Đưa vật liệu "gây hại" ra khỏi vùng trồng sâm
Sở NN&PTNT yêu cầu các tổ chức, cá nhân không sử dụng các vật liệu có hại cho môi trường trong quá trình trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND huyện Nam Trà My đặt mục tiêu đến ngày 31.12.2022 đưa ra khỏi vùng trồng sâm tất cả vật liệu khó tiêu hủy, gây ô nhiễm môi trường, nhưng chính quyền địa phương thừa nhận việc thực hiện rất khó khăn.
Trải lòng của người trồng sâm
Chúng tôi lên thăm vườn sâm của ông Hồ Văn Đuôi ở nóc Tăk Ngo (thôn 2, xã Trà Linh). Trong câu chuyện về quá trình gắn bó với sâm, những cơ hội làm giàu từ cây sâm núi Ngọc Linh quý hiếm, có cả tiếng thở dài của ông Đuôi.
Với hơn 20 năm kinh nghiệm trồng sâm, ông Đuôi nói chưa bao giờ cảm thấy bất lực như hiện nay bởi chứng kiến cảnh cây sâm chết ngày một nhiều. “Trước đây cây sâm không chết, nhưng 3 năm nay vườn tôi xuất hiện tình trạng cây sâm thối lá và củ. Có thể cây sâm chết nhiều là do sương muối tháng 2 và tháng 4 của năm…” - ông Đuôi chia sẻ.
UBND huyện Nam Trà My cho biết, đã hoàn thành thủ tục cho thuê môi trường rừng với hơn 766,8ha để doanh nghiệp, tổ chức, hộ, nhóm hộ thuê trồng sâm Ngọc Linh, cây dược liệu. Địa phương đang tiếp tục lập thủ tục cho 30 nhóm hộ/798 hộ và 4 tổ chức, doanh nghiệp cho thuê môi trường rừng, với tổng diện tích hơn 862,3ha. Nhìn chung, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cơ bản chấp hành tốt quy định về công tác quản lý, bảo vệ rừng; quy định về cho thuê môi trường rừng để trồng sâm Ngọc Linh, cây dược liệu.
Như nhiều người dân bản địa trồng sâm trên đỉnh Ngọc Linh, ông Đuôi trồng theo cách tự nhiên, không che bạt, hay sử dụng vật liệu nhựa để rào lên luống mà chỉ dùng đá hay cây mục.
Tôi hỏi ông Đuôi sao không làm rạp để che cây sâm cho bớt tác động tiêu cực của thiên nhiên thì ông khẳng định vẫn chọn cách trồng tự nhiên.
Theo ông Đuôi, trồng như vậy cây sâm sẽ được phát triển tự nhiên như cây sinh sống ở trên rừng. “Trước đây cây sâm Ngọc Linh sống trên núi, trên rừng có ai chăm, có ai che bạt đâu mà nó cũng sống trăm tuổi…” - ông Đuôi nói.
Khảo sát cho thấy, nếu không tính những vườn sâm đã “nổi danh” của người dân trồng từ hàng chục năm về trước thì việc trồng sâm Ngọc Linh của các cá nhân, tổ chức gần đây hầu hết đã sử dụng các vật liệu không thân thiện với môi trường, khó tiêu hủy.
Ông Trần Văn Hạnh - Giám đốc Công ty TNHH Sâm trúc Trà Linh Hạnh Na cho biết, nhận thấy được hiệu quả kinh tế to lớn của sâm Ngọc Linh đem lại, năm 2019 ông bắt tay vào đầu tư trồng sâm tại nóc Tăk Ngo.
Bên cạnh chọn nguồn giống chuẩn sâm Ngọc Linh, doanh nghiệp còn bỏ ra số tiền khá lớn để làm vườn như mái che, lên luống sâm, nhà trực sâm… và hầu hết sử dụng các vật liệu như nhựa, nylon, sắt…
“Việc trồng sâm hiện nay phải đối mặt quá nhiều rủi ro, nhất là thời tiết ngày càng cực đoan. Với tiền tỷ bỏ ra, chúng tôi buộc phải che chắn để bảo vệ cây sâm. Che rạp để trồng sâm rất hiệu quả trong việc ứng phó với thời tiết bất lợi” - ông Hạnh chia sẻ.
Bất cập quản lý
Ông Nguyễn Vĩnh Hiền - Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Trà My cho biết, hiện nay việc trồng sâm đang gặp nhiều khó khăn do tác động tiêu cực của thời tiết cũng như các quy định liên quan của tỉnh.
Cụ thể, theo Quyết định 1174 ngày 22.4.2019 của UBND tỉnh ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật gieo ươm, trồng và chăm sóc cây sâm Ngọc Linh và Quyết định 1174 hay Quyết định 155 ngày 29.6.2020 của Sở NN&PTNT về hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sâm Ngọc Linh, tại hạng mục kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sâm có cho phép sử dụng vật liệu nylon, tôn để trồng sâm.
Trong khi đó, tại Công văn số 219 cũng của Sở NN&PTNT ban hành 18.1.2022 thì yêu cầu các tổ chức, cá nhân không được đưa vật liệu khó phân hủy, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường như tấm nhựa, khay nhựa, rổ nhựa, nylon vào sử dụng trong trồng sâm. Các quy định này chồng chéo nhau, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, quản lý, giám sát về cho thuê dịch vụ môi trường rừng để trồng sâm Ngọc Linh.
“Biết là khó khăn, nhưng chúng tôi đã cho doanh nghiệp và hộ, nhóm hộ ký bản cam kết thực hiện đúng quy định về sử dụng môi trường rừng để trồng sâm Ngọc Linh. Trong đó, yêu cầu các trường hợp đã thực hiện từng bước khắc phục, hoàn thành việc đưa ra khỏi rừng tất cả vật liệu không thân thiện, khó tiêu hủy, gây nguy hại đến môi trường rừng trước ngày 31.12.2022” - ông Hiền cho biết.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My thừa nhận rất khó để thực hiện đưa ra khỏi rừng tất cả vật liệu khó tiêu hủy, gây hại môi trường. Việc này phải giải quyết từng bước chứ cùng một lúc không thể làm xong như mong muốn.
Bởi lẽ người dân đã trồng sâm từ rất lâu, việc dựng chòi trong rừng để bảo vệ sâm, và dùng các loại vật liệu không thân thiện môi trường để che chắn, bảo vệ cây sâm là kinh nghiệm thực tế của người trồng sâm. Hơn nữa, hiện nay Bộ NN&PTNT chưa ban hành bộ tiêu chí về định mức kinh tế, kỹ thuật cho việc trồng sâm và dược liệu dưới tán rừng.
“Sở NN&PTNT ban hành Quyết định số 255 ngày 29.6.2020 về hướng dẫn về kỹ thuật trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng cũng chỉ quy định tạm thời thôi. Vừa qua, tại các hội thảo về sâm, huyện và các doanh nghiệp trồng sâm có kiến nghị vấn đề này.
Huyện đề nghị Sở NN&PTNT, Bộ NN&PTNT ban hành một quy trình, định mức thống nhất liên quan đến phát triển cây sâm và dược liệu dưới tán rừng. Về lâu dài, phải có nghiên cứu loại vật liệu thay thế các vật liệu không thân thiện môi trường này, chứ trồng sâm mà không bảo vệ sâm thì rủi ro, thiệt hại rất lớn” - ông Mẫn nói.