Xử lý chồng lấn trong quy hoạch rừng
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành nông nghiệp hướng dẫn các chủ rừng, địa phương xây dựng phương án xử lý tình trạng quy hoạch chồng lấn rừng sản xuất với quy hoạch rừng phòng hộ.
Hiện nay, diện tích đất rừng do Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Giang quản lý khoảng 36.000ha. Tuy nhiên, trong diện tích được UBND tỉnh quy hoạch rừng phòng hộ ở đây có nhiều khu vực hộ gia đình, cá nhân đang sản xuất.
Tại xã Mà Cooih và thị trấn Prao (Đông Giang), có ít nhất 1.500ha đất trồng rừng sản xuất, nương rẫy do nhóm hộ, người dân canh tác lâu nay. Theo thống kê, riêng phần quy hoạch rừng phòng hộ, hiện trạng đã có hàng nghìn héc ta đất nương rẫy và hơn 817ha đất rừng trồng của dân.
Tương tự, nhiều năm nay, Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh và ven biển Quảng Nam và 2 huyện Núi Thành, Phú Ninh rất lúng túng với phương án xử lý đất lâm nghiệp được Nhà nước quy hoạch chức năng phòng hộ nhưng bị người dân lấn chiếm trồng cây. Tại rừng phòng hộ Phú Ninh, một số khu vực quy hoạch cho rừng phòng hộ nằm xen kẽ với diện tích ruộng, vườn của người dân.
Theo Quyết định 120 ngày 11.1.2017 của UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh bổ sung quy hoạch và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2020, trong tổng diện tích đất rừng phòng hộ Phú Ninh thì riêng trên địa bàn huyện Phú Ninh là hơn 1.582ha.
Trong đó, diện tích đất rừng trồng có nguồn gốc từ vườn rừng, vườn nhà hoặc đã trồng keo từ trước, hiện đã quy hoạch cho rừng phòng hộ, cộng với diện tích do các đối tượng phá, chiếm đất rừng phòng hộ trái phép để trồng keo hơn 295ha.
Không riêng gì Phú Ninh, Đông Giang mà tình trạng Nhà nước quy hoạch đất rừng phòng hộ nhưng thực tế người dân đã trồng rừng sản xuất xảy ra ở nhiều nơi của miền núi. Sở NN&PTNT cho biết, tỉnh đã giao nhiệm vụ cho UBND các huyện, chủ rừng căn cứ quy định tổ chức xây dựng và phê duyệt phương án phù hợp với thực tế địa phương, lập dự toán kinh phí trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Thời gian triển khai phương án của các địa phương, chủ rừng bắt đầu từ năm 2022. Ngành nông nghiệp tham mưu UBND tỉnh giải quyết quyền lợi cho người dân đối với diện tích đất rừng sản xuất, đất vườn, đất nông nghiệp, đất ở thuộc quyền sử dụng hợp pháp của người dân đang sinh sống hoặc sử dụng ổn định, lâu dài trong khu vực quy hoạch rừng phòng hộ, đặc dụng.
Tuy nhiên, các địa phương cần kiểm soát chặt chẽ, tránh việc hợp thức hóa giao đất để lợi dụng phá rừng tự nhiên lấy đất sản xuất, chuyển đổi mục đích đất rừng không đúng quy định.
Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Sở NN&PTNT cho biết, trên cơ sở đề xuất của các địa phương, đơn vị sẽ xem xét đề xuất điều chỉnh quy hoạch lâm nghiệp tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 theo hướng vừa đảm bảo diện tích quy hoạch 3 loại rừng, vừa hài hòa lợi ích của Nhà nước với lợi ích của người dân và phù hợp với quy hoạch quốc gia.