Nam Giang phát triển rừng trồng gỗ lớn
Cùng với xây dựng kế hoạch hình thành các vườn ươm quy mô lớn đảm bảo cung ứng cho phát triển lâm nghiệp, hướng đến trồng rừng gỗ lớn, Nam Giang đang từng bước mở rộng diện tích trồng cây ăn quả mang giá trị kinh tế cao tại cộng đồng.
Thí điểm vườn ươm
Từ chủ trương khuyến khích của chính quyền địa phương về phát triển rừng trồng, vài năm trở lại đây, nhiều hộ dân và các đơn vị chuyên ngành lâm nghiệp trên địa bàn Nam Giang đã mở rộng các điểm gieo ươm cây giống, xem đó như một cách thí điểm mô hình vườn ươm trong cộng đồng.
Ông Arất Bhen - Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Giang cho biết, bên cạnh làm tốt công tác quản lý và bảo vệ rừng, thời gian qua, đơn vị thí điểm triển khai mô hình gieo ươm nhằm chủ động hơn về nguồn cây giống lâm nghiệp tại chỗ. Để vườn ươm phát triển tốt, đơn vị phối hợp với các cơ quan chuyên môn hỗ trợ kỹ thuật gieo, đồng thời áp dụng chuyển giao công nghệ, đáp ứng sinh trưởng cho từng loại cây giống.
“Năm 2021, thực hiện chương trình hỗ trợ sinh kế, giảm nghèo của huyện, chúng tôi tổ chức ươm hơn 83.000 cây keo cấp phát cho các hộ dân khó khăn trên địa bàn. Qua đánh giá, những cây keo giống này đang phát triển tốt. Hiện nay, chúng tôi cũng ươm thử nghiệm hơn 1.000 cây ươi giống, nếu kết quả khả quan sẽ giúp bảo tồn giống cây quý, phục vụ phát triển trồng rừng gỗ lớn trong cộng đồng” - ông Bhen chia sẻ.
Cũng như Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Giang, vài năm trở lại đây, Vườn quốc gia Sông Thanh bắt đầu triển khai ươm cây giống, phục vụ nhu cầu trồng rừng của người dân. Sau thời gian gieo ươm, hàng nghìn cây giống lim, ươi đang phát triển tốt, mở ra cơ hội phát triển rừng trồng gỗ lớn tại địa phương.
Đại diện Vườn quốc gia Sông Thanh cho biết, trong định hướng của đơn vị, cùng với nhiệm vụ giữ rừng, sẽ mở rộng quy mô vườn ươm cây giống nhằm kịp thời hỗ trợ cũng như tạo thói quen trồng rừng trong cộng đồng vùng cao.
Mới đây, tại lễ ra quân chương trình trồng cây xanh của địa phương, Vườn quốc gia Sông Thanh đã hỗ trợ hơn 1.200 cây lim để người dân trồng dọc tuyến dân cư và khu đất trống thuộc Tổ quản lý bảo vệ rừng Khe Lênh (xã Đắc Pring).
Mở rộng diện tích rừng trồng
Xác định trồng cây lâm nghiệp, nhất là rừng gỗ lớn mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân, những năm qua, Nam Giang tích cực vận động các tổ chức, cá nhân trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Ngoài mở rộng diện tích rừng trồng gỗ lớn, địa phương chú trọng phát triển các mô hình sinh kế dưới tán rừng, xem đó là cơ hội để người dân cụ thể hóa chủ trương “lấy ngắn nuôi dài” trong phát triển lâm nghiệp.
Ông Nguyễn Đăng Chương - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho hay, chủ trương trồng rừng gỗ lớn đang lan tỏa trong người dân địa phương, hình thành nên các mô hình trồng cây lâm nghiệp trên địa bàn. Qua công tác vận động, khích lệ của địa phương, một số hộ dân, đặc biệt là hộ thanh niên đã mạnh dạn gieo ươm, mở rộng diện tích rừng trồng. Đây thực sự là tín hiệu vui cho ngành lâm nghiệp địa phương, góp sức cho nỗ lực chung của tỉnh trong kế hoạch trồng rừng gỗ lớn.
Theo ông Chương, nhằm khuyến khích người dân trồng rừng, những năm qua, Nam Giang triển khai nhiều nghị quyết chuyên đề về phát triển nông - lâm nghiệp gắn với phát triển sinh kế dưới tán rừng.
Nhiều mô hình chuyển đổi theo hướng “3 cây, 3 con” cũng cho thấy hiệu quả về kinh tế, tạo thói quen giúp người dân khai thác dần chuỗi giá trị từ rừng. Tiêu biểu như vườn ươm của Arất Cưng (thôn Abát, xã Chà Vàl) trở thành nguồn cung ứng chính giống cây gáo, rang rây… giúp người dân vùng cao phát triển kinh tế.
“Mới đây, Ban Dân tộc tỉnh đã có chuyến khảo sát và chọn địa điểm tại xã Tà Pơơ để xây dựng vườn ươm cây giống đảm bảo quy chuẩn thiết kế với diện tích dự kiến khoảng 7.000ha. Chủ trương này được triển khai đầu tư theo nguồn lực Nghị quyết 88 về Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 của Quốc hội.
Trong tương lai, vườn ươm Tà Pơơ không chỉ đáp ứng cho phát triển lâm nghiệp tại địa phương, mà còn cung ứng cho các huyện miền núi lân cận, từng bước hoàn thiện mục tiêu trồng rừng gỗ lớn của tỉnh” - ông Chương nói.