Bảo vệ rừng ở huyện Thăng Bình: Xác định vùng trọng điểm
Ngành chức năng huyện Thăng Bình khoanh vùng “chuyển hóa địa bàn phá rừng trọng điểm” nhằm chủ động xử lý dứt điểm những vướng mắc về đất rừng, từng bước phát triển lâm sản bền vững, giảm sức ép phá rừng tự nhiên.
Ông Nguyễn Trường Hải - Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Trung Quảng Nam cho biết, toàn huyện Thăng Bình có hơn 9,3 nghìn héc ta đất có rừng; trong đó rừng tự nhiên hơn 808ha, rừng trồng đã thành rừng hơn 7,5 nghìn héc ta và rừng mới hơn 946ha.
Rừng tự nhiên tập trung chủ yếu ở 3 xã Bình Trị, Bình Phú và Bình Lãnh. Huyện đăng ký trồng 50ha rừng gỗ lớn tại các xã vùng Tây theo Chương trình “Trồng 1 tỷ cây xanh” (Chỉ thị số 45 của Thủ tướng Chính phủ).
Để tăng cường công tác bảo vệ rừng, Thăng Bình đã xây kế hoạch và triển khai chuyển hóa địa bàn phức tạp vi phạm pháp luật về lâm nghiệp trên địa bàn.
Cụ thể, trong hai năm (2021 - 2022), toàn huyện có 2 thôn (Cao Ngạn, Sơn Cẩm Nga - xã Bình Lãnh), tiểu khu 484 (xã Bình Trị) và 6 xã vùng Đông (Bình Dương, Bình Minh, Bình Hải, Bình Sa, Bình Trung, Bình Nam) nằm trong kế hoạch chuyển hóa địa bàn trọng điểm.
Ông Hải cho biết thêm, đây là những địa bàn thường xuyên xảy ra các hành vi khai thác lâm sản trái phép, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật và tình trạng đơn thư kiến nghị trong lĩnh vực lâm nghiệp.
Để ngăn chặn tình trạng trên, Hạt Kiểm lâm Trung Quảng Nam và chính quyền các xã đã tăng cường công tác quản lý địa bàn, đồng thời tổ chức nhiều biện pháp tuyên truyền nâng cao ý thức người dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng.
Năm 2022, đơn vị đã phối hợp tổ chức 90 đợt tuyên truyền lưu động, 360 lượt tuyên truyền trên hệ thống phát thanh về công tác phòng cháy chữa cháy rừng, tổ chức 2 buổi họp với 71 hộ dân thôn Cao Ngạn và Sơn Cẩm Nga vận động tham gia ký cam kết về bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng.
Riêng xã Bình Lãnh có 3 đơn kiến nghị của công dân liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp, đã được ngành chức năng thụ lý, điều tra, xác minh giải quyết kịp thời.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình Nguyễn Văn Húy cho rằng việc khoanh vùng, chuyển hóa địa bàn phá rừng trọng điểm sẽ giúp các địa phương có phương án chủ động xử lý dứt điểm những vướng mắc về đất rừng.
Ngành kiểm lâm phối hợp với các ngành chức năng huyện tiếp tục rà soát, xác định các “điểm nóng” xảy ra vi phạm lâm luật để xử lý triệt để. Nhưng mấu chốt là cần giải quyết sinh kế của người dân sống gần rừng để giảm áp lực lên rừng.
“Việc tiếp tục xác định địa bàn chuyển hóa, các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm cùng với đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân chủ động, tích cực tham gia tốt vào công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Thăng Bình sẽ giúp xử lý dứt điểm những vướng mắc liên quan đến rừng, đất rừng” - ông Nguyễn Văn Húy nói.