Đột phá chính sách quản lý rừng bền vững
Trong chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2022 - 2025, Quảng Nam nâng mức hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên để “giữ chân” lực lượng chuyên trách và triển khai các giải pháp phát triển kinh tế rừng theo hướng linh hoạt hơn.
Giữ chân người giữ rừng
Ngày 8.10.2021, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 38 quy định mức chi hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ rừng (BVR) tự nhiên trong các lưu vực thủy điện trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025 (thay thế Nghị quyết số 46 ban hành năm 2018 của HĐND tỉnh).
Đối với rừng tự nhiên trong các lưu vực thủy điện (chủ rừng tự quản lý, bảo vệ theo hình thức hợp đồng với lực lượng chuyên trách BVR), những diện tích có đơn giá BVR thấp hơn 500 nghìn đồngha/năm sẽ đươc hỗ trợ để đạt mức.
Tăng cường bảo vệ và nâng cao độ che phủ rừng
Theo Nghị quyết số 38 của HĐND tỉnh, dự kiến tổng kinh phí thực hiện quản lý BVR tự nhiên trong các lưu vực thủy điện giai đoạn 2022 - 2025 là 634,7 tỷ đồng. Trong đó, nguồn dịch vụ môi trường rừng hơn 358,3 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh hơn 276,3 tỷ đồng. Dự kiến kinh phí quản lý, BVR tự nhiên trong các lưu vực thủy điện mỗi năm gần 158,7 tỷ đồng.
Nghị quyết số 15 của Tỉnh ủy ngày 14.10.2021 về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 tại hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 5 (khóa XXII), đưa mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 sẽ nâng độ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 61% (trong đó độ che phủ rừng tự nhiên đạt 45,27%).
Tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 5,0 - 5,5%/năm; giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt khoảng 5.600 tỷ đồng vào năm 2025. Giá trị thu nhập từ rừng trồng tăng bình quân khoảng 1,5 lần/đơn vị diện tích so với năm 2020 (bình quân 150m3/ha/chu kỳ 10 năm); có ít nhất 20% diện tích (30.000ha) rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn, tiêu chí của quản trị rừng quốc tế.
Với cơ chế hỗ trợ này, sẽ chi 80% để hợp đồng lực lượng chuyên trách BVR với mức tối thiểu 4 triệu đồng/người/tháng và các khoản trích nộp theo lương.
Ngoài ra, chi 20% cho cộng đồng dân cư thôn tham gia tuyên truyền, giám sát vận động thành viên tham gia BVR. Chủ rừng cũng được hưởng mức chi bằng 7%/tổng mức chi trực tiếp tỉnh hỗ trợ cho BVR.
Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh Đinh Văn Hươm cho rằng, nghị quyết ra đời kịp thời và phù hợp với chủ trương của Tỉnh ủy tại Nghị quyết 12, ngày 20.7.2021 về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; định hướng một số dự án quan trọng tại vùng tây Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.
“Điều quan trọng là nghị quyết ra đời sẽ giúp lực lượng chuyên trách BVR an tâm công tác lâu dài và đảm bảo được nguồn thu nhập” - ông Hươm nói.
Thực tế, thời gian qua, không ít nhân viên BVR đã bỏ việc tìm kiếm nghề nghiệp khác, nhiều khu vực giao khoán BVR chưa đáp ứng yêu cầu công việc (do đơn giá BVR thấp, một số nơi chưa thực sự lựa chọn người có đủ sức khỏe để bảo vệ, chưa có chế tài ràng buộc, xử lý trách nhiệm của các nhóm hộ, cộng đồng trong trường hợp để xảy ra phá rừng trong diện tích nhận khoán…).
Các địa phương miền núi đánh giá, Nghị quyết số 38 của HĐND tỉnh thể hiện sự quan tâm của tỉnh trong công tác BVR; đồng thời khắc phục những bất cập, vướng mắc khi các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện Nghị quyết số 46 của HĐND tỉnh trong 2 năm qua.
