[eMagazine] - Giành giữ màu xanh cho đại ngàn

HỮU PHÚC 31/10/2022 07:32

(QNO) - Những thung lũng quanh năm quạnh quẽ, những khu rừng chết, đồi trọc đất trống của 10 năm trước giờ đã trải một màu xanh bất tận. Sự hủy diệt, tàn phá thiên nhiên đã phải trả giá đắt từ các trận cuồng phong, lũ lụt, khiến con người kịp nhận ra rằng, sẽ chẳng có một con đường nào đi nhanh và bền bỉ nếu núi rừng trơ trụi bóng cây. Sự hồi sinh mãnh liệt của đại ngàn có sự góp sức rất lớn từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, từ các mô hình đổi mới, sắp xếp bộ máy quản lý rừng tinh gọn và hiệu quả…

 
 

Năm 2012, Quảng Nam bắt đầu áp dụng triển khai thí điểm chính sách chi trả dịch vụ môi trường trừng (DVMTR) tại xã Mà Cooih (Đông Giang) sau hơn 2 năm Nghị định 99 ngày 24/9/2010 của Chính phủ về chính sách chi trả DVMTR ra đời. Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng Quảng Nam là đơn vị được UBND tỉnh ủy quyền thực hiện nhiệm vụ chi trả DVMTR.

Mọi thứ đều lạ lẫm, bởi thời điểm đó cơ chế chi trả, căn cứ pháp lý chưa rõ ràng, gây lúng túng cho cơ quan chức năng khi vận dụng chính sách vào thực tế. Từ phê duyệt số tiền chi trả DVMTR thí điểm 1ha cho Ban Quản lý rừng phòng hộ A Vương, ở xã Mà Cooih (Đông Giang), đồng bào Cơ Tu được nhận những đồng tiền giao khoán bảo vệ rừng (BVR) đầu tiên theo hình thức nhóm hộ.

 

Trong 2 năm 2012 – 2013, Ngân hàng Phát triển châu Á đã hỗ trợ thực hiện chi trả DVMTR cho 73 nhóm hộ tại 5 thôn của xã Mà Cooih (Đông Giang) và 2 xã Tà Pơơ và Chà Vàl (Nam Giang), với diện tích rừng giao khoán hơn 21.033ha.

Với những khoảnh rừng được giao bảo vệ, cộng đồng người Cơ Tu thật sự xem nó như tài sản của mình nên đã lên lịch tuần tra rừng theo tháng, quý hàng năm, nhờ đó kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi xâm hại tài nguyên. Trong những tháng năm gian khó được nhận những đồng tiền nhà nước cấp đồng bào có thêm động lực giữ rừng.

Ông Alăng Ni, thôn A Zớ, xã Mà Cooih nhớ lại: “Năm đầu tiên, đồng bào mình nhận tiền giao khoán BVR nhưng đâu có biết ranh giới rừng nó ở đâu để bảo vệ. Thế nhưng, qua nhiều năm được cán bộ hướng dẫn, giao rừng trên thực địa nên hôm nay người dân đã quá quen với từng con suối, hang đá, gốc cây trong khu rừng đã giao cho mình bảo vệ”.

Nhờ thường xuyên tuần tra rừng trong lâm phận đã được giao khoán bảo vệ mà các vụ xâm hại tài nguyên ngày càng giảm mạnh so với trước đây
Nhờ thường xuyên tuần tra rừng trong lâm phận đã được giao khoán bảo vệ mà các vụ xâm hại tài nguyên ngày càng giảm mạnh so với trước đây

Ở vùng cao Đông Giang, mỗi năm đồng bào Cơ Tu được nhận tối thiểu vài triệu đồng tiền giữ rừng, nhưng với họ đây là nguồn thu nhập phần nào cải thiện đời sống chật vật, ngoài thời gian đi rừng người dân còn có thời gian khai thác lâm sản phụ, hay phát triển thêm các mô hình sinh kế trồng cây dược liệu dưới tán rừng.

Ông Vũ Phúc Thịnh - Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Giang cho biết, trên địa bàn có hơn 30.319ha diện tích rừng được chi trả DVMTR theo 2 hình thức giao khoán cho cộng đồng thôn và hợp đồng với lực lượng chuyên trách BVR theo Nghị quyết 38 của HĐND tỉnh.

