Trồng rừng gỗ lớn gắn với phục hồi hệ sinh thái

TÂM LÊ - MINH THÔNG 02/03/2022 09:00

Đối với huyện có thế mạnh kinh tế rừng như Nông Sơn, việc phát triển rừng gỗ lớn là hướng đi hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích, vừa giúp người dân phát triển kinh tế vừa góp phần bảo vệ môi trường, phục hồi sự đa dạng sinh thái, điều hòa nguồn nước.

Mô hình trồng rừng gỗ lớn của ông Nguyễn Đình Mỹ (thôn Tứ Nhũ, xã Quế Lâm) hứa hẹn cho hiệu quả kinh tế cao.Ảnh: LÊ THÔNG
Mô hình trồng rừng gỗ lớn của ông Nguyễn Đình Mỹ (thôn Tứ Nhũ, xã Quế Lâm) hứa hẹn cho hiệu quả kinh tế cao.Ảnh: LÊ THÔNG

Tư duy “đi trước”

Với diện tích 1,9ha, khu rừng gỗ lớn tại Gò Hầm (thôn Tứ Nhũ, xã Quế Lâm) của gia đình ông Nguyễn Đình Mỹ khiến nhiều người trầm trồ về tư duy “đi trước” về trồng rừng gỗ lớn.

Ông Mỹ cho biết, từ năm 2003, cha ông đi rừng đem cây huỷnh, dầu rái, dó con về trồng xen canh. Đến nay, có gần 3.000 cây, nhiều cây huỷnh đã 19 năm tuổi, đường kính từ 80 - 100mm.

Theo ông Mỹ, việc chăm sóc thực bì cho cây gỗ lớn không tốn nhiều công, cây không bị trâu bò phá hoại, ít bị ảnh hưởng bởi thời tiết, không cần phải bỏ vốn tái đầu tư trồng lại như cây keo.

Trong thời gian chờ thu hoạch gỗ vẫn có thể tỉa thưa bớt huỷnh để bán gỗ đòn đông làm nhà với giá 2 triệu đồng/cây. Dự kiến 10 năm nữa rừng huỷnh của ông Mỹ sẽ khai thác giá bán hiện nay là 9 - 10 triệu đồng/m3³ gỗ huỷnh.

Hiện 1.000 cây dầu rái của ông Mỹ sắp đến tuổi khai thác. Theo tính toán của ông Mỹ, mỗi tháng sẽ thu hoạch 2 đợt, mỗi đợt chỉ tốn 1 ngày công và thu nhập được khoảng 4 triệu đồng.

“Việc chăm sóc, thu hoạch rừng gỗ lớn, nhất là cây dầu rái không tốn nhiều thời gian. Vì vậy thời gian tới, tôi sẽ đầu tư nuôi thêm heo, gà thả vườn và cá. Lấy ngắn nuôi dài, tiếp tục mở rộng diện tích trồng rừng gỗ lớn của gia đình” - ông Mỹ nói.

Mô hình trồng rừng gỗ lớn hứa hẹn cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: LÊ THÔNG
Mô hình trồng rừng gỗ lớn hứa hẹn cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: LÊ THÔNG

Ông Trần Văn Sang - Chủ tịch UBND xã Quế Lâm cho biết, địa phương có diện tích rừng sản xuất lớn với khoảng 1.200ha, điều kiện tự nhiên thuận lợi, phù hợp với việc phát triển trồng rừng gỗ lớn.

Thời gian qua, xã đã triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động người dân trồng rừng gỗ lớn, ưu thế về hiệu quả kinh tế cũng như môi trường, chuyển tư duy từ “ăn non” sang bán gỗ rừng có giá trị kinh tế cao.

“Địa phương sẽ làm thủ tục cấp thêm 1,1ha đất rừng liền kề, hỗ trợ cây giống để ông Mỹ mở rộng diện tích trồng rừng gỗ lớn. Cùng với việc vận động người dân nhân rộng mô hình mẫu của ông Mỹ, xã sẽ đề nghị Phòng NN&PTNT, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật, cây giống để người dân tham gia” - ông Sang cho biết.

Phục hồi hệ sinh thái

Ông Mai Văn Dưỡng - Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi xác định, bên cạnh bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học thì việc khoanh nuôi, bảo vệ, phát triển rừng là nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị.

Thực hiện đề án “Trồng mới 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025”, từ năm 2021 đến nay, ban quản lý đã trồng 25.000 cây lâm nghiệp bản địa như lim xanh, giổi xanh, chò nâu, lát hoa ở các khu vực đất trống, sạt lở trên tuyến đường Trường Sơn Đông.

“Thời gian tới, đơn vị tiếp tục trồng các loại cây như giổi xanh, ươi. Những loại cây này không chỉ phủ xanh diện tích đất trống, nâng cao chất lượng, giá trị rừng bằng các loại cây bản địa, giá trị cao mà còn giúp cộng đồng dân cư vùng đệm khu bảo tồn được hưởng lợi từ lâm sản ngoài gỗ” - ông Dưỡng nói.

Từ năm 2019 - 2021, huyện Nông Sơn đã trồng 207ha rừng gỗ lớn (cây keo lai nuôi cấy mô, keo tai tượng Úc), hoàn thành kế hoạch được giao. Theo Bí thư Huyện ủy Nông Sơn Quảng Văn Ngọc, trồng rừng gỗ lớn là chủ trương sát đúng với tình hình thực tế hiện nay.

Theo Nghị quyết Huyện ủy Nông Sơn đề ra, toàn huyện phấn đấu trồng 100ha rừng gỗ lớn trong năm 2022. Theo đó, vận động người dân hưởng ứng, thực hiện trồng các loại cây lâm nghiệp bản địa như giổi, lim, chò,...

Bên cạnh cơ chế, chính sách hỗ trợ, huyện Nông Sơn đang chú trọng thay đổi tư duy của người dân, gắn kết đời sống người dân với rừng và hệ sinh thái rừng để tăng diện tích trồng rừng gỗ lớn.

“Địa phương sẽ triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền, giúp người dân hiểu rõ lợi ích lâu dài, tính bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường khi trồng rừng gỗ lớn, thay thế cây keo ngắn ngày như hiện nay. Qua đó thực hiện mục tiêu lớn nhất là phát triển nền kinh tế xanh, vừa đảm bảo thu nhập cho người dân vừa bảo vệ môi trường sống trước biến đổi khí hậu” - ông Ngọc nói.

TÂM LÊ - MINH THÔNG