Xây dựng nguồn nguyên liệu mây tre lá bền vững góp phần phát triển ngành nghề nông thôn ở Việt Nam
(QNO) - Chiều nay 10.8, tại TP.Hội An, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và UBND tỉnh tổ chức tọa đàm “Xây dựng nguồn nguyên liệu mây tre lá bền vững góp phần phát triển ngành nghề nông thôn ở Việt Nam” thông qua Dự án Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) do USAID tài trợ.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Đinh Công Sứ đồng chủ trì tọa đàm.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu nhấn mạnh: Việt Nam là một trong số các nước sản xuất và xuất khẩu hàng đầu các sản phẩm mây tre lá trên thế giới với kim ngạch xuất khẩu lên tới gần 500 triệu USD.
Trong những năm vừa qua, với nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực của nhà nước, với sự chỉ đạo hiệu quả của Bộ NN&PTNT, đặc biệt là sự nỗ lực không ngừng của cộng đồng các doanh nghiệp xuất khẩu hàng mây tre lá của Việt Nam, tốc độ tăng trưởng của hàng mây tre lá luôn được duy trì từ 8 - 10% mỗi năm.
Các sản phẩm mây tre lá của Việt Nam đến nay đã có mặt ở trên 160 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, góp phần tạo thu nhập và việc làm cho gần 350.000 lao động ở vùng nông thôn và miền núi, đặc biệt là tạo việc làm và thu nhập cho lao động nữ và đồng bào các dân tộc thiểu số.
[VIDEO] - Tọa đàm “Xây dựng nguồn nguyên liệu mây tre lá bền vững góp phần phát triển ngành nghề nông thôn ở Việt Nam”:
"Được biết đến là trung tâm của vùng nguyên liệu mây của cả nước, Quảng Nam là tỉnh có trữ lượng mây có thể nói là lớn nhất trên cả nước.
Nhiều vùng nguyên liệu mây lớn của Quảng Nam được phân bố ở các huyện như Nam Giang, Đông Giang, Phước Sơn... được quản lý bởi các cộng đồng dân cư và các Ban Quản lý rừng phòng hộ.
Nhiều đơn vị chế biến nguyên liệu mây và sản xuất các sản phẩm thủ công từ mây đã được hình thành đưa Quảng Nam trở thành một trung tâm chế biến nguyên liệu mây lớn nhất cung cấp cho các làng nghề trên khắp mọi miền của cả nước" - ông Bửu nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, việc tổ chức tọa đàm nhằm đưa ra các giải pháp thực hiện mục tiêu nâng kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công do các làng nghề sản xuất. Đồng thời phát triển nguyên liệu tập trung phục vụ làng nghề, cũng như xây dựng các mô hình làng nghề tiêu biểu gắn với vùng nguyên liệu có chứng chỉ bền vững được đặc biệt ưu tiên.
"Thông qua Dự án Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học, Chính phủ Hoa Kỳ và Chính phủ Việt Nam đã và đang triển khai các giải pháp quản lý rừng bền vững, trong đó bao gồm hoạt động phát triển chuỗi giá trị lâm sản ngoài gỗ bền vững, cụ thể là chuỗi giá trị mây tre lá tại 5 tỉnh là Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Quảng Nam.
Hoạt động này không chỉ đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định cho các làng nghề mây tre lá, các đơn vị xuất khẩu, Dự án VFBC góp phần thúc đẩy các lợi ích sinh kế, xã hội và môi trường, đặc biệt là giảm mất rừng, giảm suy thoái rừng và tăng khả năng hấp thụ các-bon từ rừng" - Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.
Dịp này, Dự án VFBC do USAID tài trợ tổ chức lễ ký kết thỏa thuận hợp tác với 4 công ty và hợp tác xã trong ngành hàng mây tre lá, gồm: Công ty TNHH Xây dựng và thương mại Lục Đông; Công ty TNHH Đức Phong; Công ty TNHH sản xuất và thương mại Bamboo Vina và Hợp tác xã Làng nghề truyền thống mây tre đan Xóm Bui.
Ở Việt Nam, hiện có 893 làng nghề mây tre đan; trong đó, 647 làng nghề mây tre đan và 246 làng nghề đan cói, lục bình. Số lao động nông thôn tham gia sản xuất các sản phẩm mây tre đan khoảng 342.000 người. Cùng với Trung Quốc, Indonesia và Philippines, Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu mây tre đan lớn trên thế giới.
Theo số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp, năm 2019, xuất khẩu các sản phẩm mây tre đan của Việt Nam đạt 474 triệu USD (tăng 44,4% so với năm 2018), là nhóm sản phẩm cho giá trị cao nhất trong lâm sản ngoài gỗ, chủ yếu xuất khẩu sang các nước EU chiếm 31,44% tỷ trọng, thị trường Mỹ (19,5% và Nhật Bản chiếm (9,3%)...