Trồng rừng gỗ lớn ở Đại Lộc: Nhiều khó khăn, thách thức
Những năm qua, Đại Lộc đẩy mạnh phát triển trồng rừng gỗ lớn nhằm nâng chất lượng, giá trị và hiệu quả kinh tế từ rừng trồng.
Triển vọng trồng rừng gỗ lớn
Đại Lộc có tổng diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp hơn 34.600ha, trong đó diện tích trồng rừng sản xuất là 13.384,27ha. Theo khảo sát, sản lượng gỗ nguyên liệu khai thác của huyện đạt hơn 160.000 tấn/năm.
Là địa phương giàu tiềm năng về kinh tế rừng song năng suất, chất lượng, giá trị từ rừng trồng tại Đại Lộc vẫn còn thấp, chủ yếu là rừng trồng keo nguyên liệu, sản phẩm chủ yếu là gỗ nhỏ phục vụ chế biến dăm bột.
Rừng trồng keo nguyên liệu chiếm khoảng 95% tổng diện tích rừng trồng sản xuất của huyện, tập trung ở các xã: Đại Sơn, Đại Hưng, Đại Quang, Đại Nghĩa, Đại Thạnh, Đại Hồng, Đại Đồng...
Giai đoạn 2019 - 2020, từ nguồn hỗ trợ của UBND huyện và của UBND tỉnh, Phòng NN&PTNT huyện Đại Lộc đã phối hợp với các địa phương triển khai mô hình trồng rừng gỗ lớn. Dự án được triển khai với một chu kỳ lâm sinh khoảng 10 năm (2020 - 2029) với quy mô gần 160ha được phân thành 29 lô với 26 hộ tham gia.
Mô hình triển khai tại các xã Đại Nghĩa (hơn 49,4ha, với 6 hộ tham gia); Đại Đồng (gần 60ha, với 11 hộ); Đại Hưng (hơn 15ha, với 4 hộ); Đại Lãnh (hơn 26,8ha với 2 hộ) và Đại Sơn (gần 8ha, với 3 hộ).
Hộ tham gia trồng được ngân sách tỉnh hỗ trợ 8 triệu đồng/ha, và từ nguồn khuyến lâm 500 nghìn đồng/ha/4 năm. Đồng thời được hỗ trợ tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trồng, xây dựng các mô hình trồng xen trong những năm đầu của chu kỳ trồng rừng gỗ lớn, góp phần nâng cao thu nhập kinh tế hộ.
Ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc nói, giai đoạn 2020 - 2021, toàn huyện đã trồng được 160ha rừng gỗ lớn và trong năm 2022, huyện tiếp tục phối hợp với Công ty Lâm nghiệp Thiện Toàn triển khai trồng 2.000ha theo kế hoạch.
Thời điểm này, công ty đang phối hợp với các địa phương hoàn thành các thủ tục hồ sơ để công nhận, cấp chứng chỉ rừng FSC cho 4 địa phương gồm Đại Nghĩa, Đại Sơn, Đại Thạnh và Đại Hưng.
Công ty và người dân chỉ mới triển khai giai đoạn 1 của kế hoạch và giai đoạn 2 triển khai từ nay đến năm 2025, phấn đấu phát triển rừng gỗ lớn trên tổng diện tích 5.000ha... Sắp tới, huyện sẽ mời công ty làm việc, nghe báo cáo tiến độ triển khai thực hiện.
Nhiều khó khăn, thách thức
Trên thực tế, công tác phát triển trồng rừng gỗ lớn đối diện với nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Nhớ - Chủ tịch UBND xã Đại Nghĩa chia sẻ, toàn xã có 1.200ha rừng trồng, chủ yếu là cây keo.
Trên địa bàn xã có Công ty Nhất Hưng chuyên thu mua nguyên liệu làm dăm gỗ, còn lại xuất bán đi nơi khác. Hiện, địa phương chỉ mới vận động được một số hộ ở thôn Đức Hòa tham gia trồng rừng gỗ lớn và diện tích cây trồng chỉ mới được 2 - 3 năm, cần thời gian dài để đánh giá mô hình.
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho hay, hiện chỉ mới triển khai thí điểm một số mô hình trồng rừng gỗ lớn ở các địa phương và phải chờ 7 - 8 năm mới nghiệm thu, đánh giá hiệu quả.
Phòng cũng tăng cường vận động doanh nghiệp xây dựng chuỗi liên kết, bao tiêu sản phẩm cho dân sau 10 năm, song doanh nghiệp trên địa bàn vẫn chưa mặn mà trong xây dựng chuỗi liên kết.
Trong khi, nếu doanh nghiệp xây dựng được chuỗi giá trị, khâu tiêu thụ sẽ được đẩy mạnh, nhất là khi được cấp chứng chỉ FSC, công tác xuất khẩu gỗ, sản phẩm từ gỗ sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.
Ông Hồ Ngọc Mẫn cho biết thêm, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai trồng rừng gỗ lớn vẫn còn nhiều khó khăn. Cơ chế hưởng lợi yêu cầu đất rừng người dân phải được cấp chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), vì vậy với những hộ trong thời gian chờ cấp sổ đỏ, địa phương phải hỗ trợ xác nhận đất rừng sản xuất là đất sản xuất lâu dài, không có tranh chấp để họ có điều kiện tham gia mô hình.
Khó khăn nữa là chu kỳ trồng rừng gỗ lớn quá dài, chưa kể thiên tai, bão lũ gây thiệt hại. Việc thay đổi tập quán sản xuất từ canh tác theo kiểu truyền thống sang kỹ thuật mới, chuyển đổi từ trồng dày sang trồng thưa, chu kỳ ngắn sang dài là cả một vấn đề.
“Phải đẩy mạnh tuyên truyền, làm sao để người dân thấy hiệu quả của rừng gỗ lớn hơn hẳn so với trồng bình thường lâu nay, giá trị tăng từ 60 triệu đồng/ha/chu kỳ 5 năm lên 200 triệu đồng/ha/chu kỳ 10 năm.
Chưa kể, trồng theo chuỗi liên kết, người dân có lợi, sản phẩm đầu ra được bao tiêu, không bị ép giá, rừng được cấp chứng chỉ thuận tiện trong khâu xuất khẩu gỗ” - ông Mẫn nói.