Xây dựng nền tảng sinh kế bền vững từ rừng

ALĂNG NGƯỚC 13/12/2022 06:29

Sau 2 năm triển khai, Dự án Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tài trợ đã và đang xây dựng nền tảng sinh kế bền vững từ rừng cho người dân, hướng đến thúc đẩy sản xuất kinh doanh thân thiện với bảo tồn tại các cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng.

Đại diện Dự án VFBC ký kết thỏa thuận hợp tác với các đơn vị doanh nghiệp trong vùng triển khai dự án. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Đại diện Dự án VFBC ký kết thỏa thuận hợp tác với các đơn vị doanh nghiệp trong vùng triển khai dự án. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Nhu cầu tăng trưởng xanh

Quảng Nam có diện tích rừng tự nhiên lớn đứng thứ 2 cả nước, được đánh giá có nhiều tiềm năng và lợi thế trong phát triển rừng tự nhiên, nhất là tạo cơ hội khai thác hiệu quả nguồn sinh kế cho người dân dưới tán rừng.

Từ những hưởng lợi tích cực này, thời gian qua, nhiều mô hình cộng đồng và doanh nghiệp tham gia quản lý, bảo vệ rừng được mở rộng, thúc đẩy nền kinh tế phát thải thấp và tăng trưởng xanh.

Giai đoạn 2020 - 2025, Dự án VFBC triển khai trên địa bàn 11 tỉnh và 3 vườn quốc gia với 2 hợp phần chính: quản lý rừng bền vững do DAI Global LLC thực hiện và bảo tồn đa dạng sinh học do WWF thực hiện. Tại Quảng Nam, dự án chọn lựa triển khai cả 2 hợp phần giúp cải thiện môi trường sinh thái, giảm phát thải khí nhà kính, tăng khả năng hấp thụ các bon trong rừng sản xuất và rừng trồng, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học ở những khu rừng tự nhiên. Theo kế hoạch, năm 2023, Quảng Nam sẽ triển khai thêm 144 hoạt động về lâm nghiệp với tổng kinh phí thực hiện hơn 1,3 triệu USD.

Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở NN&PTNT, Giám đốc Ban quản lý Dự án quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học (gọi tắt là VFBC) Quảng Nam cho biết, năm 2022, các dự án lâm nghiệp được triển khai rộng khắp với nhiều hoạt động mang tính liên kết hướng đến cộng đồng.

Sau thời gian triển khai, thông qua phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ, các hợp phần của Dự án VFBC đã mang đến “luồng sinh khí mới” giúp Quảng Nam chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải thấp và tăng trưởng xanh.

Ông Tích nói, những nỗ lực này dễ dàng nhìn thấy ở lĩnh vực sản xuất mây tre lá, dược liệu và cau theo hướng bền vững, có chứng chỉ rừng, tạo cơ hội thúc đẩy trồng rừng và sản xuất rừng gỗ lớn suốt thời gian qua...

“Trên cơ sở tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp và cộng đồng, chúng tôi kỳ vọng rất lớn vào sự thành công của dự án, đặc biệt là trong công tác bảo tồn, tuần tra, giám sát rừng và đa dạng sinh học.

Đồng thời mong đợi kết quả mới sẽ góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 15 của Tỉnh ủy Quảng Nam về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030” - ông Tích nói.

Để tăng cường hiệu quả đối với các dự án, ông Tích đề nghị tăng cường hỗ trợ nguồn lực và tổ chức tập huấn nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ rừng và bảo vệ động vật hoang dã cho cán bộ phụ trách công việc; thu hút sự đầu tư, tham gia của các bên trong phát triển bền vững các chuỗi giá trị sản xuất nhằm nâng cao đời sống cho người dân sống phụ thuộc vào rừng…

Huy động thêm nguồn lực

Ông Abraham Guillen - Giám đốc Hợp phần quản lý rừng bền vững (Dự án VFBC) cho hay, sự thành công của dự án thời gian qua không thể không nhắc đến vai trò huy động nguồn lực từ chính quyền các địa phương, đơn vị và cộng đồng doanh nghiệp.

Với quy mô hoạt động khá lớn, bao gồm cả 2 hợp phần được triển khai song song, các dự án của VFBC những năm tiếp theo hứa hẹn sẽ mang đến sự đa dạng trong cách thức triển khai, hướng đến mục tiêu góp phần hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng bền vững, cũng như tăng cường hệ thống thực thi pháp luật đối với các vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Các hợp phần của Dự án VFBC được triển khai thời gian qua giúp mở rộng sinh kế cho người dân miền núi. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Các hợp phần của Dự án VFBC được triển khai thời gian qua giúp mở rộng sinh kế cho người dân miền núi. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Theo ông Abraham Guillen, các mô hình hợp tác quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học thời gian qua luôn nhận được sự quan tâm và đánh giá cao từ chính quyền các địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng.

Trong đó, doanh nghiệp được tiếp cận các phương pháp và kỹ thuật sản xuất xanh, thân thiện với môi trường; cộng đồng được tăng cường năng lực, cải thiện sinh kế, phát triển vùng nguyên liệu hiệu quả; chính quyền kiểm soát hiệu quả hơn các nguy cơ gây mất rừng và suy thoái rừng...

“Mô hình hợp tác doanh nghiệp - chính quyền và cộng đồng là cơ hội góp phần tăng khả năng hấp thụ và lưu giữ CO2 của rừng, giảm phát thải khí nhà kính từ các hoạt động lâm nghiệp, từ đó góp phần tiến trình thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hoa Kỳ về biến đổi khí hậu tại COP27” - ông Abraham Guillen nói.

Ông Vũ Văn Hưng - Phó Trưởng ban Quản lý các dự án lâm nghiệp, Giám đốc Ban quản lý Dự án VFBC Việt Nam cho biết, qua 2 năm (2021 - 2022) triển khai dự án, Quảng Nam với lợi thế được chọn thực hiện cả 2 hợp phần quan trọng đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, nhất là trong việc hình thành các mô hình sinh kế hiệu quả giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, giảm áp lực vào rừng tự nhiên.

Ngoài ra, Quảng Nam mở rộng phát triển rừng trồng dược liệu, hướng đến mục tiêu cấp chứng chỉ rừng, trồng rừng gỗ lớn và đạt được nhiều thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp bền vững. Thời gian tới, Quảng Nam cần tiếp tục phối hợp với các bên liên quan, đặc biệt là các chủ rừng, người dân trong việc tham gia kết nối thực hiện những mô hình sinh kế, chuỗi giá trị kinh tế rừng một cách có hiệu quả.

ALĂNG NGƯỚC