Thiết lập hành lang an toàn cho các khu bảo tồn

TRẦN NGUYỄN 17/05/2022 06:36

Ngoài Vườn quốc gia Sông Thanh, thì 2 khu bảo tồn loài (Sao la và voi Nông Sơn) đang được bảo vệ nghiêm ngặt và bước đầu cho thấy được các giá trị bảo tồn đa dạng sinh học mang lại.

Cán bộ, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của Ban Quản lý khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi tuần tra rừng trong lâm phận quản lý. Ảnh: T.N
Cán bộ, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của Ban Quản lý khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi tuần tra rừng trong lâm phận quản lý. Ảnh: T.N

Điểm sáng nổi bật về quản lý bảo vệ rừng năm 2021 ở Khu bảo tồn loài Sao la là không để xảy ra vụ cháy rừng nào trong lâm phận được giao.

Theo ông Lê Hoàng Sơn - Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn loài Sao la, một trong những yếu tố quyết định cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học chính là cơ chế chính sách thực sự đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả.

Năm 2021, diện tích chi trả dịch vụ môi trường rừng với Khu bảo tồn loài Sao la (gồm lâm phận 2 huyện Đông Giang và Tây Giang) là hơn 15.300ha; trong đó diện tích tự quản lý bảo vệ 6.700ha, diện tích giao khoán cho 16 cộng đồng dân cư nhận khoán bảo vệ rừng là 8.622ha.

Tổng số tiền Ban Quản lý Khu bảo tồn loài Sao la đã chi trả cho 16 cộng đồng nhận khoán hơn 5,5 tỷ đồng. Chủ rừng này đã phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện chi trả tiền cho các cộng đồng nhận khoán đầy đủ và kịp thời.

Trước mùa khô năm nay, đơn vị tiếp tục hoàn thiện phương án phòng cháy chữa cháy rừng; duy trì lịch tuần tra, giám sát tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy cao, khu vực rẫy, rừng trồng và lau lách.

Năm 2021, Ban Quản lý Khu bảo tồn loài Sao la phối hợp với lực lương kiểm lâm tổ chức được 76 đợt tuần tra và kiểm tra việc phát nương rẫy của nhân dân tại khu vực giáp ranh trên địa bàn Tây Giang; còn tại huyện Đông Giang tổ chức 84 đợt kiểm tra việc phát nương rẫy.

Trong khi đó, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi Nông Sơn cũng đã thiết lập được hành lang bảo tồn hệ sinh thái rừng khá an toàn với khu vực dân cư bản địa sinh sống.

Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi - ông Mai Văn Dưỡng cho biết, từ sự hỗ trợ của dự án Trường Sơn Xanh mà chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức bảo vệ đàn voi đã có tác dụng.

Theo đó, cả 22 cộng đồng thôn vùng đệm trong khu bảo tồn đã được hỗ trợ phát triển sinh kế bền vững bằng việc xây dựng các hạng mục như đường điện chiếu sáng, vật liệu xây dựng làm tường rào, cổng ngõ, bò giống, lợn giống, cây giống…

Tạo điều kiện để người dân vùng đệm phát triển kinh tế, giảm nạn phá rừng, săn bắt động vật hoang dã. Thời gian qua, khu bảo tồn đã tranh thủ các nguồn hỗ trợ trồng 5km hàng rào xanh bằng cây bồ kết để ngăn cản sự di chuyển của đàn voi vào rừng sản xuất của người dân.

Ông Dưỡng cho biết, năm 2022, đơn vị sẽ trồng 30.000 cây gỗ lớn các loại để phục hồi rừng ở các khu vực bị sạt lở, xảy ra cháy rừng nhằm nâng độ che phủ rừng trong lâm phận khu bảo tồn, góp phần giảm nhẹ thiên tai.

Còn Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Nông Sơn Lê Đức Tuấn, nói: “Lực lượng kiểm lâm đã yêu cầu các quán ăn, nhà hàng thực hiện ký cam kết không được kinh doanh, buôn bán, tiêu thụ các động vật và sản phẩm từ động vật hoang dã. Ngoài ra, đơn vị phối hợp với Ban Quản lý khu bảo tồn và sinh cảnh voi thường xuyên tháo dỡ các bẫy thú rừng”.

TRẦN NGUYỄN