Một nguồn tài chính khác được cho là dồi dào hơn cả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng là Quảng Nam sẽ xuất bán tín chỉ các bon rừng cho các nhà đầu tư nước ngoài nếu Thủ tướng phê duyệt Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ các bon rừng từ giảm phát thải khí nhà kính thông qua chống mất rừng và suy thoái rừng; quản lý bền vững tài nguyên rừng; bảo tồn, nâng cao trữ lượng các bon rừng (REDD+). Theo đó, tỉnh thống nhất sau này sẽ dành nguồn lực tài chính REDD+ cho quản lý BVR.
Đa dạng mô hình kinh tế rừng
Theo các huyện Hiệp Đức, Đông Giang, trồng rừng gỗ lớn là sự lựa chọn đúng đắn, nhưng đến nay vẫn chưa có quy định cụ thể và sự cam kết của người dân đối với các nguồn vốn hỗ trợ về trồng rừng gỗ lớn. Rào cản còn nằm ở chỗ hiện vẫn chưa có bảo hiểm rủi ro cho người dân khi tham gia thực hiện mô hình trồng rừng gỗ lớn.
Trong khi đó, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp chưa hoàn thiện nên quá trình tham gia chuỗi sản xuất từ khâu trồng - thu hoạch - chế biến - tiêu thụ, liên kết giữa người dân với doanh nghiệp bị đứt gãy. Chưa kể người dân gặp khó khăn khi tiếp cận các nguồn vốn vay tín dụng.
Cho nên, trong chiến lược phát triển lâm nghiệp, các huyện miền núi và trung du đề xuất, ngoài cây keo còn kết hợp phát triển thêm những cây có giá trị lấy gỗ khác để có hiệu quả về kinh tế lâu dài. Trong sản phẩm cây lâm nghiệp chủ lực, Quảng Nam xác định, ngoài cây giổi còn có lim, chò, ươi, keo lai.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho biết, hướng phát triển vùng miền núi, tập trung vào 3 mũi nhọn chính là trồng rừng gỗ lớn, phát triển dược liệu dưới tán rừng và trồng cây ăn quả, thay thế dần diện tích cây keo ở vùng cao.
Hiện nay, các ban quan lý rừng phòng hộ, khu bảo tồn, vườn quốc gia triển khai nhiều mô hình trồng cây dược liệu, khai thác lâm sản ngoài gỗ, khai thác kinh tế trong rừng phòng hộ, kinh doanh du lịch sinh thái, xây dựng vườn ươm cây giống, tạo nguồn con giống… để cải thiện thêm thu nhập cho lực lượng chuyên trách BVR.
Các huyện Bắc Trà My, Nam Trà My, Tây Giang từng bước chuyển đổi diện tích nương rẫy sang trồng rừng sản xuất đa mục tiêu để phục vụ công nghiệp chế biến, lấy gỗ làm nhà và các công trình văn hóa trên địa bàn miền núi; chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn để phục vụ công nghiệp chế biến sâu; tham gia cấp chứng chỉ rừng bền vững theo tiêu chuẩn của quản trị rừng quốc tế.
Trong kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, Quảng Nam dành nguồn lực đầu tư phát triển dược liệu dưới tán rừng nhưng phải giữ được thảm thực vật tái sinh dưới tán rừng.
Giám đốc Sở NN&PTNT Phạm Viết Tích cho biết, ngành sẽ hướng dẫn các địa phương, chủ rừng triển khai có hiệu quả các chính sách về trồng rừng, chăm sóc, khoanh nuôi, bảo vệ rừng, cho thuê môi trường rừng để trồng dược liệu, lâm sản ngoài gỗ và phát triển du lịch sinh thái nhằm nâng cao giá trị đa dạng sinh học, khả năng cung cấp lâm sản, khả năng phòng hộ và các giá trị khác của rừng.
“Chúng tôi sẽ nghiên cứu chuyển giao các loại giống cây trồng lâm nghiệp, dược liệu, lâm sản ngoài gỗ và công tác bảo tồn đa dạng sinh học, phòng cháy chữa cháy rừng, góp phần quản lý rừng bền vững, tạo việc làm lâu dài, cải thiện sinh kế, đời sống của người dân.
Triển khai hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp trong quá trình khai thác, vận chuyển, mua bán và chế biến gỗ theo Hiệp định đối tác tự nguyện giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu về thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (thỏa thuận VPA/FLEGT)” - ông Tích nói.