Xâm hại rừng ở nhiều diện tích chưa được giao

TRẦN HỮU 05/08/2022 09:54

Sáu tháng đầu năm 2022, các vụ xâm hại tài nguyên rừng trên địa bàn tỉnh đều giảm rõ rệt, song vẫn còn tái diễn ở một số địa bàn nóng, nhất là tình trạng khai thác trái phép tập trung nhiều ở diện tích rừng chưa được giao và cho thuê.

Tình trạng xâm hại rừng tập trung nhiều ở diện tích chưa được giao và cho thuê. Trong ảnh là vụ đốt phá rừng phòng hộ tại khu vực rừng đầu nguồn Đông Tiển, giáp ranh giữa Tiên Phước với Thăng Bình. Ảnh: H.P
Tình trạng xâm hại rừng tập trung nhiều ở diện tích chưa được giao và cho thuê. Trong ảnh là vụ đốt phá rừng phòng hộ tại khu vực rừng đầu nguồn Đông Tiển, giáp ranh giữa Tiên Phước với Thăng Bình. Ảnh: H.P

Thời gian gần đây, lực lượng kiểm lâm và các chủ rừng phát hiện, lập hồ sơ xử lý nhiều vụ khai thác gỗ trái phép. Điển hình, ngày 21.6.2022, Hạt Kiểm lâm huyện Nông Sơn phối hợp với các cơ quan liên quan của địa phương lập hồ sơ xử lý vụ khai thác gỗ trái pháp luật tại khoảnh 7, tiểu khu 464 (xã Quế Lâm) với khối lượng hơn 7,6m3.

Toàn bộ gỗ rừng này nằm trong lâm phận của Ban Quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi quản lý. Cũng tại địa bàn Nông Sơn, trước đó, lực lượng chức năng đã xác định hơn 8.000m2 diện tích rừng tự nhiên tại khoảnh 3, tiểu khu 435 (xã Quế Lộc) bị xâm hại bất hợp pháp, với khối lượng gỗ thiệt hại hơn 5,7m3.

Sáu tháng đầu năm 2022, kiểm lâm tỉnh đã phá hủy 291 lán trại, 192 máy nổ các loại, 4.572 bẫy động vật hoang dã; tạm giữ hơn 167,6m3, 15 xe ô tô, 31 xe các loại (xe mô tô, xe máy kéo, xe bò …). Diện tích rừng tự nhiên bị thiệt hại do phá rừng hơn 12,8ha. Cũng trong thời gian này, cơ quan chức năng khởi tố 23 vụ án hình sự, 102 vụ xử lý hành chính liên quan đến phá rừng; tổng số tiền xử phạt 1,1 tỷ đồng.

Báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh cũng dẫn ra nhiều vụ phá rừng nổi cộm xảy ra gần đây. Cụ thể, vụ phá rừng trái pháp luật xảy ra tại khoảnh 11, tiểu khu 531, khu vực Sa Mưa, thôn Gia Cao, xã Phước Gia (Hiệp Đức), với gần 2ha diện tích rừng tự nhiên bị tàn phá, 304 cây gỗ bị triệt hạ với khối lượng hơn 40m3.

Tại vùng cao Phước Sơn, xã Phước Hiệp nổi lên như “điểm nóng” phá rừng, và mới đây lực lượng chức năng phát hiện tại khoảnh 1, 2 tiểu khu 652 và khoảnh 10 tiểu khu 645 (xã Phước Hiệp) gần 81m3 gỗ trong rừng phòng hộ đã bị tận thu trái phép.

Còn ở Tiên Phước tái diễn dai dẳng nạn phá rừng đầu nguồn Tiên Lãnh, cụ thể là ở khoảnh 1 tiểu khu 557 và khoảnh 5 tiểu khu 556 xã Tiên Lãnh.

Trong khi đó, tại Phú Ninh, cơ quan kiểm lâm đã xác định được khối lượng lâm sản bị thiệt hại gần 123m3 trong vụ phá rừng phòng hộ trái pháp luật xảy ra tại khoảnh 2, 3 tiểu khu 590 (xã Tam Lãnh) và khoảnh 1, 2 tiểu khu 578 và khoảnh 7 tiểu khu 579 (xã Tam Lộc).

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, tình trạng lấn chiếm đất rừng để trồng rừng vẫn còn xảy ra nhưng các địa phương chưa xử lý để thu hồi đất và lập phương án quản lý theo Luật Đất đai.

Thêm vào đó, một số vụ việc vi phạm đã khởi tố vụ án hình sự chuyển cơ quan cảnh sát điều tra (đang trong giai đoạn điều tra) do chưa có kết luận định giá tài sản thiệt hại và đối tượng vi phạm nên chưa tiến hành truy tố, xét xử.

Diện tích rừng bị khai thác trái phép chủ yếu do UBND xã quản lý, thuộc diện tích chưa giao, chưa cho thuê, đang thực hiện các chính sách bảo vệ rừng theo Nghị định số 75 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020; Quyết định số 886 của Thủ tướng phê duyệt chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020.

Nhìn nhận về tồn tại trong quản lý, bảo vệ rừng, theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Từ Văn Khánh, công tác phối hợp giữa kiểm lâm với chủ rừng và chính quyền địa phương đạt hiệu quả chưa cao, nhất là phối hợp tuần tra, truy quét; lập và chuyển giao nhận hồ sơ ban đầu giữa các ban quản lý rừng phòng hộ và các hạt kiểm lâm; phối hợp rà soát, kiểm tra biến động tài nguyên rừng, đánh giá hiện trạng rừng để cập cập diễn biến rừng cũng như xác nhận diện tích chi trả dịch vụ môi trường rừng.

TRẦN HỮU