Che bạt để bảo vệ sâm: Lợi trước mắt, hại lâu dài

TRUNG VIỆT 14/09/2022 09:13

Thời tiết bất lợi từ đầu năm đến nay đã khiến hàng loạt sâm con vùng Ngọc Linh (huyện Nam Trà My) chết, gây thiệt hại tiền tỷ cho dân và doanh nghiệp.

Phủ bạt giữ sâm ở Trà Linh. Ảnh: T.V
Phủ bạt giữ sâm ở Trà Linh. Ảnh: T.V

Để cứu sâm, người dân đã dùng bạt nhựa để che phủ nhằm chống sương muối, côn trùng, mưa đá và nắng nóng gay gắt. Theo ý kiến của các nhóm, hộ trồng sâm cùng doanh nghiệp tại Trà Linh cùng các xã khác, phương pháp này khá hiệu quả, giúp sâm đỡ chết.

Ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, huyện đã mời Viện Khoa học Lâm nghiệp vào nghiên cứu tìm nguyên nhân sâm chết. Kết luận được họ đưa ra là bầu cây con và sâm 2 tuổi chết khá nhiều do bị thối cổ rễ, thân, lá; còn nguyên nhân vì sao vẫn chưa tìm ra.

Việc dùng bạt che phủ đã làm dấy lên nỗi lo ngại từ chính quyền và người dân, bởi bạt ny lon sẽ khiến môi trường ô nhiễm, thảm thực vật không được tác động tự nhiên, sẽ chết hoặc xấu đi, làm hại rất lớn môi trường ở đây.

Theo ông Mẫn, Sở NN&PTNT đã có văn bản hướng dẫn, yêu cầu đến 31.12.2022 phải từng bước tháo dỡ toàn bộ bạt. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra: Nếu tháo dỡ thì dùng vật liệu gì thay thế?

Phủ bạt giữ sâm ở Trà Linh. Ảnh: T.V
Phủ bạt giữ sâm ở Trà Linh. Ảnh: T.V

Tính toán sơ bộ, tại vùng Ngọc Linh thuộc Nam Trà My, có đến hơn 63 nhóm với khoảng 1.200 hộ đã sử dụng bạt. Cứ trung bình mỗi nhóm khoảng 200m2 , cộng thêm 21 doanh nghiệp đã trồng, ít nhất mỗi doanh nghiệp sử dụng 500m2 bạt để bảo vệ cây con, thì con số diện tích phủ bạt đã lên tới hàng chục nghìn mét vuông.

“Tác động thời tiết càng ngày xấu đi, khiến cây sâm con chết. Làm thế nào để người trồng sâm tin rằng ta sẽ không làm chết sâm con bằng phương pháp bảo vệ nào đó? Trong khi chưa có cách nào khác thì họ phải dùng bạt phủ. Chính văn bản của tỉnh từ lúc khởi đầu làm trung tâm sâm của tỉnh trên này cũng đã hướng dẫn sử dụng bạt, nay cấm, thì tính làm sao đây?

Ta mời người ta đầu tư, vận động dân trồng, thì ta phải có giải pháp phù hợp để bảo vệ lợi ích cho họ. Dùng bạt, rổ nhựa, thùng xốp dày đặc ở vùng sâm, sẽ để lại hậu quả ghê gớm, nếu không giải quyết sớm, vùng Ngọc Linh sẽ thành núi nhựa, lúc đó cứu không kịp. Nhưng, thay thế bằng gì? Cái này tỉnh, Trung ương phải tính” - ông Mẫn nói.

Người dân, doanh nghiệp vẫn biết dùng bạt sẽ tổn hại môi trường, nhưng họ bó tay. Tiền tỷ họ bỏ vào đó, tháo dỡ đi, lỡ cây chết, ai chịu? Có ý kiến là dùng tranh tre nứa lá để làm giàn che, nhưng côn trùng từ đó là mối nguy hại với cây con, chưa nói chỉ có vùng thấp là có lá cọ chứ trên đó lấy đâu ra để phủ cho diện tích ngày càng phình to ra?

Đây là bài toán đau đầu, thấy đó mà không giải quyết được. Điều có thực, là môi trường vùng Ngọc Linh đã biến đổi nhiều, rất dễ cảm nhận là nhiệt độ không còn quá thấp như trước kia, mà nguyên nhân dễ nhận thấy nhất, chính là tác động ngày càng mạnh mẽ của con người.

Một thay đổi theo xu hướng không mấy tích cực đã hiện hữu và nay thêm vấn nạn bạt ny lon, nếu không tính toán thay thế, sớm muộn vùng Ngọc Linh ô nhiễm nghiêm trọng, lúc đó chắc gì sẽ trồng sâm được tốt như hiện nay.

Đặt câu hỏi, nếu bạt không sử dụng nữa, người dùng sẽ xử lý thế nào? Không thể đốt và tuyệt đối không được đốt ở đó. Gùi cõng đồ nhựa lên để phục vụ cho trồng và giữ sâm, sử dụng xong, có ai mang xuống lại không? “Chắc chắn là không” - cũng lời ông Mẫn - “cõng lên đã tốn tiền với giá 5.000 đồng/kg, thì ai lại cõng xuống?”. Bây giờ biết tính làm sao?

TRUNG VIỆT