Đề xuất quy hoạch lại rừng phòng hộ ven biển: Bảo đảm hiệu quả, đa mục tiêu
Sau một thời gian đánh giá, khảo sát, Quảng Nam vừa chính thức kiến nghị Bộ NN&PTNT, Thủ tướng Chính phủ quy hoạch lại không gian phát triển rừng phòng hộ ven biển để thực hiện “mục tiêu kép”, vừa hình thành vùng động lực phát triển kinh tế vừa tạo ra vành đai xanh ứng phó hiệu quả với thiên tai.
Rà soát quy hoạch
Theo Quyết định số 120 ngày 11.1.2017 của UBND tỉnh, diện tích rừng phòng hộ ven biển 3.636ha (trong đó diện tích có rừng 2.875ha là rừng trồng và 761ha còn lại là đất trống, ngập nước theo mùa), nằm chủ yếu ở TP.Tam Kỳ, Hội An, các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình và Núi Thành.
Phần lớn cây rừng (keo, phi lao) được trồng từ những năm 90, chủ yếu trồng trên đất cát, yếu kém hạ tầng, thuộc địa bàn các xã ven biển đặc biệt khó khăn. Cuối năm 2020, gió bão gây thiệt hại 292ha rừng trồng, nên diện tích đất có rừng trên thực tế chỉ là 2.583ha, chủ yếu là cây trồng dừa nước, đước, keo, phi lao, mắm…
Sở NN&PTNT đánh giá, rừng phát triển tốt có diện tích hơn 799,6ha, chiếm 27,8% tổng diện tích rừng; rừng trung bình có diện tích hơn 1.646,7ha, chiếm 57,2%; rừng sinh trưởng còi cọc hơn 431,7ha, chiếm 15%. Quyết định số 120 của UBND tỉnh trước đây căn cứ vào Đề án bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2015 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tuy nhiên, năm 2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1737 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai, trong đó có nhiều phân khu chức năng được bố trí trên diện tích rừng trồng phòng hộ ven biển theo Quyết định số 120 của UBND tỉnh. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ NN&PTNT lập Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tại Quảng Nam, hiện có các quy hoạch phát triển kinh tế xã hội vùng Đông và các phân khu chức năng của Khu kinh tế mở Chu Lai, trong khi đó một phần diện tích quy hoạch rừng phòng hộ ven biển chồng lấn lên các quy hoạch này.
Do đó, theo dự thảo Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050 của Bộ NN&PTNT, sau khi rà soát, quy hoạch rừng phòng hộ vùng Đông được đề xuất là 2.043ha, bố trí dọc các tuyến giao thông, bao quanh các khu công nghiệp, resort, khu vực sát biển…
Dự thảo cũng đề xuất bóc tách diện tích tại các khu vực đất ở, nghĩa địa, lưu vực sông, đất lúa nước, hồ tôm với diện tích hơn 465ha ra khỏi diện tích 2.043ha quy hoạch rừng phòng hộ ven biển.
Tuy nhiên, Quảng Nam cũng đề xuất bổ sung các diện tích rừng phi lao sinh trưởng phát triển tốt, các bãi bồi ven sông phục vụ cho nhu cầu phát triển rừng, các khu vực liền vùng tập trung với khu vực dừa nước hiện có, để đủ diện tích hơn 2.043ha theo dự thảo của Bộ NN&PTNT.
Đa mục tiêu
Như vậy, Quảng Nam đề xuất quy hoạch lại rừng phòng hộ ven biển có diện tích 2.043ha (gồm 1.456ha nằm trong Khu kinh tế mở Chu Lai, diện tích còn lại nằm ngoài ranh giới đơn vị này quản lý). Theo UBND tỉnh, diện tích đề xuất trên phù hợp với hiện trạng rừng đủ điều kiện công nhận thành rừng hiện nay, đồng thời thực hiện sắp xếp lại việc trồng rừng phòng hộ theo Quyết định số 1737 ngày 13.12.2018 của Thủ tướng Chính phủ.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉnh chủ động trong việc sắp xếp không gian phát triển quy hoạch rừng phòng hộ ven biển nhằm thu hút các dự án đầu tư để tạo ra vùng động lực phát triển, trên cơ sở rà soát, sắp xếp lại diện tích là đất ở của người dân, đất nghĩa địa, đất trũng ngập nước ra khỏi diện tích quy hoạch rừng phòng hộ ven biển. Đồng thời bổ sung diện tích vào quy hoạch rừng phòng hộ, diện tích sau rà soát, bố trí lại vẫn đảm bảo diện tích theo dự thảo quy hoạch của Bộ NN&PTNT.
“Cho phép Quảng Nam thực hiện các hoạt động trồng rừng, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển theo hình thức hợp tác công - tư thông qua việc giao khoán cho các doanh nghiệp đang triển khai dự án tại khu vực này nhằm đảm bảo việc trồng, chăm sóc, quản lý thường xuyên kết hợp phát triển kinh tế với chức năng phòng chống thiên tai” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đề xuất.
Hiện nay, ngành lâm nghiệp tỉnh chủ trương trồng các loại cây vừa có chức năng phòng hộ vừa có chức năng cảnh quan; xây dựng bộ tiêu chí phát triển xanh để tăng tỷ lệ cây xanh trong các khu du lịch, khu công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư, hình thành thêm nhiều công viên cây xanh tập trung..., vừa tạo cảnh quan môi trường vừa phòng tránh được thiên tai hiệu quả.
“Việc đề xuất sắp xếp lại rừng phòng hộ ven biển kết hợp phát triển kinh tế với phòng chống thiên tai là cần thiết. Hiện nay, hạ tầng giao thông đã đầu tư đồng bộ, có điều kiện cho phát triển kinh tế và được Đảng bộ tỉnh xác định là vùng động lực phát triển, trong đó hạt nhân là Khu kinh tế mở Chu Lai” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết.