Định vị thương hiệu quốc bảo sâm Ngọc Linh - Bài 1: Bảo tồn nguồn gen gốc

ALĂNG NGƯỚC - DIỄM LỆ 06/07/2022 05:42

Xây dựng “Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030 và định hướng 2045” nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, loài cây đặc hữu có giá trị cao đang được Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam, tỉnh Kon Tum lấy ý kiến chuyên gia, doanh nghiệp. Đây cũng là cơ hội bảo tồn, phát huy giá trị cây sâm Ngọc Linh ở vùng bản địa huyện Nam Trà My và việc định vị thương hiệu quốc bảo trên thị trường. 

Sâm Ngọc Linh được trồng dưới tán rừng già. Ảnh: N.L
Sâm Ngọc Linh được trồng dưới tán rừng già. Ảnh: N.L

BÀI 1: BẢO TỒN NGUỒN GEN GỐC

Xác định bảo tồn nguồn gen giống sẽ giúp ngăn ngừa sự “lai tạp” từ bên ngoài, hướng đến bảo lưu giá trị sâm gốc Ngọc Linh đạt chất lượng, nhiều năm qua, chính quyền và ngành chuyên môn đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, đem lại hiệu quả cao.

Ngoài giám sát hỗ trợ của chính quyền địa phương, vai trò của cộng đồng được đẩy mạnh, như một rào chắn vững chắc giúp ngăn chặn giống sâm “ngoại lai” có cơ hội trà trộn vào thủ phủ sâm Ngọc Linh.

Cộng đồng chung tay bảo tồn

Ông Hồ Văn Dang - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Linh (Nam Trà My) cho biết, chủ trương tăng cường kiểm soát, ngăn ngừa tình trạng giống sâm Ngọc Linh kém chất lượng từ bên ngoài lọt vào địa phương được triển khai từ nhiều năm trước. Chủ trương và hành động đi đôi đã đem lại hiệu quả khả quan, giúp người dân yên tâm hơn khi đầu tư vườn sâm dưới tán rừng.

Ông Dang nói: “Chúng tôi thành lập đội kiểm soát liên ngành của xã làm nhiệm vụ kiểm định chất lượng giống sâm, cũng như chất lượng sâm Ngọc Linh. Đều đặn hàng tháng, đội liên ngành này đến kiểm tra tại các điểm chốt, nhằm kịp thời phát hiện giống sâm không đảm bảo chất lượng có nguy cơ trà trộn”.

Ông Trần Duy Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, cây sâm Ngọc Linh đang được gìn giữ, bảo tồn và phát triển hiệu quả ở huyện Nam Trà My. Người dân được hỗ trợ giống, được hướng dẫn kỹ thuật trồng, bảo vệ, nhân giống trong điều kiện thời tiết bất lợi. Đến nay, hộ dân tham gia trồng sâm Ngọc Linh đã cơ bản thành thạo những kỹ thuật trồng, chăm sóc cây sâm, nhờ đó năng suất, hiệu quả từ việc trồng cây sâm ngày càng tăng. Với định hướng từ “Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030 và định hướng 2045”, huyện Nam Trà My sẽ vào cuộc tích cực cùng với các đơn vị, ngành của tỉnh và trung ương, đưa sâm Ngọc Linh trở thành thương hiệu quốc gia, phát triển vươn tầm thế giới.

Theo ông Dang, cùng với đội kiểm soát của xã, người dân địa phương cũng ý thức rất cao trong việc “nói không” với tình trạng mua, bán sâm không đảm bảo chất lượng từ bên ngoài.

Nhiều hộ trồng sâm tự gieo ươm giống tại chỗ, cam kết hỗ trợ hộ khó khăn phát triển kinh tế, mở rộng vườn trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng.

Tiêu biểu như hộ Nguyễn Văn Lượng, Hồ Văn Du và một số hộ thanh niên khác, đều sử dụng nhân công tại chỗ, mọi người đều được trả công bằng sâm giống, vừa giúp họ có thêm điều kiện mở rộng diện tích trồng sâm, vừa nâng cao ý thức và trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo tồn nguồn gen giống sâm Ngọc Linh.

Khi ý thức người dân được nâng cao, việc mua giống sâm từ nơi khác không còn là mối lo ngại của chính quyền địa phương. Vì thế, ở Trà Linh, cộng đồng chính là chủ thể trong việc chung tay gìn giữ giống sâm quý hiếm, giúp nguồn gen được bảo tồn hiệu quả.

Già Hồ Văn Du (nóc Măng Lùng, thôn 2, xã Trà Linh) là người đầu tiên của cộng đồng Xê Đăng trồng, chăm sóc và phát triển sâm Ngọc Linh, và được xem là người có vai trò rất lớn trong việc bảo tồn giống sâm chuẩn tại địa phương. Ông cũng là người truyền nối, khuyến khích người dân trồng sâm dưới tán rừng để làm giàu, góp phần giúp “cây thuốc giấu” có được thương hiệu như bây giờ.