 

Tại Quảng Nam, nơi còn giữ lại hình thức giao khoán cho cộng đồng làng hoạt động hiệu quả nhất, có lẽ ở Tây Giang, bởi nơi này những giá trị văn hóa tinh thần, tín ngưỡng về Mẹ Rừng luôn trường tồn theo thời gian. Ông Alăng Mía, đồng bào Cơ Tu là một trong số rất nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Tây Giang có cuộc sống khá ổn định từ đầu tư mô hình trồng cây ba kích dưới tán rừng.

Với hơn 1.000 gốc ba kích tím, mỗi mùa thu hoạch gia đình ông Alăng Mía kiếm trên dưới 100 triệu đồng. “Hàng tháng, các tổ, nhóm tham gian nhận khoán BVR thay phiên nhau tuần tra rừng, ai đối xử ngược đãi với rừng cũng đều bị phạt theo luật tục, hương ước của làng” - ông Alăng Mía nói.

 

Ông Nguyễn Văn Sinh - Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tây Giang thông tin, đơn vị đã giao khoán cho 64 cộng đồng thôn với diện tích 37.200ha trong số 50.000ha diện tích chi trả DVMTR. Hình thức giao khoán BVR cho cộng đồng thôn phù hợp tại Tây Giang do đồng bào Cơ Tu tôn trọng tính cộng đồng. 

Thế nhưng, mô hình quản lý BVR buộc phải thay đổi để phù hợp với thực tế. Từ khi các địa phương, chủ rừng thành lập lực lượng chuyên trách BVR theo Nghị quyết 46 của HĐND tỉnh, nay là Nghị quyết số 38 của HĐND tỉnh, bộ máy nhân lực sắp xếp tinh gọn hơn.

 

Tại Nam Trà My, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện quản lý hơn 54.009,59ha; trong đó diện tích rừng tự nhiên cung ứng chi trả DVMTR trên địa bàn  40.222,48ha. Tuy nhiên, chỉ có 187 nhân viên, cán bộ chuyên trách BVR; trong số này chiếm phần lớn là thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số. Mỗi nhân viên, cán bộ BVR của đơn vị có mức lương bình quân mỗi tháng 7,5 triệu đồng.

[VIDEO] - Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng Quảng Nam, các chủ rừng hướng dẫn kiến thức pháp luật và chi trả tiền DVMTR cho đồng bào Cơ Tu ở Tây Giang:

Video: Q.THÀNH

 
10 năm (2012 – 2022), tổng số tiền DVMTR đã giải ngân hơn 763,4 tỷ đồng. Trong đó, chi trả tiền DVMTR cho các chủ rừng 685,5 tỷ đồng; chi quản lý và các chương trình dự án hơn 80,5 tỷ đồng.
 

Số tiền thu DVMTR có xu hướng tăng qua các năm, năm sau cao hơn năm trước. Nguồn thu tiền môi trường rừng chủ yếu đối với dịch vụ bồi lắng lòng hộ, lòng suối, lòng sông, điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất và đời sống, trong đó thu từ các đơn vị sản xuất thuỷ điện (chiếm 64% tổng nguồn thu), nước sạch, nước công nghiệp (chiếm 36% tổng nguồn thu).

Theo Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng Quảng Nam, đối với nguồn thu từ dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon rừng, thời gian qua, đơn vị đã tích cực phối hợp với Sở NN&PTNT, Chi cục Kiểm lâm tỉnh để triển khai, đã trình Thủ tướng để thí điểm nhưng đến nay chưa thực hiện được.

 

Còn Đề án xuất khẩu tín chỉ các-bon rừng của tỉnh đã trình Thủ tướng phê duyệt được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội cho Quảng Nam bảo vệ rừng bền vững hơn nhờ nguồn lực tài chính dồi dào.

Còn nhớ trong khuôn khổ của hội nghị COP 26, ngày 31/10/2021 tại Glassgow, Scotland, Vương quốc Anh, Bộ NN&PTNT và Tổ chức Tăng cường tài chính Lâm nghiệp (Emergent) - cơ quan nhận ủy thác của Liên minh Giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính cho rừng (LEAF) đã ký Ý định thư (LOI) để Việt Nam chuyển nhượng cho LEAF/Emergent 5,15 triệu tấn CO2 giảm phát thải từ 4,26 triệu héc ta rừng giai đoạn 2022 - 2026 và LEAF/Emergent sẽ thanh toán cho dịch vụ này là 51,5 triệu USD.

