Hồi sinh chè Quyết Thắng

ALĂNG NGƯỚC 07/04/2022 03:47

Sau những thăng trầm của thời cuộc, cuối cùng Nông trường chè Quyết Thắng (xã Ba, Đông Giang) cũng có… “bến đỗ” mới. Một hành trình vực dậy, tìm lại thương hiệu cho hương chè xứ Quảng đang dần hiện hữu.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh khảo sát mô hình ươm giống chè chất lượng cao tại Nông trường Quyết Thắng. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh khảo sát mô hình ươm giống chè chất lượng cao tại Nông trường Quyết Thắng. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Mở rộng thị trường

Nông trường chè Quyết Thắng cổ phần hóa vào năm 2017 thành Công ty CP Nông lâm nghiệp Quyết Thắng Quảng Nam với những nỗ lực tái cơ cấu sản xuất, đổi mới hình thức kinh doanh và mở rộng thị trường, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Công ty đang quản lý khoảng 300ha đất nông nghiệp trồng chè và xen canh cây keo. Sau 5 năm cổ phần hóa, công ty giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động là đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương, với thu nhập bình quân 200 - 250 nghìn đồng/người/ngày.

Ông Nguyễn Đại Trường - Phó Giám đốc Công ty CP Nông lâm nghiệp Quyết Thắng Quảng Nam cho biết, mục tiêu của đơn vị ngoài duy trì và và phát triển giống chè chất lượng bản địa, còn hướng đến thay đổi hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh đa chiều, đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ. Đây là hướng đi mới nhằm tái cơ cấu cây trồng, đảm bảo mở rộng quy mô sản xuất tại chỗ.

“Công ty đang nghiên cứu, gieo ươm thí điểm các giống chè mới cho năng suất cao, phù hợp với thổ nhưỡng tại địa phương nhằm thay thế dần các diện tích chè già cỗi, với diện tích khoảng 50ha. Nhờ đó, nhiều khu vực đồi chè đã từng bước được xanh hóa, phục hồi” - ông Trường chia sẻ.

Công nhân địa phương khai thác chè tươi tại nông trường. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Công nhân địa phương khai thác chè tươi tại nông trường. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Cũng theo ông Trường, qua khảo sát, hiện nhu cầu sử dụng chè xanh ngày càng tăng cao, thị trường tiêu thụ rộng lớn. Tín hiệu vui này được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội liên kết, giúp mở rộng thị trường tiềm năng tiêu thụ sản phẩm chè Quyết Thắng.

Để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, những năm gần đây, Công ty CP Nông lâm nghiệp Quyết Thắng Quảng Nam nghiên cứu sản xuất và cho ra đời nhiều sản phẩm trà chất lượng. Ngoài “Trà Quyết Thắng” được công nhận đạt chuẩn OCOP vào năm 2019, các sản phẩm “Trà xanh” và “Trà Ô long” cũng được công nhận vào năm 2020.

Đặc biệt, “Trà Quyết Thắng” được công nhận là sản phẩm đạt chất lượng quốc gia năm 2020, mở ra nhiều cơ hội để công ty vực dậy thương hiệu sản phẩm trà độc đáo còn sót lại duy nhất của xứ Quảng.

“Định hướng của công ty, bên cạnh mở rộng quy mô vùng trồng nguyên liệu tại chỗ, sẽ khuyến khích người dân tham gia trồng mới, giúp đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập bền vững” - ông Trường nói.

Khoanh vùng khai thác

Đánh giá cao tầm nhìn chiến lược của Công ty CP Nông lâm nghiệp Quyết Thắng Quảng Nam trong việc tái cơ cấu giống chè địa phương, tại chuyến khảo sát mô hình sản xuất chè Quyết Thắng mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, nỗ lực di thực và trồng thành công giống chè Lâm Đồng sau khi chuyển giao công nghệ đã cho thấy hướng đi mới mang tính đột phá của công ty. Điều đó càng ý nghĩa hơn trong điều kiện công ty gặp rất nhiều khó khăn và thuận lợi đan xen, kể từ khi tiếp nhận nông trường chè.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu, bên cạnh tiếp tục phát triển giống chè bản địa để tổ chức khai thác hiệu quả, cần khoanh vùng diện tích trồng chè mới, nghiên cứu phối hợp và liên kết với các hộ dân ở khu vực xã Ba, xã Tư - nơi có điều kiện trồng chè trong vườn nhằm từng bước chuyển giao giống, tổ chức sản xuất quy mô lớn.

Sau 5 năm cổ phần hóa, đồi chè Quyết Thắng được phủ xanh trở lại. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Sau 5 năm cổ phần hóa, đồi chè Quyết Thắng được phủ xanh trở lại. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Để mở rộng quy mô đất trồng chè, hướng đến xây dựng nhà máy đáp ứng nhu cầu vùng sản xuất nguyên liệu tại chỗ mang tính chủ động, chính quyền địa phương cần hỗ trợ, tạo điều kiện giúp người dân thu mua, sản xuất các sản phẩm chè mang thương hiệu Quyết Thắng.

“Qua báo cáo của công ty, sau thời gian cổ phần hóa tại nông trường chè Quyết Thắng, bình quân mỗi công nhân được hưởng khoảng 5,7 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập này với người dân miền núi, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số cũng thuộc loại khá. Trong tương lai, nếu người dân được khuyến khích và mở rộng diện tích trồng, nguồn thu nhập sẽ được tăng thêm đáng kể, góp phần rất lớn vào mục tiêu giảm nghèo bền vững của địa phương nông thôn mới” - ông Thanh nói.

Với điều kiện mặt bằng đẹp, địa hình đồi dốc thoai thoải và cự ly rất gần TP.Đà Nẵng, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh tin tưởng khu vực chè Quyết Thắng hoàn toàn có thể kết hợp để khai thác du lịch và trang trại chăn nuôi.

Sự tích hợp này được kỳ vọng sẽ mang lại giá trị kinh tế hữu ích, không chỉ từ việc khai thác chè, mà còn từ dịch vụ tham quan, nghỉ dưỡng hệ sinh thái du lịch đồi chè độc đáo dưới chân núi Bà Nà.

Nhiều đơn vị du lịch khởi nghiệp cũng đang có ý tưởng liên kết phát triển du lịch từ đồi chè, thông qua các tour du lịch khám phá, trải nghiệm. Vì thế, ngay từ bây giờ, chính quyền địa phương và nhà đầu tư cần có kế hoạch phát triển chè gắn với du lịch sinh thái một cách tối ưu nhất, hướng đến phát triển chuỗi giá trị kinh tế cao ở miền núi.

ALĂNG NGƯỚC