Thách thức cho trồng rừng gỗ lớn
Nhiều địa phương trong tỉnh đưa ra chỉ tiêu trồng mới và mạnh dạn chuyển hóa từ rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Thế nhưng, trải mấy mùa bão gây đổ gãy cây rừng như vừa qua, cộng với tình trạng các nhà máy sản xuất dăm gỗ đang “đói” nguyên liệu đầu vào, đã đặt ra những thách thức không nhỏ cho phát triển rừng trồng gỗ lớn.
Rủi ro vì gió bão
Cơn bão số 4 gây thiệt hại nặng nề rừng keo vài năm tuổi trở lên của người dân các huyện Núi Thành, Phú Ninh, Thăng Bình, Hiệp Đức, Nông Sơn, Đại Lộc. Nhiều nông dân xót xa nhìn cảnh tượng vườn keo 3 - 5 năm tuổi đổ ngã nằm la liệt và tâm lý gần như không còn muốn kéo dài thêm thời gian thu hoạch cây. Ông Nguyễn Phương (thôn Đức Phú, xã Tam Thạnh, Núi Thành) cho biết, cơn bão số 4 vừa rồi, gây thiệt hại gần 6ha rừng keo trồng, nhiều nhất loại cây từ 4 năm tuổi trở lên.
Ông Trần Út - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nhìn nhận, chuyển từ rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn là một giải pháp đang triển khai, nhưng vùng đất Quảng Nam thường xuyên hứng chịu gió bão nên nếu kéo dài thời gian khai thác rừng trồng cũng sẽ tồn tại rủi ro.
“Nông dân chúng tôi sẵn sàng đầu tư trồng rừng gỗ lớn chu kỳ ít nhất 8 năm trở lên. Nhưng với tình trạng mưa bão liên miên ở miền Trung, ít ai dám đầu tư, trừ khi có nhà máy cam kết thu mua với giá cả ổn định ngay từ đầu. Vừa rồi, keo 5 năm tuổi của gia đình đổ gãy do bão bị thương lái ép giá từ 2 triệu đồng/tấn (theo giá thị trường) xuống 1,2 - 1,5 triệu đồng/tấn” - ông Phương nói.
Theo thống kê của UBND xã Tam Thạnh, trên địa bàn có hơn 400ha keo bị đổ gãy, trốc gốc, hư hại một phần do bão số 4.
Ông Nguyễn Thành Lưu - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Thạnh cho rằng, trên địa bàn không có bất cứ nhà máy, doanh nghiệp nào liên kết, hay cam kết tổ chức thu mua nguyên liệu ổn định cho nông dân, trong khi đó xuất hiện tình trạng cây keo mất giá do đổ gãy, nên buộc địa phương liên hệ với các nhà máy tổ chức thu mua keo của dân, nhưng việc thương lượng giá cả gỗ khai thác giữa hai bên, chính quyền không thể can thiệp.
Các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức, hộ gia đình đang ở giai đoạn đầu trồng rừng gỗ lớn, ủng hộ chủ trương chung của tỉnh. Song thực tế, nhiều địa phương dè dặt, đặt chỉ tiêu trồng rừng rất hạn chế.
Như huyện Đại Lộc giai đoạn 2020 - 2021 mới trồng khoảng 160ha rừng gỗ lớn; năm 2022 nông dân phối hợp với Công ty Lâm nghiệp Thiện Toàn dự kiến trồng 2.000ha, nhưng khó đảm bảo kế hoạch đề ra. Còn huyện Nông Sơn, từ năm 2019 - 2021 trồng 207ha rừng gỗ lớn (cây keo lai nuôi cấy mô, keo tai tượng Úc).
Trong khi đó, tại huyện Bắc Trà My, ông Nguyễn Hồng Vương - Trưởng phòng NN&PTNT huyện xác nhận, năm nay địa phương không đưa ra chỉ tiêu trồng rừng gỗ lớn. Chưa có bảo hiểm rủi ro cho nghề trồng rừng, trong khi gió bão liên tục xuất hiện dễ gây hư hại cây trồng, chính là rào cản lớn cho việc trồng rừng gỗ lớn.
Các nhà máy “đói” nguyên liệu
Từ sau cơn bão số 4 đến nay, dọc các tuyến đường huyết mạch hay giao thông nông thôn, thường chứng kiến hình ảnh tập kết, trung chuyển gỗ keo về nhà máy chế biến.
Anh Trương Thịnh, một người thu gom mua gỗ keo ở xã Tam Phú (TP.Tam Kỳ) cho biết, trước đây các chủ đầu mối chỉ mua loại gỗ có đường kính nhỏ nhất bằng 1 gang tay người lớn, nhưng giờ thì mua “ngang xương lòng” đủ kích cỡ.
Trên địa bàn tỉnh, gỗ rừng trồng lâu nay phục vụ cho các nhà máy chế biến dăm gỗ, sản xuất viên nén và chế biến đồ gỗ xuất khẩu. Các doanh nghiệp sản xuất, chế biến đồ gỗ Quảng Nam và nhiều tỉnh, thành khác vẫn nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ nước ngoài.
Tuy nhiên, hiện nay, nguồn cung nguyên liệu rất khan hiếm vì Nga, Ukraine đang xảy ra chiến sự, trong khi 2 quốc gia này là nơi cung ứng nguyên liệu gỗ lớn cho nước ta, châu Âu và nhiều nước khác trên thế giới.
Nhiều nhà máy chế biến dăm gỗ gặp khó khăn tìm kiếm nguyên liệu. Để duy trì sản xuất, kinh doanh, các nhà máy chế biến dăm và sản xuất viên nén chấp nhận mua gỗ không theo quy cách, tiêu chuẩn cũ (lóng gỗ phải dài 2m, lóng gỗ phải có đường kính bình quân từ 5cm trở lên).
Ông Đoàn Văn Hùng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Gỗ công nghiệp Quảng Nam cho biết, thiếu thốn nguồn nguyên liệu đầu vào, các nhà máy chế biến dăm gỗ và viên nén đã đua nhau mua lại rừng, kể cả “gỗ non” của người dân địa phương. Công ty sản xuất 2 dòng sản phẩm chính (gỗ ghép thanh và gỗ dán) cũng đang rơi vào tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất trầm trọng.
“Giá gỗ đầu vào công ty thu mua tăng, trong khi sản phẩm bán cho đối tác vẫn giữ nguyên giá do đã ký kết hợp đồng trước đó. Doanh nghiệp thì chưa thể liên kết với dân trồng rừng gỗ lớn mà chỉ mới hợp tác quản lý trồng rừng bền vững theo chứng chỉ quốc tế - FSC” - ông Hùng nói.