Nhiều diện tích cây keo lá tràm chết hàng loạt
Trên địa bàn huyện Hiệp Đức, nhiều diện tích cây keo lá tràm chết héo hàng loạt, những người trồng rừng đang đứng trước nguy cơ mất trắng.
Theo ông Thái Lựu ở xã Hiệp Thuận, năm 2020, ảnh hưởng của cơn bão, toàn bộ rừng bị ngã, không thu hoạch được gì ngoài lấy củi. Sau đó người trồng rừng tiếp tục trồng lại, cây keo giờ được 2 tuổi, bỗng dưng vàng lá, chết hàng loạt. Đầu tiên cây có biểu hiện là ở phần ngọn cây bị khô, lá vàng, sau khoảng vài tuần cây chết, lan rất nhanh, không thể cứu vãn.
Còn bà Thanh ở xã Thăng Phước cho biết: “Phần gỗ ở vị trí vết bệnh bị biến màu, gỗ chuyển sang màu nâu đen hoặc màu xanh đen. Khi vỏ cây và gỗ bị chuyển màu, tán lá bắt đầu héo. Sau một thời gian, lá bị khô, rụng và cây chết, ước tính mỗi gia đình thiệt hại hàng trăm triệu đồng, bởi do giá cây, phân bón, công lao động tăng cao”.
Theo các hộ trồng keo ở Hiệp Đức, chưa bao giờ xảy ra tình trạng keo chết hàng loạt như hiện nay. Trong khi đó, cây keo còn non nên không thể bán gỗ nguyên liệu, chỉ còn cách chặt đốt, trồng lứa mới. Cách đây 2 năm cây keo bị gãy đổ do bão, nay thì bị bệnh, nông dân điêu đứng.
Ngay sau khi phát hiện hiện tượng cây keo chết hàng loạt do nấm bệnh, chính quyền địa phương báo cáo với các ngành chức năng liên quan. Sau quá trình kiểm tra thực tế, các chuyên gia xác định, bệnh do nhiều loại nấm gây hại.
Nguyên nhân ban đầu được xác định là do thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra các đợt mưa lớn, từ các điểm tổn thương trên cây keo, nấm đã xâm nhập gây hại và lan rộng.
Thêm vào đó, nguồn gốc nấm bệnh cũng được xác định bắt đầu từ những diện tích rừng lâu năm, trong quá trình khai thác, trồng lại nhiều chu kỳ khiến cho mầm bệnh lưu trú, khi gặp điều kiện thời tiết thuận lợi là nấm phát triển nhanh, gây hại trên cây non và đặc biệt là vấn đề về chọn cây giống.
Theo các chuyên gia, biện pháp trước mắt, bà con áp dụng biện pháp chăm sóc, chặt tỉa những cành nhỏ để rừng cây thông thoáng hoặc phun các loại thuốc có hoạt chất như: Hexaconazole, Posetyl Aluminium.
Tuy chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng mỗi hộ trồng có thể xử lý trên diện tích trồng keo của gia đình; nếu tỷ lệ cây bị bệnh bình quân của lô rừng dưới 15% thì tiến hành chặt, mang ra khỏi rừng và đốt tiêu hủy; giữ lại các cây chưa có triệu chứng bị bệnh. Tuyệt đối không tận thu các cây bị bệnh nhiễm bệnh, không vận chuyển sang nơi khác.
Với diện tích nhiễm bệnh lớn, bà con cần áp dụng các biện pháp thủ công để khoanh vùng, dập dịch ngăn không cho bệnh nấm phấn trắng lây lan; thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình bệnh hại cây rừng.
Đối với diện tích keo trồng mới, bà con cần lựa chọn cây giống tốt, có khả năng chống chọi với các loại bệnh; theo dõi thường xuyên để phát hiện bệnh sớm, khi thấy cây xuất hiện mầm bệnh, cần tiến hành cắt bỏ, tiêu hủy cành, lá bị bệnh… và phun hóa chất diệt trừ nấm.
Về lâu dài, hạn chế trồng keo ở nơi có lượng mưa bình quân trên 2.400 mm/năm. Ở nơi đã xuất hiện bệnh, cần xử lý thực bì và làm đất theo khuyến cáo của Bộ NN&PTNT nhằm loại bỏ hoặc diệt trừ mầm bệnh.
Nên trồng hỗn giao theo lô, các lô cạnh nhau cần trồng giống cây hoặc loài cây khác nhau. Cần luân canh loài cây, giống cây giữa các chu kỳ, đặc biệt từ chu kỳ thứ 2 trở đi; chọn lựa giống tốt, kháng bệnh vàng lá.