Đầu độc rừng thông bằng hóa chất để mở rộng đất trồng keo
(QNO) - Bên cạnh một số gốc thông bị cưa sát gốc thì có đến 200 gốc bị khoan vào thân và rồi bơm vào thứ hóa chất màu xanh. Sau khi bị đầu độc bằng hình thức này, lá trên một số cây thông đã chuyển sang màu vàng, khả năng sẽ chết. Cơ quan chức năng nhận định đây là hành vi hủy hoại rừng thông, xâm lấn đất rừng để mở rộng diện tích trồng keo.
Theo trình báo của Xí nghiệp Lâm nghiệp Quảng Nam gửi ngành chức năng tỉnh Quảng Nam, diện tích rừng thông bị hủy hoại khoảng 0,5ha, tại vị trí Lô f, Khoảnh 6, Tiểu khu 592 (xã Tam Xuân 2, Núi Thành).
Khoảng 200 cây thông nằm trong diện tích trên bị khoan từ 1 – 3 lỗ, mỗi lỗ khoan có đường kính từ 5mm đến 10mm và có độ sâu 8cm – 10cm. Trong lỗ khoan còn thấy rõ dung dịch màu xanh lơ.
Theo dấu vết tại hiện trường thì lỗ khoan do mũi khoan máy tạo ra, từ sát gốc trở lên, thời điểm khoan từ khoảng từ 5 - 7 ngày trước thời điểm kiểm tra (ngày 4.7.2022).
Hiện tại, một số cây thông có dấu hiệu chuyển màu vàng lá, khả năng sẽ chết. Điều đáng nói, dưới tán rừng thông bị phá hoại có cây keo do người dân trồng xâm lấn vào.
Theo nhận định của cán bộ Xí nghiệp Lâm nghiệp Quảng Nam thì các đối tượng khoan phá hoại cây nhằm tạo ra khoảng trống để xâm chiếm đất trồng keo nguyên liệu. Giá trị thiệt hại ước tính khoảng trên 156 triệu đồng.
Được biết, toàn bộ diện tích rừng thông do Xí nghiệp Lâm nghiệp Quảng Nam đang quản lý đã có chứng chỉ FSC, không khai thác gỗ, chỉ nuôi dưỡng để bảo tồn hệ sinh thái, bảo vệ môi trường.
Ông Từ Văn Khánh – Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm tỉnh cho biết, hiện nay giá keo nguyên liệu đang tăng rất cao (1,6 triệu đồng/tấn) khiến tăng nguy cơ người dân xâm lấn diện tích rừng tự nhiên để lấy đất trồng keo.
Đồng thời, ông cũng kiến nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo việc tháo gỡ các vướng mắc để hồi tố xử lý đối với 148 vụ phá rừng xảy ra trước thời điểm UBND tỉnh ban hành Quyết định về quy định khung giá rừng và cho thuê rừng trên địa bàn tỉnh (Quyết định 02 ngày 12.1.2022).
Liên quan đến 148 vụ phá rừng, hủy hoại rừng chưa được xử lý, theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, hiện đã có khung giá rừng, nhưng việc hồi tố xử lý khó. Song phải xử lý nghiêm, không để tồn tại kéo dài. UBND tỉnh đã gửi văn bản đến Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và một số bộ ngành liên quan để tham vấn ý kiến về hướng giải quyết.
Theo đó, các cơ quan tư pháp tỉnh cần liên hệ để sớm có trả lời, có căn cứ xử lý, nếu không việc xử lý 148 vụ phá rừng này sẽ rất khó. Quan điểm của tỉnh là các vụ việc phá rừng trái phép phải được làm rõ, xử lý nghiêm để răn đe, góp phần tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên rừng của người dân và tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước của ngành chức năng.