 

Đây sẽ là nguồn tài chính bổ sung cho ngành lâm nghiệp đầu tư trực tiếp vào rừng, hình thành thị trường các-bon trong nước và tham gia thị trường các-bon thế giới, giúp tăng thu nhập cho các chủ rừng, người dân và doanh nghiệp.

Theo Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng Quảng Nam, hầu hết cơ sở sản xuất thủy điện, sản xuất kinh doanh nước sạch, các cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nguồn nước đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh đều ký kết hợp đồng ủy thác chi trả DVMTR với Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh và Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng Việt Nam.

Từ năm 2012 đến năm 2022, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh và Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam đã ký kết được 80 đơn vị, trong đó: 31 đơn vị sản xuất thủy điện, 11 đơn vị sản xuất nước sạch, 38 đơn vị nước công nghiệp.
 
 

Từ chính sách của Trung ương, Quảng Nam cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách cho phù hợp với khung pháp lý và thực tiễn địa phương. Ông Huỳnh Đức – Giám đốc Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng Quảng Nam khẳng định, qua kết quả nghiệm thu diện tích rừng chi trả DVMTR cho thấy rừng được bảo vệ tốt, tình trạng khai thác lâm sản trái phép, phát rừng để làm nương rẫy… giảm đáng kể.

 

Tác động của chính sách đã góp phần làm cho công tác quản lý BVR từng bước đi vào ổn định; phân định rõ được chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương và người dân tham gia quản lý BVR. Hầu hết diện tích rừng có cung ứng DVMTR là rừng tự nhiên và thuộc lâm phận của các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng quản lýnên thuận lợi cho công tác quản lý, điều hành chi trả tiền DVMTR.

Quảng Nam tăng độ che phủ rừng nhờ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng
Tuần tra rừng trong Vườn quốc gia Sông Thanh

Theo Sở NN&PTNT, chính sách chi trả DVMTR góp phần thực hiện cơ cấu lại các chủ rừng. Chính sách không những từng bước cải thiện đời sống cho người dân mà còn huy động được nguồn nhân lực lớn cho công tác tuần tra, BVR, từ đó đẩy mạnh công tác xã hội hóa nghề rừng, góp phần tích cực giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững ổn định an ninh địa bàn dân cư, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn.

Nguồn thu DVMTR luôn tăng khi điều chỉnh

Cụ thể thủy điện từ 20 đồng/kwh, nước sạch 40 đồng/m3 nước thương phẩm theo Nghị định 99 ngày 24/9/2010 điều chỉnh tăng lên 36 đồng/kwh, nước sạch 52 đồng/m3 nước thương phẩm theo Nghị định 156 ngày 16/11/2018, đã tăng nguồn thu đáng kể phục vụ hiệu quả cho BVR.

Nhìn nhận hạn chế trong thực hiện chính sách chi trả DVMTR 10 năm qua, Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng Quảng Nam cho rằng, một số nhóm hộ nhận khoán BVR chưa đạt yêu cầu nhiệm vụ do không thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra rừng nhưng chưa được các chủ rừng kiểm tra, giám sát kịp thời nên còn xảy ra một số vụ phá rừng.

Thêm nữa, công tác phối hợp, tham mưu của các phòng ban ở huyện (Phòng NN&PTNT, Hạt Kiểm lâm, Phòng Tài chính – Kế hoạch) cho UBND huyện phê duyệt các phương án, quyết toán hằng năm cho chủ rừng là các ban quản lý rừng trực thuộc UBND huyện, UBND xã được giao trách nhiệm quản lý rừng chi trả tiền DVMTR còn chậm.

 
Quảng Nam có diện tích tự nhiên là 1.057.474,05ha; tổng diện tích rừng và đất quy hoạch phát triển rừng: 768.446,25ha (trong đó 729.756,7ha trong quy hoạch và 38.689,5ha có rừng ngoài quy hoạch 3 loại rừng; chiếm 69% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh). Diện tích đất có rừng là 680.249,71ha, gồm rừng tự nhiên 463.356,77ha, rừng trồng 216.892,94ha. Diện tích rừng thực hiện DVMTR đến nay là 282.729,34ha chiếm 61% diện tích rừng tự nhiên của tỉnh.
 

HỮU PHÚC