Già Du nói, ông yêu sâm như yêu cộng đồng làng, xem đó là động lực để ông miệt mài bảo tồn nguồn gen chất lượng nhằm hỗ trợ cộng đồng.

“Tôi động viên bà con không nên mua giống sâm từ bên ngoài, bởi chất lượng không ai biết có tốt hay không. Sâm của mình từ bao đời rồi, mình trồng nên biết nó như thế nào. Vì thế, mình phải sử dụng giống sâm của mình ươm, mình chăm sóc để tránh sâm bị “lộn xộn”, mất giá trị. Như thế sẽ rất có lỗi với những người trồng sâm, giữ sâm Ngọc Linh” - già Du chia sẻ.

Giữ và nhân giống nguồn gen quý

Ngay tại vùng đất Trà Linh, Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam (thuộc Sở NN&PTNT) đã tiếp nhận nguyên hiện trạng Trạm dược liệu do Sở Y tế bàn giao từ năm 2015 với hơn 170 nghìn cây sâm tại vườn sâm gốc, được trồng trên diện tích 4,15ha.

Sâm Ngọc Linh đã được bảo tồn nguồn gen gốc, nhân giống cung ứng cho người dân và doanh nghiệp. Ảnh: N.L
Sâm Ngọc Linh đã được bảo tồn nguồn gen gốc, nhân giống cung ứng cho người dân và doanh nghiệp. Ảnh: N.L

Sau khi tiếp nhận, trung tâm đã thực hiện các kỹ thuật cần thiết chống xói mòn, rửa trôi do độ dốc lớn, chống dịch bệnh trên cây sâm... Ngoài ra, trung tâm đã tập trung cho công việc bảo tồn, lưu giữ và trồng mới sâm Ngọc Linh. Diện tích trồng sâm hiện nay đã tăng lên hơn 10ha trong tổng diện tích hơn 50ha phục vụ công tác trồng, bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh.

Tính đến nay, số lượng sâm giống từ 2 năm tuổi trở lên tại vườn sâm giống là hơn 252 nghìn cây. Số sâm giống này đã được trung tâm cung ứng cho doanh nghiệp, nhân dân trên địa bàn huyện Nam Trà My trồng ở vùng có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp.

Ông Trần Ngọc Bằng - Giám đốc Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam cho biết, không chỉ bảo tồn, nhân giống, trung tâm còn thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trồng sâm Ngọc Linh cho nhân dân và doanh nghiệp có nhu cầu.

Trung tâm đã phối hợp với Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh tham mưu Sở NN&PTNT ban hành “Hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch cây sâm Ngọc Linh”.

Đây là cẩm nang để cán bộ kỹ thuật hỗ trợ nhân dân trong việc trồng, chăm sóc cây sâm Ngọc Linh dưới tán rừng. Khoảng 1.000 hộ dân tại các xã Trà Linh, Trà Cang, Trà Nam đã được tập huấn kỹ thuật. Trung tâm đã cơ bản làm chủ được công tác gieo ươm, chăm sóc cây giống trước những điều kiện bất lợi, khó khăn của thời tiết.

 

Thực hiện các bước đi nhằm bảo vệ, gìn giữ giống sâm Ngọc Linh, Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam đã thực hiện 2 đề án khung nhằm phục vụ xây dựng Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia sâm Ngọc Linh đến năm 2030 được Bộ Khoa học & công nghệ phê duyệt.

Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) đã cấp Bằng bảo hộ giống đối với cây trồng mới sâm Ngọc Linh tại trung tâm, và đơn vị đã công bố tiêu chuẩn cơ sở cây giống sâm Ngọc Linh. Đây là cơ sở khoa học và hành lang pháp lý để thực hiện công tác bảo tồn nguồn gen, sản xuất, cung ứng cây giống sâm Ngọc Linh đạt tiêu chuẩn.

Nam Trà My đã xác định đẩy mạnh việc trồng cây sâm Ngọc Linh nói riêng và các cây dược liệu nói chung là hướng ưu tiên để phát triển kinh tế. Điều thuận lợi là thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển cây dược liệu.

Cùng với chính sách của tỉnh, huyện ban hành các cơ chế phù hợp, khuyến khích nhân dân, doanh nghiệp cùng chung tay bảo tồn, phát triển loại sâm quý hiếm. Trên địa bàn huyện Nam Trà My có 7 xã được quy hoạch vùng bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh, gồm Trà Linh, Trà Cang, Trà Nam, Trà Dơn, Trà Tập, Trà Leng và Trà Don với tổng diện tích quy hoạch 15.568ha.

Tổng diện tích rừng cho thuê môi trường rừng trên địa bàn huyện để trồng sâm Ngọc Linh và dược liệu là hơn 792ha, với 41 nhóm hộ/512 hộ dân, 18 tổ chức, doanh nghiệp. Theo UBND huyện Nam Trà My, hiện có nhiều nhóm hộ, doanh nghiệp lập thủ tục cho thuê môi trường rừng, các cơ quan chuyên môn đang xem xét, phê duyệt với tổng diện tích hơn 901ha.

----------------
Bài 2: Còn nhiều rào cản

ALĂNG NGƯỚC - DIỄM LỆ