Giao chủ rừng về địa phương quản lý: Tăng cường trách nhiệm với chủ rừng

TRẦN HỮU 13/08/2021 08:56

Sau hơn 2 năm kiện toàn, sắp xếp lại các ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ, đặc dụng (chủ rừng lớn) từ trực thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh chuyển về cho địa phương quản lý, đã tạo chuyển biến tích cực trong quản lý, bảo vệ rừng (BVR).

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh thăm một chốt bảo vệ rừng trong Vườn Quốc gia Sông Thanh hồi giữa tháng 5.2021. Ảnh: H.P
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh thăm một chốt bảo vệ rừng trong Vườn Quốc gia Sông Thanh hồi giữa tháng 5.2021. Ảnh: H.P

Phân quyền rạch ròi

Năm 2018, trên địa bàn tỉnh có 11 chủ rừng lớn thuộc Chi cục Kiểm lâm, gồm 4 BQL rừng đặc dụng (Sông Thanh, Sao La, Ngọc Linh, rừng đặc dụng Voi Nông Sơn) và 7 BQL rừng phòng hộ (Nam Sông Bung, Bắc Sông Bung, A Vương, Sông Kôn, Đăk Mi, Phú Ninh và Sông Tranh). Triển khai đề án tổ chức lại lực lượng kiểm lâm và các BQL rừng của tỉnh, đến nay còn 10 chủ rừng lớn.

Trong đó, 3 chủ rừng lớn gồm Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, Khu bảo tồn loài Sao La, BQL rừng phòng hộ Phú Ninh và ven biển Quảng Nam chuyển từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh về trực thuộc Sở NN&PTNT. Còn lại 7 chủ rừng gồm BQL Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi, các BQL rừng phòng hộ Bắc Trà My, Phước Sơn, Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang và Nam Trà My thuộc quản lý của các huyện.

Về cơ cấu lực lượng kiểm lâm, tại 9 huyện miền núi, mỗi huyện có một hạt kiểm lâm cấp huyện và 9 huyện đồng bằng thành lập 3 hạt kiểm lâm liên huyện (Nam Quảng Nam, Trung Quảng Nam và Bắc Quảng Nam). Việc tổ chức sắp xếp lại theo hướng giảm từ 15 hạt kiểm lâm xuống còn 12 hạt kiểm lâm, 11 BQL rừng giảm còn 10 BQL rừng; chuyển hạng khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh lên Vườn Quốc gia Sông Thanh.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Phạm Viết Tích, với mô hình cũ trước đây, trách nhiệm quản lý nhà nước của UBND các cấp, nhất là cấp xã trong công tác quản lý BVR ở một số địa phương thiếu chặt chẽ; vai trò điều hành, thanh tra, giám sát hiệu quả chưa cao. Thêm vào đó, công tác phối hợp thực hiện quản lý BVR giữa các đơn vị chưa đồng bộ. Kiểm lâm địa bàn được giao quản lý diện tích rừng lớn và kiêm nhiệm nhiều việc nên chưa thật sự bám sát địa bàn.

Trong khi đó, triển khai các chương trình, dự án về giao khoán BVR đến hộ gia đình, nhóm hộ còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu. Chẳng hạn nhiều chương trình, dự án có đơn giá khoán BVR thấp (đơn giá khoán theo Quyết định số 24 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ là 100.000 đồng/ha/năm, theo Nghị định số 99 về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng có lưu vực chỉ 38.000 đồng/ha/năm...) nên thu nhập của hộ dân nhận khoán vẫn còn ở mức thấp (bình quân 4,8 triệu đồng/người/năm), chưa khuyến khích người dân tham gia BVR.

Từ khi cơ cấu sắp xếp lại các chủ rừng (tháng 9.2019) đến nay, các BQL rừng đã phối hợp với hạt kiểm lâm và các cơ quan chức năng đã phát hiện, lập biên bản 431 vụ vi phạm liên quan đến Luật Lâm nghiệp. Theo đó, có gần 21ha diện tích rừng tự nhiên bị thiệt hại; cơ quan chức năng đã tịch thu hơn 360m3 gỗ các loại.

Tăng cường trách nhiệm

Sở NN&PTNT đánh giá, sau khi tổ chức lại bộ máy đã khắc phục được những hạn chế trong công tác phối hợp giữa hạt kiểm lâm rừng phòng hộ và hạt kiểm lâm huyện trên địa bàn. Theo đó, bố trí cán bộ trẻ tại các hạt kiểm lâm miền núi để tăng cường chức năng tham mưu chủ tịch UBND huyện thực hiện quản lý nhà nước về lâm nghiệp có hiệu quả hơn; vai trò của các BQL rừng được nâng cao và trách nhiệm quản lý nhà nước về lâm nghiệp của chính quyền địa phương được tăng cường.

Các BQL rừng thuộc huyện còn là đầu mối triển khai các chương trình, dự án trồng rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh, chăm sóc rừng, tổ chức giao khoán BVR theo chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Khi chủ rừng được giao trách nhiệm cụ thể sẽ kiểm soát được các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp và hạn chế các điểm nóng về phá rừng, lấn chiếm đất rừng trên địa bàn.

Ngành nông nghiệp cũng nhìn nhận, bộ máy tổ chức của một số BQL rừng chậm được kiện toàn nên quản lý, điều hành nhiệm vụ BVR chưa kịp thời. Thực tế, tại một số huyện Nam Giang, Phước Sơn, Nông Sơn, Đông Giang… tình trạng phá rừng tự nhiên, lấn chiếm đất rừng để làm nương rẫy, khai thác rừng tự nhiên để làm nhà ở vẫn còn xảy ra, nhưng một số BQL rừng chưa ngăn chặn. Về công tác khoán BVR, thực tế một số nhóm hộ, hộ nhận khoán BVR theo chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và Nghị định số 75 của Chính phủ ít tự tổ chức tuần tra, kiểm tra trong khu vực rừng nhận khoán bảo vệ.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường, sắp tới sẽ tiếp tục củng cố kiện toàn lực lượng BVR chuyên trách gắn kết với cộng đồng địa phương. Thực hiện đúng lộ trình giao đất lâm nghiệp, giao rừng tự nhiên, cho thuê rừng, cắm mốc ranh giới rừng; bảo đảm tất cả diện tích rừng và đất được quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp phải được giao, cho thuê đến từng chủ rừng. Bên cạnh đó, khẩn trương triển khai giao rừng tự nhiên cho các BQL rừng; thiết lập các chốt/trạm BVR ở khu vực trọng điểm nhằm quản lý, bảo vệ chặt chẽ diện tích rừng tự nhiên hiện có.

TRẦN HỮU