Thực hiện dịch vụ môi trường rừng: Giám sát và xây dựng bản đồ chi trả

TRẦN HỮU 23/07/2021 08:50

Ngoài xây dựng bản đồ chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) theo dõi diễn biến rừng, Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh còn đảm bảo nguồn thu đúng kế hoạch, thường xuyên theo dõi, giám sát các đơn vị chủ rừng và các địa phương thực hiện việc chi trả DVMTR đúng quy định.

Cây keo Úc được hỗ trợ cho hộ gia đình trồng rừng sinh trưởng và phát triển tốt. Ảnh: H.P
Cây keo Úc được hỗ trợ cho hộ gia đình trồng rừng sinh trưởng và phát triển tốt. Ảnh: H.P

Ngăn ngừa sai sót từ giám sát

Hộ ông Blúp Thức ở thôn Pà Nai, xã Tà Lu (Tây Giang) vừa nhận 2.500 cây keo tai tượng Úc từ Ban quản lý Khu bảo tồn loài sao la về trồng. Đây là giống cây lâm nghiệp được hỗ trợ cho hộ gia đình trồng rừng phân tán năm 2020 theo Quyết định số 3099 (ngày 25.8.2017) của UBND tỉnh.

Năm qua, chủ rừng được hỗ trợ 82.000 cây giống keo tai tượng Úc để cấp cho các hộ gia đình trồng. Ngoài ra, Ban quản lý Rừng phòng hộ các huyện Tây Giang, Đông Giang, Phước Sơn, Nam Giang và Nam Trà My còn được nhận hơn 115 nghìn cây giổi giống, 257 nghìn cây keo tai tượng Úc và 35 nghìn cây gáo vàng để cấp cho các hộ gia đình trồng rừng.

Theo đánh giá của đoàn kiểm tra, giám sát Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh, hiện trường khu vực trồng rừng của hộ gia đình ở xa nên việc vận chuyển cây giống trồng rừng gặp khó khăn. Về hồ sơ liên quan đến cấp phát cây giống cho hộ tại thời điểm kiểm tra đơn vị chủ rừng đã thanh toán xong. Trồng phân tán tại hộ sinh trưởng phát triển tốt.

Để kiểm tra, giám sát các đơn vị chủ rừng và UBND các xã, từ đầu năm Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh đã ban hành kế hoạch giám sát 11 chủ rừng và 9 xã (có chức năng như chủ rừng) chi trả DVMTR. Thời điểm này, đã hoàn tất kiểm tra 11 chủ rừng.

 Giám đốc Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh Huỳnh Đức cho biết, đơn vị đã xây dựng bản đồ chi trả DVMTR và xác định diện tích rừng được chi trả đúng quy định. Theo đó, ứng dụng nguồn ảnh viễn thám, khoanh vẽ vùng có biến động, gửi dữ liệu khuyến cáo và phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh, các hạt kiểm lâm huyện cùng chủ rừng cập nhật diễn biến rừng hàng quý. Tổng diện tích rừng được chi trả DVMT năm 2021 đến thời điểm này hơn 283.513ha.

Những năm gần đây, việc hạn chế chi trả DVMTR bằng tiền mặt đang triển khai rất hiệu quả. Đến nay, có 20 tài khoản chủ rừng, UBND các xã được mở. Năm 2020, số tiền chi trả không dùng tiền mặt gần 86 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm 2021 gần 65 tỷ đồng. Thông qua thực hiện chính sách chi trả DVMTR đã nâng cao năng lực của các chủ rừng, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý, phát triển bền vững rừng.

Công khai, minh bạch

Được chi trả DVMTR, người tham gia bảo vệ rừng có thêm nguồn thu nhập, có trách nhiệm giữ rừng hơn. Điều quan trọng, trong lâm phận được chi trả DVMTR, các vụ vi phạm pháp luật có dấu hiệu giảm; cơ bản kiểm soát các vùng trọng điểm phá rừng, khai thác, mua bán và vận chuyển lâm sản trái phép.

Một số nơi chủ rừng đã hướng dẫn người dân phát triển sinh kế như trồng sâm Ngọc Linh, ba kích, các loại cây dược liệu khác dưới tán rừng; phát triển lâm sản ngoài gỗ. Hầu hết cơ sở sản xuất thủy điện, sản xuất kinh doanh nước sạch, các cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nguồn nước (nguồn nước mặt và nước ngầm) đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh đều ký kết hợp đồng ủy thác chi trả DVMTR với Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh và Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng Việt Nam.

Kết quả giám sát cho thấy, các chủ rừng đã thực hiện việc quản lý, sử dụng và chi trả tiền DVMTR cho các nhóm hộ, cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng đúng quy định và kịp thời. Các nhóm hộ, cộng đồng nhận khoán đã nhận đầy đủ số tiền được cấp phát từ các chủ rừng. Số tiền nhận khoán được công khai, minh bạch trong nhóm cộng đồng, không xảy ra các trường hợp hộ nhận khoán thắc mắc, khiếu nại.

