Phòng cháy chữa cháy rừng: Chậm triển khai "4 tại chỗ"
Tại hội nghị trực tuyến đánh giá công tác phòng cháy chữa cháy rừng năm 2021 do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu chủ trì vào cuối tuần qua, ngành nông nghiệp và các địa phương thừa nhận có sự lúng túng trong ứng phó với tình trạng liên tiếp xảy ra nhiều vụ cháy rừng.
Gia tăng số vụ cháy rừng
Chi cục Kiểm lâm tỉnh thống kê, trong số diện tích thiệt hại do cháy rừng (hơn 629ha) có hơn 321ha rừng tự nhiên, nhiều diện tích không thể phục hồi và 308ha rừng trồng. Theo lý giải của cơ quan này, số vụ cháy rừng năm nay tăng đột biến so với năm 2020 (tăng 40 vụ, tăng diện tích thiệt hại 551ha rừng các loại) do thời tiết nắng nóng cực đoan, gió Tây Nam kéo dài, cây trồng đổ ngã do cơn bão số 9 năm 2020 chưa tổ chức thu dọn.
Cụ thể, cơn bão số 9 năm ngoái làm diện tích rừng ngã đổ hơn 74.902ha, tập trung ở các huyện Duy Xuyên, Núi Thành, Quế Sơn, Đại Lộc, Thăng Bình, Hiệp Đức, Tiên Phước, Nông Sơn, Phước Sơn, Bắc Trà My. Tại huyện Hiệp Đức đầu mùa khô đến nay xảy ra nhiều vụ cháy rừng. Diện tích cháy đã được giao khoán cho người dân quản ly bảo vệ theo Nghị định 75 của Chính phủ.
Theo UBND huyện Hiệp Đức, do kinh phí hỗ trợ cho lực lượng phòng chống cháy rừng hạn chế nên khi cháy huy động khó khăn, lực lượng không kịp thời tiếp cận hiện trường để dập lửa.
Ở Phước Sơn, cháy rừng còn do người dân tùy tiện đốt thực bì, xâm lấn rừng tự nhiên để mở rộng diện tích canh tác. Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn Lê Quang Trung cho biết, diện tích thiệt hại do cháy rừng khoảng 32ha, xảy ra ở xã Phước Hòa và Phước Xuân. Tình trạng xâm lấn rừng tự nhiên ở vùng giáp ranh thời gian qua tái diễn và tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng từ hành vi đốt phá.
Ngoài cháy rừng trồng sản xuất, nhiều nơi còn xảy ra cháy rừng tự nhiên với quy mô lớn. Như vụ cháy rừng tự nhiên tại xã Đại Hưng, Đại Chánh, Đại Sơn (Đại Lộc) vừa qua gây thiệt hại 254ha; và cuối tháng 6.2021, cháy rừng trong lâm phận Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi Nông Sơn làm thiệt hại gần 30ha rừng đặc dụng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc Hồ Ngọc Mẫn cho biết, riêng cháy rừng nghiêm trọng ở Đại Chánh và Đại Hưng, địa phương đã thành lập 2 tổ kiểm tra xác minh hiện trường. Thực tế địa hình xa xôi phức tạp, công tác huy động lực lượng ứng phó, dập lửa chưa hiệu quả.
Triển khai công cụ giám sát rừng
Người dân không đăng ký xử lý thực bì; dù cảnh báo nguy cơ cháy rừng cấp IV, V vẫn tổ chức sử dụng lửa không đúng quy định… là những nguyên nhân phổ biến gây cháy rừng gần đây.
Ông Hà Phước Phú – Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng (Chi cục Kiểm lâm tỉnh) cho rằng, công nghệ giám sát rừng đã có, lực lượng cũng được kiện toàn, điều quan trọng là vận hành linh hoạt công tác chữa cháy tại từng thời điểm phù hợp. “Các chủ rừng, địa phương triển khai đồng bộ bộ công cụ quản lý, giám sát tài nguyên rừng thì hy vọng sẽ bảo vệ rừng tốt hơn” - ông Phú nói.
Thực tế, lực lượng tham gia phòng cháy chữa cháy rừng tại các địa phương phản ứng rất chậm nên nhiều vụ không kiểm soát và dập lửa kịp thời. Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước Nguyễn Hùng Anh cho biết, năm nay địa bàn xảy ra 29 vụ cháy gây thiệt hại 145ha. Về lâu dài, tỉnh nên có chính sách giảm mua dăm gỗ nhỏ, khuyến khích người dân trồng rừng gỗ lớn.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, với diện tích cháy không có khả năng phục hồi sẽ có kế hoạch tổ chức trồng lại rừng, kiên quyết không để xảy ra tình trạng lợi dụng để lấn chiếm đất.
Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn Lê Quang Trung kiến nghị, vào mùa đốt rẫy bắt buộc người dân phải báo cáo chính quyền địa phương. Ở khu vực giáp ranh diện tích rẫy của người dân với rừng phòng hộ khẩn trương cắm mốc thực địa. Có thể mua lại rừng của người dân hoặc hỗ trợ cây cối hoa màu trên diện tích quy hoạch rừng tự nhiên (vùng giáp ranh) đã bị họ lấn chiếm, sử dụng.
Về giải pháp sắp tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu lưu ý, ngành kiểm lâm và các địa phương, chủ rừng cần chủ động thực hiện phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ) và “5 sẵn sàng” (lực lượng, phương tiện, hậu cần, chỉ huy và thông tin) nhằm kiểm soát, ngăn chặn hiệu quả thiệt hại về tài nguyên rừng khi xảy ra cháy rừng.
Đồng thời, xây dựng chương trình phối hợp thực hiện giữa các lực lượng trong ứng cứu chữa cháy rừng; triển khai đồng bộ bộ công cụ quản lý, giám sát tài nguyên rừng.