Tây Giang phát triển mạnh đảng sâm và ba kích tím
Huyện Tây Giang bước đầu đã hình thành 2 vùng chuyên canh cây dược liệu quy mô lớn là đảng sâm và ba kích tím.
Tạo vùng dược liệu hàng hóa
Tây Giang là địa phương có thế mạnh về cây dược liệu với nhiều loài có giá trị kinh tế, như ba kích, đảng sâm, cây sâm bảy lá một hoa, chè dây... Những năm qua, từ nhiều nguồn vốn như chương trình giảm nghèo, nông thôn mới, nguồn khuyến khích từ Nghị quyết 202 của HĐND tỉnh và Quyết định 2950 của UBND tỉnh, huyện Tây Giang đã hỗ trợ người dân tự phát triển cây dược liệu trên tổng diện tích gần 1.475ha.
Trong đó, địa phương ưu tiên phát triển 2 loại cây dược liệu bản địa gồm đảng sâm và ba kích tím. Theo Phòng NN&PTNT huyện, diện tích chuyên trồng cây dược liệu chủ lực gồm đảng sâm là hơn 540ha tại 3 xã vùng cao, cho sản lượng trung bình 15 - 20 tạ/ha/năm. Diện tích cây ba kích hơn 332ha, chủ yếu tại xã Lăng và một phần Tr’Hy, cho sản lượng khoảng 50 - 60 tạ/ha/5 năm.
Ông Trần Văn Ta - Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết, bước đầu đã hình thành hai vùng dược liệu lớn tại xã Ch’Ơm và xã Lăng. Đầu ra của cây dược liệu từng bước ổn định, có sự liên kết với các hợp tác xã nông nghiệp và các tư thương trong và ngoài huyện. Sản phẩm từ ba kích, đảng sâm được phát triển đa dạng và chế biến sâu.
Năm 2019, sản phẩm từ dược liệu tham gia Chương trình OCOP cấp tỉnh đạt 3 - 4 sao gồm rượu ba kích, rượu đảng sâm Tây Giang. Năm 2020, tiếp tục có 3 sản phẩm gồm đảng sâm ngâm mật ong đạt 3 sao, cao ba kích Tây Giang và trà túi lọc đảng sâm đạt 4 sao.
Tại xã Tr’Hy, đã có hàng chục hộ dân được hỗ trợ giống cây ba kích tím. Anh Coor Tân (thôn Voòng, xã Tr’Hy) chia sẻ, gia đình anh có hơn 1ha rẫy, trước đó được xã và huyện cấp gần 200 cây giống ba kích tím để trồng. Qua 2 năm, rẫy ba kích của anh Coor Tân đã cho thu hoạch củ, tạm thu về hơn 30 triệu đồng.
“Cây ba kích tím nếu có đầu ra ổn định sẽ giúp người dân cải thiện thu nhập đáng kể. Mỗi ký củ ba kích bán ra thị trường có giá 300 - 400 nghìn đồng. Nhưng tập quán canh tác của bà con vẫn còn lạc hậu, chưa có sự đầu tư chăm sóc hợp lý nên năng suất chưa cao và thị trường còn bấp bênh, thiếu bền vững” - anh Coor Tân nói.
Xây dựng chuỗi liên kết
Tây Giang phấn đấu đến năm 2025 sẽ nâng diện tích trồng cây dược liệu toàn huyện lên 2.500ha, tạo giá trị gia tăng từ các sản phẩm dược liệu, tạo thu nhập ổn định và phấn đấu đưa 1 - 2% hộ nghèo có tham gia liên kết trồng dược liệu thoát nghèo. Cây đảng sâm được ưu tiên phát triển tại 3 xã vùng cao Ch’Ơm, Ga Ry và A Xan.
Cây ba kích tập trung tại 6 xã vùng thấp, trọng tâm là 3 xã Lăng, Tr’Hy và A Tiêng. Cây sả hương phát triển tại 3 xã A Xan, Tr’Hy và A Tiêng. Một số cây dược liệu hỗ trợ cũng được khuyến khích trồng gồm sơn tra (táo tây), chè dây, tiêu rừng, sa nhân, sâm 7 lá 1 hoa, quế nam, gừng...
Từ thành công của kết quả nghiên cứu di thực cây sâm Ngọc Linh từ Nam Trà My về xã Ch’Ơm vào năm 2004, huyện đề xuất tỉnh tiếp tục hỗ trợ di thực 1.000 cây sâm Ngọc Linh trồng tại Ch’Ơm.
Tây Giang đã xây dựng thành công chuỗi giá trị từ cây sả hương, tạo đà cho doanh nghiệp, hướng tới phát triển vùng nguyên liệu từ cây sả. Các cơ sở kinh doanh cây dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu như Chính Châu, Đức Huy và một số cơ sở nhỏ như Hợp tác xã Thiên Bình, Hợp tác xã Nông nghiệp Ch’Ơm, Ga Ry thời gian qua đã tham gia liên kết cung ứng giống, sản xuất, tiêu thụ cây ba kích, đảng sâm với người dân.
Ông Lê Hoàng Linh - Phó Chủ tịch UBND huyện nói, địa phương mong muốn tạo nhiều sản phẩm, tạo chuỗi giá trị gia tăng, từng bước nâng cao nhận thức của người dân về liên kết phát triển cây dược liệu, tránh tình trạng bị tư thương ép giá.
Song, vấn đề hiện nay là kế hoạch phát triển vùng dược liệu chưa đồng bộ và đầu ra sản phẩm chưa ổn định. Khi phát triển 500ha hay 1.000ha nguyên liệu thì phải có doanh nghiệp vào thu mua, chế biến sâu.
Nếu người dân làm ra không có người mua, sẽ rất khó khăn. Huyện đang bám sát quy hoạch phát triển cây dược liệu, kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư nhà máy vào vùng dược liệu, xây dựng hệ thống chế biến sâu.
“Địa phương đang khuyến khích xây dựng lại các chuỗi liên kết bị đứt gãy do đại dịch, mở rộng vùng dược liệu theo hướng liên kết, thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, tiến tới đăng ký nhãn hiệu tập thể đối với cây ba kích và đẳng sâm, tạo các sản phẩm đặc hữu vùng” - ông Linh cho biết.