Tiên Phước đưa măng cụt thành cây trồng chủ lực

NGUYỄN HƯNG 31/01/2023 06:36

Huyện Tiên Phước đưa ra nhiều giải pháp cụ thể hỗ trợ người dân đầu tư mở rộng diện tích, đưa măng cụt trở thành cây trồng chủ lực của địa phương.

Người dân huyện Tiên Phước tập trung đầu tư phát triển với quy mô lớn. Ảnh:N.HƯNG
Người dân huyện Tiên Phước tập trung đầu tư phát triển với quy mô lớn. Ảnh:N.HƯNG

Cây truyền thống

Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ quả măng cụt ngày càng lớn, giá cả năm sau có xu hướng cao hơn so với năm trước, nhiều chủ vườn trên địa bàn xã Tiên Mỹ đã tập trung phát triển loại cây ăn quả này.

Ông Nguyễn Đức Hùng ở thôn Trà Lai, xã Tiên Mỹ cho biết, ngoài 30 cây măng cụt có tuổi đời 40 - 70 năm tuổi ông bà trồng để lại, gia đình tiếp tục trồng thêm 25 cây măng cụt được khoảng 5 năm tuổi.

“Thời cha ông của tôi đã trồng măng cụt rồi, sau này thấy nó có giá trị kinh tế nên tôi tiếp tục mở rộng diện tích. Một cây măng cụt nếu được đầu tư chăm sóc tốt khoảng 6 - 7 năm bắt đầu ra quả.

Để măng cụt đạt chất lượng, tôi thường xuyên tham gia các lớp tập huấn do xã, huyện tổ chức, tìm hiểu thông tin trên báo đài, mua vật tư nông nghiệp dựa trên những hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Nhờ đó, vườn măng cụt của gia đình phát triển xanh tốt cho năng suất, chất lượng khá cao được thương lái ưa chuộng” - ông Hùng nói.

Xã Tiên Mỹ là địa phương có diện tích trồng cây măng cụt lớn nhất huyện Tiên Phước. Trước đây, người dân trồng măng cụt chủ yếu lấy quả ăn cho vui và lấy vỏ bán cho các tiệm thuốc y học cổ truyền dùng làm thuốc chữa một số bệnh lý thường gặp. Khoảng 10 năm gần đây, thấy thị trường ưa chuộng quả măng cụt nên người dân trên địa bàn xã tập trung đầu tư phát triển loại cây này với quy mô diện tích khá lớn.

Ông Võ Kim Chung - Chủ tịch UBND xã Tiên Mỹ cho biết, ở địa phương hầu như nhà nào cũng trồng vài ba cây măng cụt trong vườn, nhiều khu vườn có cây măng cụt đã 100 năm tuổi, như vườn ông Phạm Văn Lục, Đồng Thanh Cường (cùng thôn Mỹ Thượng Tây), ông Nguyễn Đức Hùng, ông Tăng Ngọc Chánh (cùng thôn Trà Lai)…

Tiên Phước định hướng người dân phát triển cây măng cụt. Ảnh:N.HƯNG
Tiên Phước định hướng người dân phát triển cây măng cụt. Ảnh:N.HƯNG

Theo thống kê, trước năm 2018 toàn xã Tiên Mỹ chỉ có 27ha măng cụt, đến nay đã phát triển lên gần 100ha. Xã phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp huyện thường xuyên tổ chức tập huấn hướng dẫn nông dân về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây măng cụt. Đồng thời tham gia các hội chợ, khu trưng bày để quảng bá giới thiệu sản phẩm măng cụt đến người tiêu dùng, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.

Ông Chung nói: “Địa phương tranh thủ các chương trình, dự án, đề án của cấp trên để hỗ trợ người dân đầu tư phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, trong đó tập trung mở rộng diện tích trồng măng cụt. Hiện, chúng tôi đã quy hoạch tập trung đầu tư hỗ trợ thôn Tiên Phú Đông trở thành khu trồng măng cụt tập trung với quy mô lớn nhất xã”.

Cây trồng chủ lực

Ông Nguyễn Hùng Anh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết, đến nay toàn huyện có tổng diện tích vườn 6.329ha, trồng nhiều loại cây như tiêu Tiên Phước, sầu riêng, măng cụt, lòn bon, cau... Giá trị kinh tế vườn tăng bình quân 60 triệu/ha (năm 2015) lên hơn 120 triệu/ha (năm 2021).

Đối với cây măng cụt, năm 2021 người dân trên địa bàn huyện trồng mới 280ha, nâng tổng diện tích cây măng cụt toàn huyện lên 500ha, trong đó có 68ha đang trong thời kỳ cho thu hoạch. Tính trung bình, mỗi mùa, 1ha măng cụt cho sản lượng 5 - 10 tấn. Giá bán măng cụt khá cao, dao động từ 90 - 120 nghìn đồng/kg.

Năm 2020, doanh thu măng cụt toàn huyện khoảng 30 tỷ đồng. Năm 2021 sản phẩm trái măng cụt đã được công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh. Giai đoạn 2021 - 2030, huyện tiếp tục hỗ trợ nhân dân phát triển khoảng 1.000ha cây măng cụt cho quả, với sản lượng khoảng 2.000 tấn.

“Phát triển cây măng cụt với quy mô tập trung, diện tích lớn có thể khai thác được các lợi thế về điều kiện tự nhiên. Từ đó, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người nông dân và từng bước đưa cây măng cụt trở thành sản phẩm nông nghiệp lợi thế của huyện.

Thời gian tới, Tiên Phước tiếp tục hỗ trợ người dân chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang phát triển cây măng cụt, từ đó hình thành vùng sản xuất tập trung gắn với liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Đồng thời chỉ đạo các ngành liên quan mở các lớp tập huấn chuyển giao về kỹ thuật trồng, chăm sóc, phát triển cây măng cụt, đưa măng cụt trở thành cây trồng chủ lực của huyện trong tương lại gần” - ông Anh nói.

NGUYỄN HƯNG