Người Xê Đăng ứng xử với rừng
Những năm gần đây, nhiều ngôi làng của người Xê Đăng ở huyện vùng cao Nam Trà My có cuộc sống tươi sáng hơn, từ sự cố gắng của mỗi hộ gia đình trong lao động sản xuất, và quan trọng hơn là họ giữ được rừng.
Giữ rừng, giữ sâm
Chúng tôi theo chân ông Nguyễn Văn Lượng (thôn 2, xã Trà Linh) từ lúc tờ mờ sáng, khi sương còn giăng kín các ngõ ngách của núi rừng Ngọc Linh. Giữa hoang sơ kỳ vĩ, đồi thông xanh mướt hơn 5 năm tuổi của ông Lượng dần hiện ra trước mắt chúng tôi.
Với hơn 70 nghìn gốc thông, chiều cao trung bình khoảng 4 - 5m, cây lớn nhất có đường kính lên tới 15cm, đây là một trong rất nhiều khu rừng được gia đình ông Lượng dày công chăm sóc.
Ông Lượng chia sẻ, bản thân luôn đau đáu chuyện giữ rừng, vì vậy suốt mấy mươi năm bám núi trồng sâm, ông luôn dành thời gian trồng lại rừng, bảo vệ rừng để giữ môi trường cho cây sâm phát triển.
“Mỗi năm tôi trồng 1.000 - 2.000 cây. Cứ khoảnh rừng, đồi nào có đất trống thì mình trồng cây. Mình chọn trồng giống cây nào hợp với sâm, cây có lá nhiều, có thể giữ nước để giữ độ ẩm” - ông Lượng nói.
Người Xê Đăng sống trên núi Ngọc Linh quan niệm, trồng rừng không chỉ để giữ đất rừng, mà còn để bảo vệ những vườn sâm quý. Đối với ông Nguyễn Văn Lượng và đồng bào của mình, rừng luôn là món quà quý báu của mẹ thiên nhiên ban tặng. Ngót 30 năm bám núi trồng sâm cũng là quãng thời gian ông Lượng tự tay gieo mầm cây xanh bảo vệ vùng núi thiêng và cũng là bảo vệ sự sống của đồng bào.
“Mình phải làm gương, trồng rừng không phải để khai thác, trồng để sau này con cháu thấy đây là cây ông cha trồng, tuyệt đối không khai thác, không lấy làm gỗ để làm nhà” - ông Lượng trải lòng.
Sống với rừng
Tại xã Trà Mai - xã trung tâm của huyện Nam Trà My, hộ gia đình ông Hồ Văn Bông (người Xê Đăng ở Trà Linh) dọn về định cư đã được mấy năm nay. Với tâm niệm “người Xê Đăng đi đâu cũng cần phải có rừng”, từ nguồn thu qua việc trồng sâm Ngọc Linh, vợ chồng ông Bông mạnh dạn đầu tư kinh phí mua mấy vạt rẫy để trồng cây gây rừng ngay tại xã Trà Mai.
Hơn 3 năm nay, trên diện tích đất rẫy của vợ chồng ông đã hình thành những cánh rừng sao đen trồng xen các loại cây ăn trái khác như mít, xoài, cam, bưởi… Ông Bông chia sẻ, rừng mới chính là nơi đầu tư hiệu quả nhất cho tương lai con cháu.
Toàn lâm phận Nam Trà My hiện có hơn 54 nghìn héc ta rừng, con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng nhờ chính sách khoán bảo vệ rừng và trồng rừng thay thế đang được triển khai đồng bộ.
Ngoài ra, huyện Nam Trà My cũng được giao chỉ tiêu trồng 3,85 triệu cây xanh theo chương trình trồng 1 tỷ cây xanh do Thủ tướng Chính phủ phát động trên toàn quốc. Tinh thần của đồng bào người Xê Đăng trong việc tái sinh rừng được kỳ vọng sẽ giúp gia tăng diện tích rừng trên địa bàn huyện.
Theo ông Nguyễn Vĩnh Hiền - Phó Giám đốc phụ trách Ban quản lý Rừng phòng hộ huyện Nam Trà My, việc trồng cây tại vườn nhà của các hộ gia đình là mô hình rất dễ vận động, người dân trồng và tự quản lý, chăm sóc sẽ đem lại kết quả cao.
“Năm 2020 huyện Nam Trà My đã triển khai mô hình trồng cây phân tán, 168 hộ trên địa bàn 9 xã đã trồng hơn 62.700 cây giổi xanh. Hiện cây sinh trưởng và phát triển rất tốt” - ông Hiền cho hay.