Bên cạnh đó, công ty đã hoàn thiện hạ tầng và trồng hơn 20 nghìn gốc sâm Ngọc Linh, 10 nghìn cây giống lan kim tuyến để phục vụ sản xuất” - ông Anh nói.

Theo ông Hoàng Đông Anh, vì nhiều yếu tố nên sự tiếp cận trực tiếp của doanh nghiệp với người trồng còn hạn chế, do đó cần có đầu mối để tăng hiệu quả cho hoạt động của doanh nghiệp, đồng thời nâng cao kiến thức, thu nhập cho người dân.

Ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My thông tin, để ngành sản xuất, chế biến dược liệu phát triển đúng hướng, xứng tầm, thời gian qua huyện đã tạo điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp vào nghiên cứu, đầu tư phát triển sản xuất và hỗ trợ địa phương về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây dược liệu.

Nhiều địa phương như Trà Nam, Trà Linh có diện tích đất trồng rộng, tuy nhiên lượng dược liệu tương đối ít, người dân hiện nay trồng chủ yếu dựa vào kinh nghiệm nên năng suất chưa thực sự cao.

Huyện đang khảo sát xây dựng trung tâm giống dược liệu trên địa bàn huyện theo hình thức nhà nước liên kết với doanh nghiệp thực hiện. Do đó cần có sự nghiên cứu phương án sản xuất vùng trồng, vùng nguyên liệu, tính toán khối lượng sinh phẩm cần thiết, cân đối, phù hợp.

Ông Mẫn đề nghị, trước mắt doanh nghiệp giúp chia sẻ kinh nghiệm trồng, quy trình chăm sóc, tư vấn và hỗ trợ giống cho nhân dân, góp phần ổn định đầu vào, cam kết bao tiêu đầu ra.

Đồng thời ngành nông nghiệp và các địa phương của huyện là đầu mối, nghiên cứu quy hoạch vùng trồng phù hợp, vận động nhân dân mở rộng diện tích dược liệu, kết hợp xen canh; tham gia các lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức, tạo thành chuỗi liên kết ổn định, thống nhất và lâu dài.•

PHÚ THIỆN