Quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng bền vững
Tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế và tổ chức xã hội tham gia lĩnh vực phát triển lâm nghiệp nhằm đóng góp ngày càng tăng vào phát triển kinh tế - xã hội, là một trong những yêu cầu UBND tỉnh đặt ra tại Quyết định số 3059 ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Hoàn thành mục tiêu này cũng là giải pháp góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và cung cấp các dịch vụ môi trường, nâng cao mức sống cho người dân nông thôn, miền núi và giữ vững an ninh quốc phòng.
UBND tỉnh đặt chỉ tiêu hằng năm duy trì diện tích rừng tự nhiên hiện có 466.207ha và nâng cao chất lượng rừng tự nhiên thông qua việc tăng cường bảo tồn và bảo vệ rừng cũng như các biện pháp kỹ thuật lâm sinh thích hợp. Trong đó bảo vệ nghiêm ngặt 128.868ha rừng tự nhiên thuộc quy hoạch đặc dụng, vườn quốc gia; nâng chất lượng rừng đối với các diện tích rừng nghèo, rừng phục hồi tối thiểu 15.000ha đạt mức trữ lượng rừng trung bình.
Đến năm 2025 tăng độ che phủ rừng lên 61% (độ che phủ rừng tự nhiên là 45,2% và độ che phủ 9 huyện miền núi là 69%), trong đó diện tích rừng tự nhiên hiện có 466.207ha và dự kiến tăng thêm khoảng 13.000ha qua hoạt động khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng, làm giàu rừng; ngoài ra, trồng mới 3.000ha từ đề án trồng rừng gỗ lớn và 2.500ha rừng trồng phòng hộ.
Toàn tỉnh tăng diện tích rừng sản xuất chứng chỉ quản lý rừng bền vững, để đến năm 2025 có ít nhất 15% diện tích rừng trồng có chứng chỉ FSC, trong đó rừng trồng cây gỗ lớn đạt 20.000ha (trong đó 3.000ha rừng trồng các loài cây bản địa). Phấn đấu tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp từ 5%/năm trở lên; giá trị tổng sản phẩm ngành lâm nghiệp trong tổng giá trị sản phẩm ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đạt 15,21%.
Đến năm 2030 quy hoạch diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định; quản lý rừng bền vững từng bước đi vào nền nếp; bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học. Chất lượng rừng theo đó cũng được cải thiện đáp ứng chức năng từng loại rừng, nhất là chức năng phòng hộ đầu nguồn các hệ thống sông suối miền núi, và phòng hộ vùng cát ven biển, giảm thiểu tác động của thiên tai, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu...
Về môi trường, tiếp tục duy trì diện tích rừng hiện có và diện tích tăng thêm trong giai đoạn 2021 - 2030 (hiện nay là 683.034ha sẽ tăng lên khoảng 714.000ha, với độ che phủ 62%) và duy trì ổn định độ che phủ ổn định các năm sau 2030.
Quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch, UBND tỉnh phân ra từng nhóm vấn đề với giải pháp cụ thể, phù hợp trên từng lĩnh vực, gồm: tổ chức quản lý rừng; bảo tồn đa dạng sinh học; bảo vệ rừng; phát triển rừng; sử dụng rừng; chế biến và thương mại lâm sản. Đồng thời xây dựng 14 nhiệm vụ khoa học công nghệ phục vụ chiến lược phát triển lâm nghiệp.
Gắn liền với đó là các giải pháp nâng cao năng lực của các cơ quan quản lý về lâm nghiệp; cải thiện và tăng cường quản trị rừng thông qua hỗ trợ chủ rừng xây dựng và tổ chức thực hiện phương án quản lý rừng bền vững; thiết lập và nhân rộng, chuyển giao một số mô hình bảo vệ, phát triển rừng gắn với cải thiện sinh kế cho người dân địa phương...