Di thực sâm Ngọc Linh về Núi Chúa
UBND huyện Núi Thành vừa thông qua phương án thử nghiệm di thực sâm Ngọc Linh trồng dưới tán rừng tại xã khu vực Núi Chúa, xã miền núi Tam Trà và bắt đầu thực hiện từ tháng 6.2022.
Tại Núi Chúa, Phòng NN&PTNT huyện Núi Thành đã trồng thử nghiệm các loại cây dược liệu, trong đó có cây sâm Ngọc Linh và bước đầu phát triển tốt. Nhằm phát triển các loài cây dược liệu có giá trị, UBND huyện Núi Thành vừa xây dựng và thông qua phương án thử nghiệm di thực sâm Ngọc Linh trồng dưới tán rừng tại xã khu vực Núi Chúa.
Ông Nguyễn Ngọc Linh - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Núi Thành cho biết, mục tiêu của phương án là theo dõi, đánh giá được khả năng thích nghi, sinh trưởng của cây sâm Ngọc Linh đối với điều kiện tự nhiên của khu vực Núi Chúa để có kế hoạch triển khai mô hình trồng sâm với quy mô lớn.
Đánh giá được dược tính của cây sâm Ngọc Linh di thực trồng tại khu vực Núi Chúa so với cây sâm trồng tại Nam Trà My. Cây sâm Ngọc Linh trồng ở Núi Chúa đạt tỷ lệ sống tối thiểu 30% sau 1 năm trồng; có sinh trưởng, tăng về sinh khối trong 2 năm tiếp theo.
Sâm Ngọc Linh được trồng tại khu vực rừng đã khảo sát và lựa chọn tại khu vực Núi Chúa thuộc khoảnh 3, 4, 5 tiểu khu 612, có độ cao từ 1.200 - 1.300m so với mực nước biển. Thời gian thực hiện trong 30 tháng, từ tháng 6.2022 đến tháng 8.2024.
Địa điểm trồng thử nghiệm sâm tại khu vực đất dưới tán rừng, có độ mùn che phủ nhiều ở tại khu vực Núi Chúa quy mô khoảng 2.000m2 với 1.000 cây giống sâm Ngọc Linh 1 năm tuổi.
Việc triển khai phương án được thực hiện theo hình thức cơ quan nhà nước (Phòng NN&PTNT) trực tiếp thực hiện với sự tham gia hỗ trợ, liên kết của đơn vị, doanh nghiệp có kinh nghiệm trong việc trồng sâm và hưởng lợi (nếu có) của người dân.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành Ngô Đức An, sau khi hoàn thành việc thiết lập vườn sâm Ngọc Linh, UBND huyện sẽ ban hành quy chế hoạt động của vườn, trong đó chú trọng đến vấn đề khai thác, thu lợi ích kinh tế từ vườn sâm sau này. Các nguồn thu nhập được tạo ra từ phương án trồng thử nghiệm sâm Ngọc Linh là nguồn thu ngân sách huyện, được sử dụng để mở rộng vườn sâm Ngọc Linh.
Tùy theo yêu cầu thực tế trong tương lai, UBND huyện có thể thành lập ban quản lý vườn sâm trực thuộc UBND huyện để thực hiện các nhiệm vụ trên. Dự toán tổng kinh phí thực hiện phương án thử nghiệm di thực sâm Ngọc Linh trồng dưới tán rừng tại xã khu vực Núi Chúa gần 1,5 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh 300 triệu đồng (hỗ trợ trực tiếp bằng 1.000 cây giống), còn lại là ngân sách huyện đầu tư.