Nhiều chủ rừng được phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững đến năm 2030, như Ban quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh sao la. Toàn bộ diện tích hơn 15.486ha ở khu bảo tồn này sử dụng cho mục đích đất rừng đặc dụng; đồng thời tổ chức khoán bảo vệ rừng ổn định hàng năm trên diện tích 8.948ha rừng tự nhiên cho các nhóm hộ gia đình theo đề án chi trả DVMTR.

“Trắng tay” với nguồn thu từ du lịch do dịch Covid-19

Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh cho biết, trước đây thực hiện theo Nghị định số 156, Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng có thanh lý hợp đồng ủy thác với Công ty CP Du lịch Hùng Cường chuyển về cho Ban quản lý Rừng phòng hộ Phú Ninh. Tuy nhiên, đơn vị vẫn chưa thực hiện do nguồn thu kế hoạch hàng năm quá ít (4 triệu đồng) đồng thời do dịch bệnh Covid-19 nên doanh nghiệp gặp khó khăn trong kinh doanh dịch vụ. Ngoài 79/79 đơn vị sản xuất thủy điện, sản xuất nước sạch, nước phục vụ sản xuất công nghiệp, không có đơn vị dịch vụ du lịch, nuôi trồng thủy sản sử dụng DVMTR chiếu theo quy định của Nghị định 156 của Chính phủ phải chi trả trực tiếp cho chủ rừng. Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng thông tin thêm, Nhà máy thủy điện Sông Tranh 4 đã ký kết hợp đồng ủy thác DVMTR với đơn vị từ đầu năm 2020 nhưng đến nay nhà máy vẫn chưa đi vào hoạt động sản xuất nên chưa thu được nguồn tiền DVMTR để chi trả bảo vệ 2.513ha theo đề án UBND tỉnh phê duyệt.

NGUỒN THU ĐẢM BẢO

Từ đầu năm đến nay, nguồn thu từ chính sách dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) cả cấp trung ương lẫn địa phương đều đảm bảo, thậm chí vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh kiểm tra chốt bảo vệ rừng trong khu bảo tồn thiên nhiên sông Thanh, thuộc xã Đắc Pre, huyện Nam Giang. Ảnh: H.P
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh kiểm tra chốt bảo vệ rừng trong khu bảo tồn thiên nhiên sông Thanh, thuộc xã Đắc Pre, huyện Nam Giang. Ảnh: H.P

Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng Việt Nam cho biết, 6 tháng đầu năm 2021 đã thu được 1.435 tỷ đồng tiền DVMTR đối với các hợp đồng đã ký kết ủy thác, đạt 51% kế hoạch và tăng 66% so với cùng kỳ năm 2020.

Cũng trong giai đoạn này, Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng cấp tỉnh đã giải ngân, thanh toán gần 2.230 tỷ đồng tiền DVMTR năm 2020 (đạt 93% kế hoạch được UBND tỉnh phê duyệt) chủ yếu bằng hình thức qua tài khoản ngân hàng, kho bạc, giao dịch điện tử và bưu chính cho 223 ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng; 88 công ty lâm nghiệp, 1.564 UBND xã được giao trách nhiệm quản lý rừng, 325 chủ rừng khác và hơn 233.000 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng với tổng diện tích được hưởng là 6,7 triệu héc ta (chiếm 45% tổng diện tích rừng toàn quốc).

Tại Quảng Nam, trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng số tiền DVMTR hơn 101 tỷ đồng, trong khi kế hoạch cả năm giao hơn 117 tỷ đồng (đạt 86,3%). Ông Phạm Phú - Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh đánh giá, kết quả thu DVMTR 6 tháng đầu năm 2021 đạt cao nhờ các tháng cuối năm 2020 và đầu 2021 mưa nhiều, lượng nước thuận lợi cho việc sản xuất thủy điện đạt sản lượng cao.

Chính sách chi trả DVMTR được sửa đổi, bổ sung tại Luật Lâm nghiệp và Nghị định số 156 gọn, dễ thực hiện. Tuy nhiên, các đơn vị sử dụng DVMTR cho sản xuất thủy điện phụ thuộc lớn vào điều kiện thời tiết nên số tiền DVMTR thực tế thu hàng năm có sự sai khác so với kế hoạch đăng ký ban đầu, ảnh hưởng đến kế hoạch chi trả của Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng, chủ rừng và bên nhận khoán bảo vệ rừng.

Theo ông Nguyễn Quốc Trị  - Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp kiêm Giám đốc Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng Việt Nam, từ nay đến cuối năm cần triển khai có hiệu quả chính sách chi trả DVMTR quy định tại Nghị định số 156 của Chính phủ; đảm bảo thu - chi đúng và đủ, đồng thời công khai, minh bạch. Ngoài ra, các địa phương sớm xây dựng bản đồ chi trả DVMTR để theo dõi cập nhật chính xác diễn biến rừng; có phương án xử lý tình trạng chậm nộp tiền DVMTR.


TRẦN HỮU